V.I.LÊNIN ĐẤU TRANH VỚI NHỮNG QUAN ĐIỂM TRỰC DIỆN CHỐNG PHÁ CHỦ NGHĨA MÁC, CHỐNG SỰ BIẾN TƯỚNG CỦA CHỦ NGHĨA DUY TÂM, TÔN GIÁO, CHỦ NGHĨA CANTƠ MỚI VÀ CHỦ NGHĨA KINH NGHIỆM PHÊ PHÁN.

 ĐH

Ngay tác phẩm đầu tay của mình - “Những người bạn dân" là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao”, V.I.Lênin đã thể hiện nhà duy vật triệt để trong lĩnh vực xã hội, thực hiện đấu tranh, phê phán những quan duy tâm, siêu hình bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác. Trong đó, V.I.Lênin đã dựa chắc và thế giới quan, phương pháp luận của C.Mác, của Ph.Ăngghen và những thành tựu của khoa học tự nhiên đã đạt được để luận chứng, chứng minh, chỉ ra tính chất ngụy biên, vô căn cứ của chủ nghĩa duy tâm, vạch trần tính hạn chế của phương pháp tư duy siêu hình mà phái Dân Túy tuyên truyền. 

V.I.Lênin đã phê phán mưu đồ của phái Dân Túy đồng nhất phép biện chứng duy vật của Mác với phép biện chứng duy tâm khách quan của Hêghen. V.I.Lênin chỉ rõ sự khác biệt về chất giữa phép biện chứng duy vật với phép biện chứng duy tâm và các học thuyết của chủ nghĩa Dân túy, chủ nghĩa xã hội khoa học chân chính thịnh hành khi đó, đồng thời luận chứng và khẳng định phép biện chứng duy vật là “linh hồn của chủ nghĩa Mác”. Mặt khác, V.I.Lênin đã vạch ra tính chất siêu hình và tác hại của nó trong nhận thức các hiện tượng xã hội của phái Dân Túy để bảo vệ, bổ sung các yếu tố, hoàn thiện phép biện chứng duy vật của C.Mác và Ph.Ăngghen. V.I.Lênin nhấn mạnh: Phái Dân Túy đã không nhìn thấy tính chất mâu thuẫn trong sự phát triển, không thừa nhận sự nhảy vọt và đứt đoạn của quá trình lịch sử; họ “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”.

Vào thập kỷ cuối của thế kỷ XIX và thập kỷ đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Bécstanh xuất hiện với đủ hình thù của chủ nghĩa cơ hội từ đầu đến chân, nó như một trào lưu tư tưởng quốc tế lưu hành rộng rãi trong thời kỳ lịch sử đó. Bécstanh là người khét tiếng chống chủ nghĩa Mác một cách bài bản nhất. Trong nhiều tác phẩm của mình, Bécstanh đã công khai chủ trương dựa vào “chủ nghĩa Cantơ mới” để chỉ đạo phong trào xã hội chủ nghĩa. Ông ta cho rằng, lý luận duy tâm chủ quan của “chủ nghĩa Cantơ mới” vượt xa lý luận duy vật của chủ nghĩa Mác. Và trên thực tế, Bécstanh đã phủ định toàn diện chủ nghĩa Mác trên cả ba bộ phận cấu thành. Trong đó, theo Bécstanh, phép biện chứng của Mác vạch ra tính quy luật nội tại của sự vận động của sự vật là “cái bẫy” của tư duy. Ông ta còn châm biếm: “Khi chúng ta thấy lý luận mà điểm xuất phát của nó là xem kinh tế là cơ sở phát triển xà hội phải khuất phục trước lý luận sùng bái bạo lực tới mức tột cùng thì chúng sẽ chạm trán với các nguyên lý theo kiểu Hêghen”[1].

Nghĩa là, theo ông ta, việc vận dụng phép biện chứng của Hêghen vào việc nhận thức lịch sử xã hội trong học thuyết của Mác là nhân tố có tính chất bán rao. Ông ta phê phán C.Mác chỉ thấy kinh tế có tác dụng quyết định đối với bạo lực mà không lý giải được rằng bạo lực là sức mạnh sáng tạo ra những biến đội kinh tế. Mặt khác, Bécstanh không chỉ phủ định phép biện chứng duy vật của triết học Mác mà còn mưu toan dùng chủ nghĩa chiết trung để gạt bỏ linh hồn sống của chủ nghĩa duy vật lịch sử, xem thường quan điểm duy vật lịch sử.

