Sự thống nhất hữu cơ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc hiện nay

TCCS - Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước pháp quyền quản trị đất nước, xã hội bằng pháp luật là nguyên tắc cơ bản của hệ thống chính trị - xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, là đặc trưng làm nên sự khác biệt giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc với dân chủ tư bản chủ nghĩa. Đây cũng là ba mặt chỉnh thể thống nhất, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cùng các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân Trung Quốc dự Lễ bế mạc Kỳ họp thứ nhất Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân toàn Trung Quốc (Chính Hiệp) khóa XIV, tại Bắc Kinh, ngày 11-3-2023_ Ảnh: THX/TTXVN

Từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (năm 1949), nhất là từ sau khi đường lối cải cách, mở cửa toàn diện đất nước được đề ra tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (năm 1978), Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi trọng việc xây dựng Nhà nước pháp quyền (mặc dù vào thời điểm đó, thuật ngữ này chưa được đề cập rõ ràng), coi đây là điều kiện cơ bản để bảo vệ dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm xây dựng Nhà nước pháp quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới mối quan hệ thống nhất hữu cơ giữa “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Đại hội XV của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 1997) đã xác định, Nhà nước pháp quyền là chiến lược cơ bản để Đảng lãnh đạo nhân dân điều hành đất nước: “Nhà nước pháp quyền kết hợp giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ dân chủ của nhân dân và hành động theo đúng pháp luật”.  

Bước vào thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh hơn công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền, coi đó là phương thức cơ bản để Đảng lãnh đạo nhân dân điều hành đất nước. Tại Đại hội XVI (năm 2002), Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định: “Điều cơ bản nhất trong phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là thống nhất một cách hữu cơ sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân làm chủ đất nước và nhà nước pháp quyền”. Đến Đại hội XVII (năm 2007), Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định việc cai trị đất nước bằng pháp luật là yêu cầu cơ bản của nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhấn mạnh cần thực hiện đầy đủ chiến lược cơ bản là cai trị đất nước bằng pháp luật và đẩy nhanh việc xây dựng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa theo pháp quyền. Trong các kỳ Đại hội XVIII (năm 2012), Đại hội XIX (năm 2017), Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục khẳng định nhất quán quan điểm này. Đặc biệt, trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2022), từ góc độ chiến lược và tổng thể “liên quan đến sự điều hành của Đảng và trẻ hóa đất nước, liên quan đến hạnh phúc của người dân, sự ổn định lâu dài của Đảng và đất nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh việc tuân thủ toàn diện pháp quyền và xây dựng một nền pháp quyền rộng hơn, sâu hơn, chất lượng cao hơn ở Trung Quốc và “phải kiên định đi theo con đường phát triển chính trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, tuân thủ sự thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân và nhà nước pháp quyền, tuân theo địa vị thống trị của nhân dân, phản ánh đầy đủ ý chí của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích và sức sáng tạo của nhân dân”(1). Có thể nói, Đảng Cộng sản Trung Quốc trên cơ sở tổng kết sâu sắc kinh nghiệm, bài học về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong suốt chiều dài lịch sử hơn 70 năm từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã xác định sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm cơ bản để nhân dân điều hành đất nước và quản trị đất nước dựa trên pháp luật; nhân dân điều hành đất nước là đặc điểm cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; quản trị dựa trên pháp luật là phương thức cơ bản để Đảng lãnh đạo nhân dân điều hành đất nước. Ba yếu tố này chính là bộ phận cấu thành hữu cơ của nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Quan điểm tiếp cận nghiên cứu

