“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - nửa thế kỷ nhìn lại

 QPTD-Cách đây 50 năm, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đây là bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của ta đã làm cho Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, tháng 12 năm 1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta, nhằm đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quân sự của miền Bắc, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ; đồng thời, hạn chế sự chi viện từ hậu phương chiến lược miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, làm tê liệt ý chí chiến đấu, giảm thế và lực của ta so với địch trên chiến trường. Đây là cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhất, hiện đại và tàn bạo nhất trong lịch sử không quân của đế quốc Mỹ, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến hiện đại.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc hội thảo khoa học cấp quốc gia Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại. Ảnh: mod.gov.vn

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta, nòng cốt là lực lượng Phòng không - Không quân đã chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 “siêu pháo đài bay” B-52, làm nên Chiến thắng lẫy lừng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Với thắng lợi vĩ đại đó, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, tạo ra thế và lực mới để chúng ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ thực tiễn lịch sử phong phú, tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nửa thế kỷ nhìn lại, nhiều vấn đề tiếp tục được khẳng định sâu sắc hơn, tường minh hơn và toàn diện hơn.

Một là“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc đụng đầu với sức mạnh “không thể tưởng tượng nổi” của lực lượng không quân chiến lược Mỹ cuối năm 1972, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, chúng ta đã giáng cho địch một đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, gây bất ngờ, kinh hoàng tột đỉnh cho đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến công hiển hách đó, trước hết xuất phát từ tư duy, tầm nhìn chiến lược, nhạy bén của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dự báo, tổ chức chuẩn bị mọi mặt để đối phó, đánh bại âm mưu, thủ đoạn và các bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ.

Ngay từ rất sớm, cuối năm 1967, Bác Hồ đã nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua,...”1. Đồng thời, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương cũng dự kiến chính xác và kịp thời ra chỉ thị “tăng cường sẵn sàng chiến đấu”, trong đó nêu rõ: “Sắp tới, chúng ta cần đề phòng địch có thể có những hành động phiêu lưu mới. Chúng có thể ném bom bắn phá trở lại từ vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B-52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng,...”2. Dựa vào những dự báo chiến lược đó, ta đã chủ động xây dựng, tổ chức lực lượng và thế trận nhằm phát huy sức mạnh, hiệu quả của tác chiến phòng không nhân dân. Lực lượng tên lửa phòng không, pháo cao xạ nhanh chóng được tổ chức, phát triển, hình thành mạng lưới phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, tập trung mạnh ở các yếu địa và có khả năng cơ động cao; lực lượng không quân và rađa ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng đánh bại cuộc tập kích của địch3. Thực tiễn, tháng 5 năm 1966, Trung đoàn Tên lửa 238 được lệnh cơ động phục kích, nghiên cứu cách đánh B-52 trực tiếp tại chiến trường Vĩnh Linh. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn của cấp chiến lược, thể hiện quyết tâm cao, tư tưởng chủ động, tích cực tiến công địch. Từ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu đó, “cách đánh B-52” từng bước được hoàn thiện và góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.

Thấu triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tham mưu chủ động chỉ thị cho các lực lượng tăng cường công tác chuẩn bị, sẵn sàng đánh bại cuộc tập kích đường không của địch. Đồng thời, kịp thời động viên quân và dân Thủ đô, đồng bào và chiến sĩ cả nước phát huy trí thông minh, lòng dũng cảm, nêu cao tinh thần, ý chí, quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong chiến thắng lẫy lừng này, nhân tố con người và khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật trở thành yếu tố vô cùng quan trọng. Cuộc chiến đấu sinh tử với “siêu pháo đài bay” B-52, một lần nữa minh chứng cho sự sáng tạo phi thường, trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trước bom đạn, vũ khí tối tân của địch. Rađa P35 “vạch nhiễu tìm thù”, tên lửa SAM 2 và máy bay tiêm kích MiG bắn rơi B-52, những “con ma”, “thần sấm” và ngay cả khẩu súng trường cũng có thể hạ gục máy bay phản lực của Mỹ. Con người Việt Nam, bằng ý chí tự học hỏi vươn lên, với lòng dũng cảm, trí thông minh và sức sáng tạo, đã làm cho tất cả vũ khí có trong tay đều phát huy tác dụng, khiến cho đối phương bất ngờ và chịu thất bại nặng nề. Chiến thắng đó chính là sự khẳng định sức mạnh của ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trước vũ khí hiện đại, tối tân của địch.