Bécstanh “còn “xét lại” toàn diện lý luận kinh tế học mácxít. Ông ta lải nhải rằng, học thuyết giá trị của Mác là sự trừu tượng hóa của các hình thái cụ thể của giá trị sử dụng, của lao động, của sự tách rời giữa giá cả và giá trị, do đó giá trị không còn có thể đo lường được mà trở thành giả thuyết của tư duy trừu tượng”[2]. Trên cơ sở phủ định lý luận giá trị của Mác, Bécstanh tiến tới gạt bỏ tính khoa học trong học thuyết giá trị thặng dư của Mác, không thừa nhận đó là hòn đá tảng của lý luận kinh tế chính trị học mácxít. Ngoài ra, ông ta còn tùy tiện cắt xén lý luận của Mác về quy luật chung của tích lũy tư bản, không thừa nhận luận điểm của Mác về xu thế nội tại của tích lũy tư bản và cấu thành hữu cơ của tư bản không ngừng tăng lên trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Không chỉ phủ nhận, xuyên tạc lý luận triết học và kinh tế chính trị học, Bécstanh còn ra sức chỉ trích, bác bỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội của Mác. Ông ta cho rằng, trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội không cần phải “lật độ” chế độ chính trị hiện tồn, trong đó bao gồm cả bộ máy nhà nước. Theo ông ta, cần phải có hành động có tổ chức và tích cực, nhưng không nhất thiết phải dùng đến chuyên chính cách mạng; chỉ cần chờ cho tới khi chế độ dân chủ và chế độ tự do tư sản phát triển đầy đủ khi đó chủ nghĩa xã hội sẽ ra đời.

Để đập tan chủ nghĩa Bécstanh với các biến tướng và ảnh hưởng của chúng ở các nước, qua đó loại trừ những di hại của chúng, V.I.Lênin đã làm một cuộc mổ xẻ tận gốc nguồn gốc sản sinh, luận giải rõ bản chất đích thực của nó. Trong đó, V.I.Lênin cho rằng, chủ nghĩa Bécstanh không đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng mà đứng trên lập trường của “chủ nghĩa Cantơ mới”, theo đuôi cái gọi là khoa học của những giáo sư triết học tư sản. Bọn này hò hét đòi “trở về với Cantơ” thì Bécstanh lại vội vàng bò theo những kẻ theo chủ nghĩa Cantơ mới; bọn này nhai lại từng luận điểm chống chủ nghĩa duy vật triết học, thì Bécstanh lại lải nhải rằng chủ nghĩa duy vật đã bị “đánh từ lâu rồi, bọn này khinh bỉ và miệt thị phép biện chứng của Hêghen, thì Bécstanh bò rạp theo và rơi vào vũng bùn tầm thường hóa về mặt triết học đối với khoa học, coi thường phép biện chứng. V.I.Lênin cho đó không phải là phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác mà là công kích, xuyên tạc và xóa bỏ chủ nghĩa Mác. V.I.Lênin chỉ rõ, thực chất của chủ nghĩa xét lại Bécstanh là: “Xác định thái độ của mình tùy theo hoàn cảnh, thích ứng với những sự biến trước mắt, với những biến đội của những sự kiện chính trị nhỏ nhặt, quên mất lợi ích sống còn của giai cấp vô sản và những nét căn bản của toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa, của toàn bộ sự tiến triển tư bản chủ nghĩa, hy sinh những lợi ích sống còn ấy vì những lợi ích thực tế hay những lợi ích giả định tạm thời, - đó là chính sách của bọn xét lại”[3].

V.I.Lênin nhấn mạnh, chủ nghĩa Mác là một hệ thống lý luận khoa học, đối lập với mọi biểu hiện của chủ nghĩa duy tâm, chẳng những Bécstanh mà ngay cả mọi triết học tư sản hiện đại cũng không thể đánh độ được. Trong đó, trên lĩnh vực triết học mácxít, V.I.Lênin chỉ ra rằng, chủ nghĩa Mác là một hệ thống tư tưởng khoa học, do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập, không chỉ để giải thích thế giới mà còn nhằm cải tạo thế giới. Hai ông đã làm một cuộc cách mạng triệt để trong lĩnh vực triết học, xác lập một nền triết học mới, gắn kết chặt chẽ thế giới quan duy vật và phép biện chứng mà các học thuyết triết học trước Mác đã tách rời. Do vậy, “triết học mácxít đối lập với mọi dạng chủ nghĩa duy tâm, kể cả triết học tư sản hiện đại và các giáo sư thần học. Lâu nay, họ đã từng tuyên bố hàng nghìn lần rằng chủ nghĩa duy vật đã bị đánh độ, thế nhưng cho tới nay họ vẫn tiếp tục một nghìn lẻ một lần bác bỏ nó mà vẫn không bác bỏ được”[4].