Để hiểu đúng về sự thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trước hết phải có quan điểm biện chứng, xem ba thành tố này như một thể thống nhất, không thể chia cắt. Phân tích bất kỳ khía cạnh nào trong mối quan hệ này đều không thể tách rời tiền đề chủ yếu là sự thống nhất hữu cơ giữa ba thành tố. Đồng thời, phải tuân thủ phương pháp phân tích cụ thể: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền không đơn thuần đặt song song, ngang bằng nhau. Trong mối quan hệ hữu cơ này, Đảng lãnh đạo là đặc điểm cốt lõi của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, là bảo đảm cơ bản để nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền, không có Đảng Cộng sản lãnh đạo thì việc làm chủ đất nước của nhân dân, cũng như việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không thể thực hiện được. Nhân dân làm chủ đất nước là bản chất và cốt lõi của nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quyền làm chủ đất nước của nhân dân là điểm xuất phát và cũng là điểm kết thúc của công cuộc xây dựng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Nhà nước pháp quyền quản lý đất nước bằng pháp luật là con đường, phương tiện để thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quản lý nhà nước theo pháp luật là dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân quản lý công việc nhà nước thông qua nhiều kênh, hình thức phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm mọi công việc của Nhà nước được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. 

Bên cạnh đó, cần xem xét dưới góc nhìn thực tiễn để thấy rằng, sự thống nhất hữu cơ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là thành tựu lý luận chủ yếu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dựa trên sự tổng kết khoa học trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm xây dựng, phát triển nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngừng nắm bắt sâu hơn về quy luật xây dựng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, từng bước nâng sự thống nhất hữu cơ của ba thành tố lên một tầm cao mới. Đồng thời, sự thống nhất này phù hợp với điều kiện và thực tế Trung Quốc, phù hợp với lợi ích cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân; là điểm khác biệt và vượt lên so với hệ thống chính trị dân chủ tư sản. 

Dưới góc độ nghiên cứu về vấn đề tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, có thể thấy, “thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân và Nhà nước pháp quyền”. Cơ chế vận hành quyền lực nhà nước ở Trung Quốc khác cơ bản với cơ chế tam quyền phân lập ở các nước tư bản phương Tây. Hệ thống chính trị của Trung Quốc tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trong đó, Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo chính trị cao nhất và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất. Một mặt, thông qua hệ thống dân chủ, quyền lực nhà nước được vận hành thông suốt (trong quá trình xây dựng pháp luật, việc ban hành và thực hiện quyết định phải phát huy đầy đủ dân chủ của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp xã hội); mặt khác, việc thực hiện quyền lực nhà nước được tập trung đúng mức, nghĩa là mọi quyền lực đều tập trung vào Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, nhân dân sử dụng cơ quan này để ra quyết định, thúc đẩy tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện. Các cơ quan hành chính, tư pháp, kiểm sát và giám sát của Nhà nước đều do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thành lập và giám sát hoạt động.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền lực nhà nước được phân chia thành quyền quyết định, quyền giám sát và quyền thực thi: Đảng có quyền quyết định nhưng phải chấp nhận sự giám sát và thông qua của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc; Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có quyền giám sát, nhưng không có quyền quyết định thay Đảng; Chính phủ có quyền hành pháp nhưng không có quyền quyết định và quyền giám sát, mà phải chịu sự giám sát của Đảng và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc... Cơ chế này cung cấp khuôn khổ thể chế để thực hiện “sự thống nhất hữu cơ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền” ở các khía cạnh sau: Một là, Đảng có quyền quyết định đối với toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để thực hiện vai trò lãnh đạo chính trị của mình; hai là, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc có quyền giám sát, xem xét và thông qua quyết định của Đảng, nhằm bảo đảm việc tuân thủ nguyên tắc “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” đã được quy định trong Hiến pháp; ba là, nếu không có chủ trương, quyết định của Đảng và sự thông qua của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Chính phủ không thể lạm dụng quyền hành pháp. Đây thực sự là một cơ chế chuyển hóa, thúc đẩy và thống nhất lẫn nhau có hiệu quả giữa chủ trương của Đảng, ý chí của Nhà nước và ý chí của nhân dân, là khuôn khổ thể chế cho việc triển khai và thực hiện chiến lược cơ bản quản lý đất nước bằng pháp luật.