Hai làđây là đòn đánh quyết định cuối cùng, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris. Những thắng lợi của ta trong Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã tác động mạnh đến bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 1972. Để xoa dịu dư luận, chính quyền Nixon điều chỉnh sách lược đối với cuộc chiến tranh Việt Nam bằng các động thái nhằm nối lại và thúc đẩy tiến trình đàm phán tại Hội nghị Paris. Tuy nhiên, ngay sau khi thắng cử, Nixon nhanh chóng thay đổi thái độ, đòi sửa đổi nhiều điều khoản có lợi cho Mỹ, liên tục đưa ra các thông tin đổ trách nhiệm cho ta về sự bế tắc của cuộc đàm phán. Thực chất, chính quyền Mỹ âm mưu trì hoãn, nhằm tìm kiếm thắng lợi về quân sự để kết thúc chiến tranh theo kịch bản “hòa bình kiểu Mỹ”. Vì vậy, bất chấp sự phản đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như dư luận trong nước và quốc tế, cuộc tập kích đường không chiến lược phá hoại miền Bắc vẫn được tiến hành. Như vậy, hành động ném bom miền Bắc là kế hoạch được định hình sẵn trong sách lược của Mỹ trước khi ký kết Hiệp định Paris. Nhưng, những cố gắng cuối cùng đầy tham vọng với việc đẩy nỗ lực quân sự lên mức cao nhất nhằm cứu vãn tình thế của chúng đã thất bại thảm hại. Trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52, bắt sống nhiều giặc lái, làm tiêu tan niềm tự hào của không lực Hoa Kỳ. Tổng thống Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nối lại các cuộc đàm phán. Cùng với thắng lợi lớn trên chiến trường miền Nam, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đánh bại nỗ lực quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ nhằm giành ưu thế trên bàn đàm phán, phản ánh sự bất lực trong cuộc đấu trí, đấu lực với nhân dân Việt Nam. Đây được coi là đòn đánh quyết định cuối cùng, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước, chấp nhận kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình; cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ba làChiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam hiện đại. Kế thừa nghệ thuật quân sự truyền thống, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta đã tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ. Thắng lợi có ý nghĩa quyết định đó khẳng định vị trí quan trọng của nghệ thuật phòng không với sự hoàn chỉnh về cơ cấu, phong phú về nội dung, thể hiện đầy đủ nét đặc sắc, độc đáo, đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến phòng không nhân dân Việt Nam hiện đại.

Trước hết, đó là khả năng phân tích và đánh giá đúng tình hình, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và quy luật đánh phá của địch để giành thế chủ động. Đây là một trong những vấn đề cơ bản của nghệ thuật chiến dịch. Thực tiễn đã chứng minh, trong quá trình xây dựng đường lối kháng chiến cũng như chỉ đạo điều hành chiến tranh, Đảng ta luôn nhận thức đúng bản chất của chủ nghĩa đế quốc, quy luật của chiến tranh để có những dự báo chính xác, kịp thời “từ sớm, từ xa”; xây dựng kế hoạch, sẵn sàng đối phó khi tình huống xảy ra. Dựa vào những nhận định đúng đắn, kịp thời của cấp chiến lược, chiến dịch, quân và dân miền Bắc nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đánh bại ý đồ của đế quốc Mỹ, giành thế chủ động ngay từ đầu.

Xác định đúng khu vực tác chiến chủ yếu, đối tượng tác chiến chủ yếu là một trong những đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch phòng không cuối năm 1972. Nắm bắt được ý đồ của địch, ta xác định Hà Nội là khu vực tác chiến, hướng chủ yếu địch sẽ tập trung; đối tượng tập trung tiêu diệt là máy bay B-52. Theo đó, lực lượng phòng không được bố trí hợp lý theo quan điểm rộng khắp, tập trung, có trọng điểm, phù hợp với khả năng của từng binh chủng, lực lượng. Cách đánh được xác định theo phương châm chủ động, kiên quyết, đánh địch liên tục từ xa đến gần, ở mọi độ cao, nhiều tầng, nhiều lớp, từ nhiều hướng, bằng mọi cách để tiêu diệt đúng mục tiêu máy bay B-52, bắn rơi tại chỗ và bắt gọn giặc lái. Đó là lối đánh trúng nhất, hiểm nhất để nhanh chóng kết thúc Chiến dịch. Bên cạnh đó, nghệ thuật tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng trong Quân chủng Phòng không - Không quân với lực lượng phòng không ba thứ quân cũng là một trong những nét đặc sắc của Chiến dịch. Sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng, hiệu quả đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của địch.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, trở thành biểu tượng rực rỡ về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ sáng tạo Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Nửa thế kỷ trôi qua, những bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến thắng oanh liệt đó vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được tiếp tục vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊNViện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng
_________________

1 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Chiến thắng B-52, Nxb QĐND, H.2012, tr.16.

2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1975), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 672.

3 - Lực lượng tham gia Chiến dịch: Tên lửa phòng không (06 trung đoàn); pháo cao xạ (16 trung đoàn, 22 tiểu đoàn độc lập); không quân (04 trung đoàn, 01 tiểu đoàn độc lập); rađa (04 trung đoàn, 01 tiểu đoàn độc lập).

Nhận xét