Đẩy mạnh kết nối các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, góp phần tạo sức hấp dẫn cho văn hóa Việt Nam

TCCS - Tính kết nối giữa các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật với các chủ thể, đối tác thời gian qua dù đã có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn không ít hạn chế, vướng mắc. Vì vậy, tìm ra giải pháp thúc đẩy kết nối các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật với chính quyền, doanh nghiệp và công chúng có ý nghĩa khơi thông nguồn lực văn hóa, tạo sức hấp dẫn, nâng cao giá trị văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

1- Trong bối cảnh trữ lượng nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản ngày càng cạn kiệt vì nhu cầu khai thác, tiêu dùng ngày càng lớn của con người thì việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa là một xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa, bảo đảm quá trình phát triển nhanh và bền vững. “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã tạo những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp văn hóa, như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật, triển lãm, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc... tăng tốc, phát triển. Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(1). Trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, Đảng yêu cầu cần phải “bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam”, “khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả”(2). Quan điểm, chủ trương của Đảng là cơ sở quan trọng cho việc hình thành các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, cần có sự tham gia đóng góp tích cực của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với sự tiên phong, đi đầu của các ngành công nghiệp văn hóa, các trung tâm sáng tạo khởi nghiệp, các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Tái hiện lễ cưới cổ truyền tại không gian văn hóa "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 18"_Ảnh: vietnam.vnanet.vn

Không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật là một địa điểm cụ thể trong đời sống thực hoặc trên không gian mạng, nơi gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin; hình thành, kết nối ý tưởng sáng tạo của những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật có thể xem là một thiết chế văn hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật; nơi khởi nguồn của những ý tưởng, niềm đam mê, khát khao sáng tạo, cống hiến của người nghệ sĩ.

Cùng với quá trình đổi mới, giao lưu, hội nhập quốc tế, những thành tựu văn hóa, văn minh nhân loại không ngừng được du nhập, phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống cộng đồng. Tư duy, nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, nghệ thuật có những chuyển biến tích cực. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, mà còn là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Điều này đã thúc đẩy việc hình thành không gian sáng tạo nói chung và không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật nói riêng.

Không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật khởi đầu là những địa điểm, không gian nhỏ hẹp được tận dụng, thuê mượn, như không gian của quán cà phê, phòng trà âm nhạc, khu triển lãm hội họa. Đến nay, các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật có sự mở rộng về biên độ, phạm vi; có sự lan tỏa, phát triển từ đô thị, thành phố đến nhiều vùng, miền của cả nước. Hoạt động phong phú, đa dạng của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đã thu hút sự tham gia đông đảo của các văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, những người đam mê và có tình yêu nghệ thuật để chia sẻ kinh nghiệm; sinh hoạt, thảo luận chuyên môn, những vấn đề mà cuộc sống, thời đại đang đặt ra; tìm kiếm nguồn kinh phí, hỗ trợ tài năng trẻ; xây dựng, thiết kế, triển khai thực hiện các dự án văn hóa, nghệ thuật... Theo thống kê của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, năm 2014, Việt Nam có khoảng 40 không gian văn hóa; đến nay, con số đã lên tới gần 200(3). Các không gian văn hóa sáng tạo đã góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, như Hà Nội có phố đi bộ ở Hồ Gươm, phố sách, phố bích họa Phùng Hưng, không gian văn hóa “Cà phê Thứ Bảy”, cà phê sách “Heritage Space”, “Ơ kìa Hà Nội”,...; Thành phố Hồ Chí Minh có “Đường sách”, các không gian văn hóa “Salon Saigon”, “A.Farm”, “Sàn Art Laboratory”...; ở Huế có “New Space Art Foundation”... Sự ra đời của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ở các đô thị, thành phố lớn, như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội, cụ thể như:

Thứ nhất, những điểm nhấn về cảnh quan, không gian, kiến trúc, cách thức tổ chức, phối cảnh độc đáo của các văn nghệ sĩ, trí thức, họa sĩ, kiến trúc sư đã thiết kế những không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật mang dấu ấn phong cách đặc trưng, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi, tạo được điểm nhấn và dấu ấn trong cộng đồng. Sự ra đời của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đã tô điểm thêm cho bức tranh văn hóa đô thị thêm những sắc màu tươi sáng, có ấn tượng tốt đẹp với đông đảo công chúng.

Thứ hai, các không gian sáng tạo hiện nay thường được các văn nghệ sĩ tận dụng, thuê lại từ những địa điểm xưa cũ, nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử, chính trị của dân tộc; những địa danh gắn với miền kí ức đẹp đẽ của biết bao thế hệ. Vì thế, ở một khía cạnh khác, không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật còn là nơi gìn giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, kết nối dòng chảy liên tục trong hành trình sáng tạo văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Thứ ba, không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật không chỉ có giá trị, ý nghĩa về cảnh quan, môi trường, vẻ đẹp nghệ thuật, kiến trúc, mà hoạt động hữu ích của các văn nghệ sĩ còn tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có chất lượng, chứa đựng tư tưởng, nội dung tích cực, tiến bộ, nhân văn, góp phần mang lại những “món ăn tinh thần” phong phú, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng, nhất là giới trẻ.

