THỰC TIỄN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

HH

Cùng với công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước, tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua có sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 1986, ở Việt Nam chỉ có 6 tôn giáo, 3 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận thì từ năm 2003, đã có 15 tổ chức tôn giáo thuộc 6 tôn giáo đủ điều kiện để được Nhà nước đã công nhận, với khoảng 19 triệu tín đồ (chiếm 23,5% dân số). Đến năm 2020, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước[1]. Việc nhiều tôn giáo và tổ chức tôn giáo được công nhận một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, là minh chứng rõ nét khẳng định Việt Nam không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Hàng ngũ chức sắc, chức việc của các tôn giáo ở Việt Nam được đào tạo bài bản, trình độ được nâng cao, do đó uy tín, ảnh hưởng đối với quần chúng tín đồ ngày càng lớn, không chỉ trong đời sống tôn giáo mà cả trong đời sống xã hội. Các tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận luôn được đối xử công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Chức sắc các tôn giáo được tự do truyền đạo theo quy định và được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm theo quy định. Trong những năm qua, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản Vesak vào các năm 2008, 2014 và 2019, 500 năm ra đời đạo Tin Lành... Đặc biệt, quyền tự do tôn giáo ở các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam luôn được bảo đảm.

Cùng với sự gia tăng của các tôn giáo, sự tăng lên của số lượng tín đồ tôn giáo, thì ở khắp nơi trên cả nước các ngày lễ quan trọng của các tôn giáo cũng được tổ chức với quy mô ngày càng hoành tráng, thu hút đông đảo không chỉ tín đồ mà cả quần chúng nhân dân tham gia như Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh của Công giáo và Tin Lành, Lễ Phật đản của Phật giáo, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài... Thông qua các hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo được nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, phát huy những giá trị đạo đức của tôn giáo và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, nhiều chức sắc và tín đồ tôn giáo có tiếng nói đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền.

Với thực tiễn hoạt động sôi động của các tổ chức tôn giáo hiện nay là những minh chứng rõ nhất cho những thành tựu của việc tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.

 

 



[1] Ban Tôn giáo Chính phủ: Công tác tôn giáo 2021, Nxb Tôn giáo, 2021, tr. 64 - 66

Nhận xét