THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ LÀ VINH DỰ, TRÁCH NHIỆM VÀ TỰ HÀO CỦA THANH NIÊN VIỆT NAM

                                                                                                                                                                CT

 Nhập ngũ, lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ và tự hào của thanh niên Việt Nam. Thế nhưng, một số thành phần phản động lại đi ngược lại những giá trị truyền thống, nhân văn ấy, ra sức xuyên tạc, luận điệu của chúng cho rằng: Thanh niên Việt Nam “phai nhạt tình cảm yêu nước”, không có “ý thức trách nhiệm” với giang sơn, “trốn nghĩa vụ quân sự”…

Đây là những luận điệu phiến diện, thiếu khách quan không phản ánh đúng tình hình thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam. Thực chất, đây là âm mưu nham hiểm, thâm độc của bọn chúng hòng làm cho thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự nói riêng dao động thiếu niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Thực tế cho thấy, trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng triệu thanh niên tình nguyện nhập ngũ, nhiều lá đơn được viết bằng máu, thể hiện ý chí, trách nhiệm, quyết tâm của lớp lớp thanh niên với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”… thanh niên Việt Nam đã cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên chiến công vĩ đại, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Tiếp nối truyền thống đó, thanh niên hiện nay không chỉ nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của tuổi trẻ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mà còn luôn mong muốn, vinh dự được vào quân ngũ, trở thành người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. “Quân đội là trường học lớn”, là môi trường thuận lợi để thanh niên được tiếp thu những kiến thức chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; được rèn luyện, khẳng định bản thân, ngày càng trưởng thành hơn, sẵn sàng đối mặt, vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống; môi trường quân ngũ còn tôi luyện cho tuổi trẻ ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người.

Được tuyên truyền, giáo dục nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, tự hào trở thành người chiến sĩ, mỗi thanh niên đều xác định rõ tư tưởng, tự giác, hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Từ đó cho thấy, việc giao nhận quân hằng năm luôn đạt chỉ tiêu về số lượng, chất lượng tuyển chọn, với tỷ lệ thanh niên tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ và có trình độ văn hóa ngày càng cao. Ví dụ như thành phố Hà Nội, năm 2023, toàn thành phố có 20,9% công dân trình độ cao đẳng, đại học lên đường nhập ngũ, 998 công dân tình nguyện viết đơn nhập ngũ; Ninh Bình, căn cứ chỉ tiêu được giao, toàn tỉnh tuyển chọn và bàn giao 1.300 công dân nhập ngũ, trong đó có trình độ cao đẳng, đại học chiếm 5,5%; Hải Phòng, thanh niên nhập ngũ có sức khỏe loại 1, loại 2 đạt gần 80%, có gần 350 công dân đã tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học, 1 công dân có trình độ Thạc sĩ, 23 công dân là Đảng viên, 619 thanh niên được bồi dưỡng lý luận về Đảng; Thừa Thiên Huế có 1.452 thanh niên hăng hái nhập ngũ, làm nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc… Từ những minh chứng trên cho thấy, việc cho rằng thanh niên đã  “phai nhạt tình cảm yêu nước”, không có “ý thức trách nhiệm” với giang sơn, “trốn nghĩa vụ quân sự” là luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc cần lên án đấu tranh bác bỏ.

Cũng phải thấy rằng, những năm gần đây, dưới sự tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, mạng xã hội, một bộ phận thanh niên bị ảnh hưởng không nhỏ bởi lối sống hưởng thụ, thực dụng, họ bắt đầu có những so đo, tính toán thiệt hơn về việc nhập ngũ vì sợ khổ, sợ vất vả, thậm chí, còn có những hiện tượng tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Những hành vi vi phạm luật nghĩa vụ quân sự đều được các cấp, ngành giáo dục, răn đe, xử lý nghiêm túc; dư luận xã hội lên án vì ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và đất nước.

Từ những vấn đề trên cho thấy, việc vi phạm của một vài thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ là hiện tượng cá biệt, không phải là hiện tượng phổ biến, không phản ánh bản chất, truyền thống tốt đẹp của thanh niên, càng không thể là cái cớ để lợi dụng xuyên tạc thực hiện nghĩa vụ quân sự của Việt Nam trong thời gian qua.

Do vậy, các bộ, ngành, cơ quan cần chú trọng hơn nữa tới công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân nói chung, thanh niên nói riêng về trách nhiệm, nghĩa vụ trong thực nghĩa vụ quân sự; kịp thời nhận diện, đấu tranh với quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù đich, phản động./.

 

Nhận xét