Thứ tư, hoạt động nghệ thuật của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật gồm nhiều xu hướng, như làm mới, phục dựng lại những di sản của quá khứ bằng cách tiếp cận, góc nhìn đa dạng; số hóa các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thông qua ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, khi được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi với những thế hệ đi trước có tài năng, kinh nghiệm, am hiểu văn hóa, nghệ thuật, thế hệ trẻ sẽ bồi đắp cho mình tri thức, vốn sống, vốn văn hóa để không ngừng sáng tạo, cống hiến, lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng thông qua những tác phẩm nghệ thuật. Có thể nói, không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật là vườn ươm cho những tài năng, ý tưởng mới được thực thi. Đồng thời, những tiếng nói, góp ý, hiến kế từ không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật có thể giúp các nhà quản lý điều chỉnh, ban hành chính sách mới để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo ngày càng phát triển theo định hướng, mục tiêu nhất định.

2- Như vậy, có thể thấy, sự hình thành không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật mở ra tín hiệu tích cực, những triển vọng về sự đóng góp của văn hóa, nghệ thuật với sự phát triển đời sống xã hội. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, hoạt động và sự kết nối giữa các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật với nhau; giữa không gian sáng tạo với chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên môn, các hội, đoàn nghệ thuật; giữa không gian sáng tạo với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật; giữa không gian sáng tạo với công chúng trong và ngoài nước hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Thứ nhất, sự ra đời của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật chủ yếu xuất phát từ ý tưởng của cá nhân hoặc một nhóm người có chung niềm đam mê, tự nguyện sáng lập bằng nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp. Việc xây dựng, lên ý tưởng cho các chương trình hoạt động phụ thuộc vào điều kiện, năng lực chủ quan của người đứng đầu. Thiếu cơ chế, chính sách quản lý vận hành mang tính chuyên nghiệp, pháp lý.

Hiện nay, phần lớn các địa điểm, không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật được thuê mượn hoặc do cá nhân tự cải tạo, chọn khuôn viên, không gian cư trú của chính gia đình mình (sân vườn, ban công, tầng thượng của khu tập thể cũ) để tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ nghệ thuật. Các không gian sáng tạo thường tập trung ở các đô thị, thành phố lớn, nơi có diện tích chật hẹp, dân cư đông đúc, kinh phí thuê mặt bằng ở những vị trí thuận lợi thường vượt quá khả năng của những người làm văn hóa, nghệ thuật. Những khó khăn trong tìm kiếm, lựa chọn không gian, địa điểm thích hợp đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả của các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nhất là việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật lớn khi có đông khán giả tham gia.

Thứ hai, hệ thống cơ chế, chính sách, các quy định pháp lý về vị trí, chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ, trách nhiệm... giữa không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật với các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các đối tác trong và ngoài nước còn thiếu.

Hiện nay, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa; vẫn còn những rào cản trước những đề xuất thành lập không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, nên việc huy động nguồn lực triển khai các dự án nghệ thuật còn hạn chế. Văn hóa, nghệ thuật vẫn chưa thực sự được coi trọng và nhìn nhận đúng mức nên nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế còn dè dặt, băn khoăn trong việc đầu tư, bố trí quỹ đất cho các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.

Thứ ba, sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức với hoạt động của không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật chưa được thường xuyên, liên tục, mới dừng lại chủ yếu ở giới trẻ, trong một số ngành nghệ thuật mang tính đương đại, như điện ảnh, văn chương, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật sắp đặt. Hoạt động của một số không gian còn giới hạn ở những buổi gặp mặt, giao lưu ngẫu hứng; những buổi tọa đàm, phát trực tiếp (livestream), thiếu kế hoạch, chương trình cụ thể, dài hạn nên hiệu ứng và sức lan tỏa của một số không gian sáng tạo còn hạn chế, chưa tạo được sức hút, chưa để lại dấu ấn trong đời sống xã hội.

Thứ tư, hoạt động của các không gian sáng tạo hiện nay không chỉ diễn ra trong không gian cụ thể của đời thực, mà còn có sự mở rộng trên internet. Do đó, cần có định hướng, quản lý để tránh hiện tượng có những không gian văn hóa có nội dung đi ngược lại lợi ích dân tộc, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Thứ năm, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự ra đời và phát triển của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ở nước ta đứng trước không ít thách thức, trong đó có sự lấn át của các sản phẩm văn hóa ngoại lai, sự lấn át của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh văn hóa, nghệ thuật nước ngoài đã và đang ảnh hưởng lớn đến những người hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong nước, nhất là trong cách thức tổ chức, quản lý, điều hành và lan tỏa những giá trị, sản phẩm, không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật trong đời sống xã hội.