Nội dung cơ bản của mối quan hệ thống nhất hữu cơ giữa ba thành tố

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc là lực lượng lãnh đạo chính trị cao nhất. Địa vị chính trị này được xác định và duy trì không chỉ bởi bản chất tiên tiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn bởi những thành tựu to lớn của thực tiễn cách mạng xây dựng và cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Ở Trung Quốc hiện nay, không có đảng phái hay tổ chức chính trị nào có thể so sánh được với vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự thống nhất giữa ý Đảng, ý nước, ý dân là logic nội tại, hình thành ưu điểm lớn nhất của xã hội xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Để bảo đảm giữ vững quyền lãnh đạo, Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua hai kênh dân chủ chính là Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân, chuyển ý chí của Đảng thành ý chí của Nhà nước, ý chí của nhân dân, sự đồng thuận lớn nhất của mọi thành phần trong xã hội và cuối cùng trở thành pháp luật. Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân xây dựng pháp luật, tuân theo pháp luật và bảo đảm việc thực hiện pháp luật. Quản lý đất nước bằng pháp luật, đưa nền dân chủ đi vào đường lối của Nhà nước pháp quyền và bảo đảm quá trình dân chủ có trật tự. Nói một cách khái quát, Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền có mối liên hệ logic với nhau và là những nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền toàn diện(2).

Thứ hai, nhân dân làm chủ đất nước là đặc điểm cốt lõi của nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, là cơ sở quần chúng vững chắc để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo nhân dân điều hành đất nước là ủng hộ và bảo đảm thực hiện quyền làm chủ đất nước của nhân dân, được thể hiện trên mọi phương diện quản lý đất nước một cách cụ thể và thực tế. Mọi công việc của đất nước đều phải thực hiện đường lối quần chúng của Đảng, liên hệ mật thiết với nhân dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, không ngừng giải quyết những lợi ích trước mắt, thiết thực nhất của nhân dân, để tập hợp trí tuệ và sức lực của đại đa số nhân dân(3).

Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, một quốc gia có dân chủ hay không, không phụ thuộc vào việc có bầu cử quốc gia hay không, có thực hiện tam quyền phân lập, hệ thống nghị viện và đa đảng hay không; mà các tiêu chí cơ bản để đánh giá nền dân chủ của một quốc gia, chính là: Dân chủ phải phù hợp với truyền thống lịch sử và văn hóa của đất nước, điều kiện thực tế của đất nước, hệ thống chính trị - xã hội, trình độ phát triển kinh tế và văn hóa, đồng thời có lợi cho việc giải quyết các vấn đề lớn đang gặp phải; các quyền dân chủ, như quyền quyết định, quyền tham gia, quyền biểu đạt và quyền giám sát, quản lý nhà nước và xã hội phải bảo đảm nhân dân thực sự là người làm chủ đất nước(4).

Tại Đại hội XX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra những chủ trương quan trọng để phát triển dân chủ nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm rằng nhân dân thực sự là người làm chủ của đất nước; đồng thời nêu rõ, đến năm 2035, hệ thống dân chủ nhân dân trong toàn bộ quá trình sẽ hoàn thiện hơn và được thể chế hóa toàn diện trong các lĩnh vực, các mặt của đời sống chính trị - xã hội của đất nước, tạo thành một chuỗi thể chế hoàn chỉnh, bao gồm dân chủ bầu cử, dân chủ hiệp thương, dân chủ xã hội, dân chủ ở cơ sở và dân chủ công dân. Dân chủ và các yếu tố khác của chính trị dân chủ, bao gồm các lĩnh vực của quá trình dân chủ, như bầu cử dân chủ, hiệp thương dân chủ, ra quyết định dân chủ, quản lý dân chủ và giám sát dân chủ, không chỉ có thủ tục thể chế hoàn chỉnh mà còn phải hoàn chỉnh cả trong thực hành, làm chuyển biến các giá trị dân chủ(5).

