VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA LÝ LUẬN ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG XÃ HỘI

 HH

Lý luận có vai trò vô cùng to lớn đối với cách mạng xã hội bởi: 

Một là, lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo cách mạng. Trong quá trình cách mạng xã hội, bất cứ giai cấp nào muốn thu được thắng lợi, giữ được vị trí thống trị và lãnh đạo xã hội đều cần có một học thuyết, một cơ sở lý luận chứng minh cho tính đúng đắn, hợp lý của những mục tiêu, lý tưởng mà giai cấp mình theo đuổi, từ đó thống nhất về ý chí, về tổ chức để có thể tập trung toàn bộ lực lượng vật chất tiến hành cuộc đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Do đó, trong mọi thời kỳ cách mạng xã hội đều cần những nhà khai sáng, những nhà lý luận, những nhà tư tưởng tiến hành công tác lý luận và công tác tư tưởng phục vụ cho cuộc cách mạng đó.

Hai là, lý luận khoa học, đúng đắn có vai trò to lớn trong việc giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành một phong trào thực tiễn rộng lớn nhằm cải tạo hiện thực khách quan hiệu quả. Nói cách khác, lý luận khoa học, đúng đắn khi đã thâm nhập vào quần chúng nhân dân sẽ giúp cho quần chúng nhân dân hiểu thực chất vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Khi hiểu đúng vấn đề, quần chúng nhân dân mới tin và từ niềm tin đó họ sẽ hành động cách mạng, cải tạo thực tiễn xã hội, phục vụ cho mục đích tiến bộ xã hội. Vì vậy, C. Mác đã khẳng định: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”[1]

 Ba là, lý luận bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh khái quát những vấn đề sinh động của thực tiễn. Nó bị thực tiễn quy định, nó phụ thuộc vào thực tiễn, nhưng lý luận có tính độc lập tương đối so với thực tiễn, do vậy nó có thể vượt trước thực tiễn, góp phần định hướng cho thực tiễn. Đặc biệt là lý luận khoa học, đúng đắn do phản ánh được quy luật vận động, phát triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định nên nó có thể dự kiến được xu hướng biến đổi, phát triển của xã hội, dự báo được những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng CNXH, v.v.. Vì vậy, cách mạng xã hội của nước ta phải luôn luôn được chỉ đạo bởi lý luận khoa học. 

Ý thức được vai trò to lớn của lý luận đối với thực tiễn phát triển đất nước, các nhà lãnh đạo trong mọi thời đại đều quan tâm đến việc khái quát lý luận, đổi mới lý luận cho phù hợp với cuộc sống, không thể gò thực tiễn sinh động theo lý luận của ngày hôm qua. Đây là công việc không bao giờ kết thúc, nó đòi hỏi sự đóng góp lâu dài, liên tục của đội ngũ đông đảo các nhà lý luận.

Tuy nhiên, vì những lợi ích giai cấp, dân tộc, hay nhóm người, tập đoàn người nào đó nên kết quả của tri thức, của lý luận của các chủ thể khác nhau cũng khác nhau. Nói cách khác, không phải mọi sản phẩm lý luận đều mang tính khoa học, đều phản ánh được mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều các thế lực thù địch đang tìm mọi cách phủ định thành quả cách mạng của Đảng cộng sản và nhân dân lao động của nước ta. Trước tình hình phức tạp của thời đại, khi tiến hành công tác nghiên cứu lý luận phải kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, có căn cứ khoa học và đủ sức thuyết phục với tất cả những quan điểm lý luận không khoa học./.

 

 



[1] C. Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập 1, tr. 580.

Nhận xét