VẠCH TRẦN QUAN ĐIỂM ĐÒI “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” QUÂN ĐỘI

 Hư vô

Các thế lực thù địch đã và đang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với đất nước ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, với tất cả các tổ chức và thành phần xã hội. 

Đối với quân đội ta, chúng tập trung thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội. Mục tiêu cốt lõi quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch là làm cho quân đội phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mơ hồ, lẫn lộn về tư tưởng; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội, làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, quân đội đứng ngoài chính trị, xa rời bản chất giai cấp công nhân tiến tới làm tê liệt, vô hiệu hóa. Thủ đoạn trên của các thế lực thù địch là cực kỳ nguy hiểm và nó tạo ra sự nghi ngờ, gây hoang mang, gây mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Do đó, để nhận diện đúng đắn, hiểu thực chất và vạch trần âm mưu thâm độc, thủ đoạn xảo quyệt quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch là yêu cầu đặc biệt quan trong tình hình hiện nay. Cơ sở xuất phát như sau:

Một là, xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về “quân đội là tập đoàn người có vũ trang do nhà nước, hoặc tập đoàn chính trị có chức năng nhà nước tổ chức, nuôi dưỡng và sử dụng nhằm bảo vệ lợi ích căn bản của mình bằng bạo lực vũ trang, kể cả tiến hành chiến tranh”[1]. Qua đó khẳng định, trên thế giới không có một quân đội của một quốc gia nào “trung lập về chính trị”.

Hai là, xuất phát từ bản chất của “chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những biện pháp khác (cụ thể bằng bạo lực)”[2]. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử chứng minh và khẳng định: quân đội bao giờ cũng là công cụ thực hiện mục tiêu, ý đồ chính trị của một giai cấp, một nhà nước, không bao giờ có quân đội nào đứng ngoài chính trị, quân đội trung lập và quân đội của giai cấp tư sản chưa bao giờ đứng ngoài quy luật đó. Vì thế, quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch là hết sức sai lầm và phản khoa học.

Ba là, quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp. Lịch sử sự ra đời và phát triển của quân đội cho thấy, quân đội là một thành phần của Nhà nước, là công cụ bạo lực vũ trang của nhà nước để bảo vệ thành quả mà lực lượng chính trị cầm quyền có được qua các cuộc đấu tranh giành quyền lực. Do đó, quân đội mang bản chất giai cấp sâu sắc, không có quân đội phi giai cấp, siêu giai cấp, quân đội “trung lập”. V.I.Lênin đã khẳng định: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản…”[3].

Bốn là, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, Quân đội nhân dân Việt Nam được ra đời từ những tổ chức vũ trang tiền thân trong phòng trào đấu tranh cách mạng sôi động giành độc lập, tự do của dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, có bản chất cách mạng của giai cấp công nhân; đồng thời mang tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là lực lượng trung thành, tin cậy bảo vệ Đảng, nhân dân và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong gần 80 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu bảo đảm cho quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, quân đội nhất thiết phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ trí tuệ, có niềm tin sắt đá vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, có cơ sở khoa học để nhận biết và vạch trần tính chất sai trái, phản động, phản khoa học quan điểm “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch.

Trong tình hình hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của kẻ thù, việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, đập tan âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch là nhiệm vụ cấp thiết cả trước mắt và lâu dài. Nó đòi hỏi phải phải phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp và trước hết là của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội ta./.

 

 

 

 

 

 

 



[1] Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, Giáo trình Học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội (dùng cho đào tạo cán bộ chính trị cấp trung đoàn), Nxb QĐND, Hà Nội, 2017, tr. 102.

[2] Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, Giáo trình Học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội (dùng cho đào tạo cán bộ chính trị cấp trung đoàn), Nxb QĐND, Hà Nội, 2017, tr. 34.

[3] V.I.Lênin Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr. 136.

Nhận xét