Thứ ba, Nhà nước pháp quyền quản lý đất nước bằng pháp luật là phương thức cơ bản để Đảng lãnh đạo nhân dân điều hành đất nước, bảo đảm pháp lý vững chắc cho việc tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tuân theo sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo của Đảng phải dựa vào Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền toàn diện là một cuộc cách mạng sâu sắc trong quản trị quốc gia.

Ba biện pháp chủ yếu đã được thực hiện nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Nhà nước pháp quyền, bao gồm: 1- Ủy ban Trung ương về quản lý toàn diện quốc gia bằng pháp luật được thành lập nhằm tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng đối với nền quản trị toàn diện trên cơ sở pháp luật, điều phối và thúc đẩy quản trị toàn diện trên cơ sở pháp luật(6); 2- Thiết lập một hệ thống để người chịu trách nhiệm chính của Đảng và chính quyền thực hiện trách nhiệm đầu tiên là thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền; 3- Thành lập các ủy ban giám sát quốc gia, tỉnh, thành phố và quận, huyện, phối hợp với cơ quan kiểm tra, kỷ luật của Đảng giải quyết vấn đề bất cập, hạn chế bởi sự phân tán, thiếu liên kết của các cơ quan phòng, chống tham nhũng trước đây, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng được hiệu quả tập trung lãnh đạo thống nhất. Cùng với đó, Kế hoạch xây dựng Trung Quốc theo pháp quyền (2020 - 2025), Đề cương xây dựng Chính phủ pháp quyền (2021 - 2025) và Đề cương xây dựng xã hội pháp quyền (2020 - 2025) được ban hành, đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho việc xây dựng quốc gia pháp quyền, chính phủ pháp quyền và xã hội pháp quyền ở Trung Quốc(7).

Tóm lại, để xây dựng và phát triển xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, tiến tới hiện đại hóa hệ thống quản trị và năng lực quản trị đất nước, điều quan trọng là phải tuân thủ sự thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền(8).

Một số kinh nghiệm rút ra

Một là, tuân thủ sự thống nhất hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân làm chủ đất nước, Nhà nước pháp quyền là tôn chỉ, hành động xuyên suốt trong toàn bộ quá trình và mọi mặt của sự nghiệp xây dựng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. Dù là đẩy mạnh xây dựng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, đổi mới hệ thống chính trị, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa hay hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, cũng cần tuân thủ sự thống nhất của ba thành tố này. Chỉ có tuân thủ sự thống nhất trong thực tế, mới bám sát được đặc điểm, ưu điểm của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện lý luận, đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng và không ngừng đẩy mạnh thể chế hóa, tiêu chuẩn hóa quy trình, thủ tục, thực hiện sự tự hoàn thiện và phát triển của hệ thống chính trị và pháp luật xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước(9).

Hai là, luôn kiên định lý luận Nhà nước pháp quyền của chủ nghĩa Mác. Nhìn lại lịch sử thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, “vũ khí thần kỳ” để việc phát triển thắng lợi các chủ trương của Đảng là luôn bám sát quan điểm và nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn kiên định kết hợp những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn Trung Quốc, tiếp tục đẩy mạnh vận dụng, phát triển sáng tạo học thuyết nhà nước pháp quyền của chủ nghĩa Mác. Hiện nay, tư tưởng Tập Cận Bình về nhà nước pháp quyền là sự hội tụ cao nhất của quá trình kiên định vận dụng, phát triển học thuyết nhà nước pháp quyền của chủ nghĩa Mác, tuân thủ và phát triển lý luận xã hội chủ nghĩa về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, trở thành lý luận hỗ trợ mạnh mẽ cho việc xây dựng quốc gia pháp quyền, chính phủ pháp quyền và xã hội pháp quyền ở Trung Quốc trong giai đoạn phát triển mới.

