Phan Châu Thành – kẻ hàm hồ, vô liêm sỉ!

Văn Sơn

Vừa qua, “danlambao” tán phát bài viết của Phan Châu Thành với tiêu đề: “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải được viết lại từ năm 1940”. Trong đó, y đã xuyên tạc về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam liên quan đến Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thứ nhất, Thành vỗ ngực tự xưng là người am tường kiến thức lịch sử, nhưng những thứ Thành nói ra lại chẳng thể hiện được chút ít hiểu biết nào. Ngoài cái việc lặp lại những luận điệu cũ rích. Thành khoe nào là “đã nghiên cứu kỹ lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam suốt nửa đầu thế kỷ 20”, rồi cả “lịch sử Đảng CSVN từ trước 1930 đến nay”, lẫn “tiểu sử của trên 100 nhân vật nổi tiếng nhất”, v.v. và v.v.. Chưa bàn đến việc Thành “trên thông thiên văn, dưới tường thổ địa” đến đâu. Nhưng cái sơ đẳng nhất của một người làm lịch sử là phải nắm được các mốc thời gian của sự kiện, thì xem ra Thành lại không thuộc bài cho lắm! Đơn cử sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước đầu năm 1941 đã được các tài liệu ghi rõ, thì Thành vẫn cứ nhầm. Hay thời gian Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữ cương vị Bộ trưởng Nội vụ rất ngắn (từ 8/1945-3/1946), nhưng y lại gán cho Đại tướng cả một thời gian dài (từ năm 1940-1949), bằng cách lập lờ với thời gian Đại tướng giữ cương vị “chỉ huy quân sự”. Cái sự dốt của Thành tỏ ra nguy hiểm là ở chỗ đó!

Thứ hai, quan trọng hơn là chính Thành tự chứng minh rằng những điều y nói đều không đáng tin. Ai cũng biết, đã bàn đến một vấn đề trong quá khứ thì phải khách quan, tiếp cận nhiều góc độ, tham khảo nhiều ý kiến, phải có cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, nói theo kiểu dân dã là “nói có sách, mách có chứng”. Để lấp liếm đi khoảng trống kiến thức lịch sử, y liên tục dùng những câu khẳng định làm người đọc tưởng rằng y rất chuyên nghiệp: nào là lịch sử cả dân tộc Việt Nam “bị bất ngờ bẻ lái”, “bị chi phối hoàn toàn”…; nào là “càng mở rộng phạm vi nghiên cứu thì bức tranh lịch sử càng hiện rõ” v.v.. Nhưng mọi người nhanh chóng thất vọng vì những điều Thành nói ra chẳng có một căn cứ tin cậy nào, độ trung thực đến đâu. Có ai đời, vừa khẳng định như đinh đóng cột rằng cần phải viết lại lịch sử Đảng CSVN, ngay sau đó cũng chính y lại vả vào miệng mình bằng một câu ráo hoảnh “phần lập luận và đưa ra bằng chứng để chứng minh các kết luận trên, đơn giản là không thể…”. Vậy những nghiên cứu mà y vừa khoe là cái thứ sản phẩm gì?

Thứ ba, một nhà khoa học chân chính luôn thận trọng khi đưa ra nhận xét đánh giá. Ở điểm này Thành hoàn toàn thiếu hẳn tính liêm sỉ khoa học khi nhận xét về những nhân vật lịch sử được thế giới trân trọng như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp bằng những ngôn từ xúc phạm cá nhân. Trước Thành, cũng đã có một số ý kiến khác nhau về hoạt động của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1930-1945, nhưng nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng Sophie Quinn-Judge khi nghiên cứu về Việt Nam cũng dè dặt đưa ra nhận xét của cá nhân và khẳng định cần thận trọng trong bình luận bởi những ý kiến đó không dựa trên những căn cứ đáng tin cậy. Vậy mà bất chấp tất cả sự thật khách quan, Thành vẫn “vô tư” một cách hồ đồ đưa ra những kết luận phi khoa học, vô căn cứ về những nhân vật lịch sử đã được các tổ chức quốc tế tôn vinh với những danh xứng cao quý như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thiết nghĩ Thành không có khiếm khuyết về tâm lý, nhưng dường như những gì y đang thể hiện lại chứng minh ngược lại suy nghĩ của tôi. Người xưa có câu “sông sâu sông tĩnh lặng, lúa chín lúa cúi đầu”, cách mà Thành biểu đạt rất nông cạn nhưng lại khá ngông cuồng, xấc xược đã bộc lộ rằng y đang thiếu những lời dạy bảo nhẹ nhàng, thâm sâu của ông bà, cha mẹ xưa kia về sự khiêm tốn. Hy vọng rằng những lời lẽ trên đây sẽ phần nào giúp cho Thành tỉnh ngộ lại phần thiện trong tâm tính của mình!./.

 

Nhận xét