Trên lĩnh vực kinh tế chính trị học mácxít, như V.I.Lênin cho rằng, những điểm “xét lại” của chủ nghĩa Bécstanh “còn nhiều hình nhiều vẻ hơn và chi tiết hơn nhiều”. V.I.Lênin chỉ rõ, khi Bécstanh ngang nhiên gọi lý luận giá trị và học thuyết giá trị thặng dư của Mác là “giả thiết tư duy thuần túy” thì điều đó chứng tỏ ông ta không hiểu “phương pháp trừu tượng” trong lý luận giá trị của Mác, đó không phải là sản phẩm của tư duy tưởng tượng mà là tồn tại xã hội hiện thực. Phủ định lý luận giá trị và học thuyết giá trị thặng dư của Mác, đó là kết quả đương nhiên khi Bécstanh phát triển lý luận của mình trên cơ sở triết học duy tâm; đó cũng là tiền đề cần thiết để ông ta vứt bỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học.

Không những phê phán toàn diện chủ nghĩa cơ hội Bécstanh, V.I.Lênin còn tổng kết một cách sâu sắc bản chất lý luận xét lại và đặc trưng cơ bản trong chính sách của Bécstanh. Đó là “phong trào là tất cả, mục đích cuối cùng chẳng là gì cả”.

Vào đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán đã trở thành trường phái triết học tư sản Nga, với mưu đồ là dùng chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán để công kích chủ nghĩa Mác, phá hoại chủ nghĩa Mác về mặt tư tưởng. Nghiêm trọng hơn, một số phần tử thoái hóa của Đảng Dân chủ - xã hội Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, thậm chí nhiều người đã trở thành tín đồ của chủ nghĩa này, tiêu biểu nhất là Bôgđanôp. Đặc biệt, sau thất bại của cuộc cách mạng 1905 - 1907, với tình trạng sa sút, chán chường, tuyệt vọng của họ về chính trị, họ càng tin và đi theo chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán về mặt tư tưởng. Họ tô điểm cho chủ nghĩa này là “nhận thức luận hiện đại”, “triết học khoa học tự nhiên hiện đại”, v.v.. Họ phụ họa rằng, phải lấy lý luận nhận thức của chủ nghĩa Makhơ thay cho lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác.

Trên thực tế, chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán và chủ nghĩa xét lại triết học trong thời kỳ này rất phổ biến ở Nga, đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, dẫn đến sự hỗn loạn về tư tưởng trong phong trào công nhân, tác hại không ít đến nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác. Do đó, V.I.Lênin quyết tâm tiến hành cuộc đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán từ gốc đến ngọn, bảo vệ và làm trong sạch nền triết học mácxít. Và tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của V.I.Lênin đã ra đời khi đó như một tất yếu. Tác phẩm đã có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào công nhân, thanh toán tận gốc hệ thống tư tưởng của chủ nghĩa Makhơ - thủy tổ của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Trong đó V.I.Lênin chỉ rõ hạn chế, sai lầm và âm mưu của các loại quan điểm thuộc phái Makhơ là: “Những mưu toan phản động nảy sinh ra từ chính ngay bản thân sự tiến bộ của khoa học”[5].

Đồng thời, giá trị của tác phẩm này “không chỉ là khắc phục sự rối loạn về tư tưởng trong Đảng, mà còn trên cơ sở tổng kết những thành tựu mới nhất về khoa học tự nhiên thời bây giờ, làm rõ một cách có hệ thống những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đặc biệt là luận giải một cách khách quan, khoa học những nguyên lý quan trọng về lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác, làm phong phú và phát triển ở tầm cao mới triết học của chủ nghĩa Mác, cung cấp cho giai cấp công nhân vũ khí tư tưởng mạnh mẽ để nhận thức và cải tạo thế giới”[6].



[1]. Trần Nhâm, Chủ nghĩa Mác - Lênin: Học thuyết về sự phát triển và sáng tạo không ngừng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 223.

[2]. Trần Nhâm, Chủ nghĩa Mác - Lênin: Học thuyết về sự phát triển và sáng tạo không ngừng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 223.

[3]. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 27 - 28.

[4]. Trần Nhâm, Chủ nghĩa Mác - Lênin: Học thuyết về sự phát triển và sáng tạo không ngừng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 227.

[5]. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, tr.381.

[6]. Phạm Văn Đức, Đặng Hữu Toàn (Đồng chủ biên), Triết học Mác và thời đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, tr. 253.

Nhận xét