Ba là, luôn kiên định đẩy mạnh cải cách theo Nhà nước pháp quyền và đề cao pháp quyền trong cải cách, hội nhập quốc tế. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tôn trọng sự thống nhất, kết nối giữa quá trình ban hành quyết định cải cách và quyết định lập pháp, chủ động điều chỉnh pháp luật phù hợp với nhu cầu đổi mới và tích cực đóng vai trò hướng dẫn, thúc đẩy, điều tiết để bảo đảm những cải cách lớn đều phải dựa trên pháp luật, thúc đẩy cải cách và pháp quyền bổ sung cho nhau, đồng hành với nhau. Thực tiễn lịch sử đã minh chứng, việc tuân thủ sự tiến bộ đồng thời của cải cách và Nhà nước pháp quyền không chỉ bảo đảm vững chắc công cuộc cải cách, hội nhập sâu rộng, toàn diện, mà còn là động lực cho Nhà nước pháp quyền phát triển toàn diện.

Bốn là, giữa quản lý đất nước theo pháp luật và quản lý Đảng nghiêm minh, toàn diện có mối quan hệ thống nhất hữu cơ. Mặc dù cả hai thành tố này đều có những ưu tiên riêng về đối tượng quản lý nhà nước và phân công lao động, nhưng về bản chất có liên quan và không thể tách rời. Quản lý đất nước theo pháp luật và quản lý Đảng theo quy định, bảo đảm Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều lệ và các quy định của Đảng là là “kim chỉ nam” chỉ đạo việc xây dựng, sửa đổi pháp luật quốc gia. Quản lý toàn diện đất nước theo pháp luật là nhằm tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện hệ thống và cơ chế làm việc để Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước theo pháp luật, đẩy mạnh thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước pháp quyền, bảo đảm thực hiện hiệu quả đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng thông qua Nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền và các quy định của Đảng bổ sung cho nhau, từ đó thúc đẩy thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa một cách toàn diện./.

TS MAI HOÀI ANH - TS NGUYỄN THỊ NGỌC LOAN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

-------------------------

(1) Zhi Zhenfeng: “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX cho thấy quyết tâm thực hiện pháp quyền của Trung Quốc”, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), ngày 18-10-2022
(2) Hao Tiechuan: “Các giai đoạn, kinh nghiệm và triển vọng của sự phát triển nhà nước pháp quyền trong 70 năm Trung Quốc mới”, Tạp chí Đánh giá pháp luật (Trung Quốc), số 5, 2019
(3), (8) Hu Wei: “Tôn trọng sự thống nhất hữu cơ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và nhà nước pháp quyền”, Kinh tế nhật báo, ngày 12-11-2019
(4) Xem: Li Lin: “Nhân dân làm chủ đất nước là bản chất và cốt lõi của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, The National People’s Congress of the People’s Republic of China, ngày 8-4-20210, http://www.npc.gov.cn/npc/c220/201004/e5a4a84bc71c46a79fdb1ab54395f8ed.shtml
(5)  Sang Yu: “Thực tiễn sinh động và con đường duy nhất để nhân dân làm chủ đất nước”, The National People’s Congress of the People’s Republic of China, ngày 8-4-2022, http://www.npc.gov.cn/npc/c30834/202204/e3355a9f2b944982ae7c20ab64468802.shtml
(6)  Li Lin: “Tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng về nhà nước pháp quyền toàn diện”, Kinh tế nhật báo, ngày 25-1-2021
(7) Tian He: “Quản lý đất nước bằng luật pháp trong kỷ nguyên mới và viết một chương mới”, Báo cáo Trung Quốc, ngày 14-10-2022, http://m.aisixiang.com/data/137213.html
(9) Fang Li: “Tuân thủ sự thống nhất hữu cơ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền”,  The National People’s Congress of the People’s Republic of China, ngày 21-12-2007, http://www.npc.gov.cn/npc/c220/200712/f810905aed924191b14e186a5d19c3c5.shtml       

Nhận xét