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh triển lãm sách, ảnh và tem mừng ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9_Nguồn: vov.vn

3- Những bất cập, khó khăn trên đòi hỏi cần có những giải pháp thích hợp, hiệu quả để kích cầu, phát triển không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật ở nước ta. Thời gian tới, để phát huy vai trò tích cực của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật trong kiến tạo bản sắc; gìn giữ, trao truyền và lan tỏa những di sản văn hóa quý giá, đồng thời mang lại những giá trị kinh tế bằng những ý tưởng, tác phẩm văn hóa có giá trị, ý nghĩa, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản như:

Một là, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa nói chung và không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật nói riêng với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Việc nhận thức đầy đủ, toàn diện về không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật sẽ mở ra những cơ hội, điều kiện để các không gian sáng tạo không ngừng phát triển, quy tụ được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tham gia, từ đó có nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị làm phong phú diện mạo đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp con người phát triển toàn diện theo hướng tiến bộ, tích cực, nhân văn.

Hai là, đổi mới tư duy lãnh đạo và phương pháp quản lý của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trong đó có hoạt động của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ, hiệu quả đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật diễn ra thuận lợi, an toàn, đúng quy định của pháp luật và các chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, xã hội. Bảo đảm quyền sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa của người dân; bảo đảm quyền tự do, dân chủ, tôn trọng, đánh giá đúng những đóng góp, cống hiến của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Các cơ quan quản lý cần có đánh giá, khảo sát về điều kiện, quy chế làm việc và hiệu quả xã hội của các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật để ban hành các văn bản quản lý, quy định cụ thể về vai trò, vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức và trách nhiệm của các chủ thể hoạt động liên quan đến không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường mối quan hệ, kết nối, quản lý, giám sát, điều hành của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý chuyên môn, như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương với các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức; đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén và nguồn năng lực sáng tạo của đội ngũ này, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới. Có cơ chế, chính sách đặc thù với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, như các chính sách ưu đãi về tỷ lệ biên chế, tiền lương, giải thưởng, quỹ hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp. Có chương trình hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng, tìm kiếm, phát hiện, nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật trẻ để cử đi đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, tay nghề ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Có chính sách ưu tiên trong việc quy hoạch, dành quỹ đất cần thiết cho việc kiến tạo những công viên văn hóa, những địa điểm không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; các không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Việc cải tạo, tận dụng các địa điểm, địa danh gắn liền với ký ức lịch sử cộng đồng; các cơ sở kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp bỏ hoang cần được tính toán kỹ trong việc xử lý hài hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế với gìn giữ nét đẹp cảnh quan, không gian kiến trúc đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Ba là, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của chủ thể sáng lập, điều hành cũng như các thành viên trong không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật. Mỗi thành viên phải ý thức rõ về vai trò, vị trí và thiên chức cao cả của mình trong gánh vác nhiệm vụ, chức trách quan trọng là người sáng tạo, truyền cảm hứng; người kế thừa, thực hành, trao truyền di sản văn hóa mà cha ông để lại; đồng thời, cũng là người tổ chức, tập hợp, định hướng cộng đồng trong việc hướng đến những sản phẩm văn hóa có giá trị. Mỗi nghệ sĩ, trí thức cần không ngừng trau dồi năng lực, phẩm chất, phát huy tài năng, ra sức học tập, trao dồi kinh nghiệm, tri thức, vốn văn hóa, vốn hiểu biết về nền văn hóa dân tộc cũng như tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; nêu gương sáng về tinh thần sáng tạo, cống hiến; lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng.

Thiết lập các mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật với chính quyền địa phương sở tại, với các cơ quan, ban, ngành chức năng, với cộng đồng doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng sản phẩm văn hóa, nghệ thuật để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Hình thành mạng lưới kết nối, điều hành chung, thống nhất trong phạm vi không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật trên một địa bàn, giữa các tỉnh, thành phố, vùng, miền, tạo sự thống nhất để phát huy trí tuệ, tinh thần tập thể trong kiến tạo những giá trị văn hóa mới; qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước./.

TS NGUYỄN HUY PHÒNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-----------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 204, 145
(3) Xem: Linh Nguyễn: “Tìm hướng đi cho các không gian văn hóa sáng tạo”, Báo Công an nhân dân điện tử, ngày 4-7-2021, https://cand.com.vn/Ly-luan/Tim-huong-di-cho-cac-khong-gian-van-hoa-sang-tao-i619020/

Nhận xét