BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG ỨNG XỬ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG CỦA CÁN BỘ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM HIỆN NAY

 Hồng Hạc

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật với hàng loạt phát minh vĩ đại đã đưa nhân loại bước tới kỉ nguyên mới. Mạng xã hội gần như phủ sóng và truyền tải mọi thông tin của con người. Chính vì sự phổ biến cao, người dùng thường xuyên sử dụng dẫn đến một vấn đề đó là ứng xử trên không gian mạng. Ứng xử là việc con người trao đổi, tương tác với nhau trong cuộc sống. Và ứng xử trên không gian mạng là những giao lưu xảy ra trên mạng xã hội. Thay vì trao đổi, chia sẻ trực tiếp, con người dần dần chuyển sang chia sẻ, liên lạc “online”. Ngoài ra, việc bày tỏ thái độ, suy nghĩ của cá nhân trước các thông tin được đăng tải trên internet cũng là hành động ứng xử trên mạng xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã hình thành nên văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đã hình thành nên văn hóa ứng xử trên mạng xã hội bao gồm hệ thống giá trị chi phối nhận thức, thái độ, hành vi của cá nhân, cộng đồng trong các mối quan hệ.

Khi tham gia mạng xã hội, thế giới mạng có đầy đủ tính chất của một xã hội thu nhỏ. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội là rất quan trọng. Kỹ năng giao tiếp giúp duy trì các mối quan hệ xã hội, mở rộng các mối quan hệ mới và rút ngắn khoảng cách địa lý, tình cảm mà đời thực có thể không làm được. Ứng xử văn hóa trên mạng xã hội là rất cần thiết, bởi nó không chỉ thể hiện phẩm chất, năng lực của mỗi cán bộ trong quân đội, mà còn trực tiếp góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong cộng đồng mạng trên toàn thế giới. Theo đó, để đội ngũ cán bộ trong quân đội có kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội có hiệu quả cần thực hiện mốt số giải pháp sau:

Một là, giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm cho chủ thể các cấp về mạng xã hội, làm cơ sở để bồi dưỡng kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho đội ngũ cán bộ hiện nay

          Phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng, phương tiện trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò và sự tác động của mạng xã hội tới đội ngũ cán bộ quân đội. Đặc biệt, cần nhận thức rõ những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia mạng xã hội. Cần cụ thể hóa qua việc quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng; nghị định số 15/2020 NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”; Chỉ thị số 118-CT/QUTW ngày 20/02/2017 của Quân ủy Trung ương về “Về việc tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ quân đội trong tình hình hiện nay”… Qua đó, giúp cho mỗi cán bộ nắm chắc mọi hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng MXH đều bị xử lý nghiêm theo quy định; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; hoặc có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Hai là, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội.

Mục đích của giải pháp này nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho cán bộ trong quân đội được rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội với các nội dung, hình thức tương ứng với các phạm vi, quy mô khác nhau. Điều này không chỉ giúp họ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng một cách tích cực, sáng tạo, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ trải nghiệm thực tiễn trên không gian mạng. Do đó, nội dung, hình thức, phương pháp rèn luyện phải được xây dựng cụ thể, đa dạng, như: tổ chức các buổi trao đổi về mạng xã hội; mở các lớp tập huấn, tọa đàm chuyên đề; thành lập hội, nhóm, câu lạc bộ; tổ kỹ thuật, tư vấn thao tác trên các trang mạng xã hội; thông qua bố trí tham gia lực lượng chuyên trách đấu tranh chống quan điểm, sai trái thù địch của cơ quan, đơn vị, v.v. Qua đó, hình thành ở đội ngũ cán bộ trong quân đội những kỹ năng cần thiết khi tham gia mạng xã hội

Ba là, nâng cao ý thức, tính tự giác của đội ngũ cán bộ trong quân đội trong tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ mọi mặt, làm cơ sở rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội. 

Khi tham gia mạng xã hội, đội ngũ cán bộ có trình độ, có văn hóa sẽ là nền tảng quan trọng để có sự ứng xử phù hợp. Do đó, mỗi cán bộ trong quân đội cần thường xuyên học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng và trình độ, kiến thức sâu rộng; năng lực tư duy phản biện cùng khả năng diễn đạt, luận chiến tốt; nhiệt huyết và dũng khí, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Để làm được điều đó, đội ngũ cán bộ quân đội phải xây dựng cho mình kế hoạch học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội một cách cụ thể, chặt chẽ và khoa học. Cần xây dựng cơ chế thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất họ tự học tập, tự nghiên cứu, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; các quy định về nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm. Cùng với đó, cần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh ở từng cơ quan, đơn vị, tạo ra những điều kiện thuận lợi và không gian văn hóa để trực tiếp phát hiện, gạn lọc những tác động tiêu cực của mạng xã hội, chống lại sự xâm nhập của những yếu tố văn hóa xấu độc vào đội ngũ cán bộ trong quân đội hiện nay./.

Nhận xét