PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ ĐƯỜNG LỐI, CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM

Hồng Hạc

Từ rất sớm, tư tưởng độc lập, tự chủ đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là nguyên tắc cơ bản định hướng các hoạt động đối ngoại từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay. Độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trước mọi tác động và những biến động của thời cuộc, khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại Việt Nam. Độc lập có nghĩa là chúng ta tự “điều khiển mọi công việc” của mình, “không có sự can thiệp ở ngoài vào”; không để bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta. Độc lập, tự chủ phải dựa trên cơ sở nội lực, thực lực của đất nước, đồng thời cũng dựa vào hợp tác và hội nhập quốc tế. Đây là nguyên tắc cốt lõi của đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trên nhiều trang mạng xã hội lên tiếng bóp méo, xuyên tạc rằng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn, như thế là “tự cô lập” mình, “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Lợi dụng một số hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong thời gian qua, nhất là việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Mỹ, một số thế lực cố tình xuyên tạc rằng Việt Nam đang ngấm ngầm “theo chân nước này chống nước kia”, theo đó họ cáo buộc Việt Nam đã “từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình”. Ngày 07/10/2022, trên trang Blog Việt Nam thời báo, đối tượng Nguyễn Huỳnh đã phát tán bài viết: “Việt Nam mềm mỏng lên tiếng việc Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraina”; ngày 09/10/2022, đối tượng Lưu Trọng Văn phát tán bài viết: “Đâu rồi hào khí cha ông”, nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng và quan điểm của Việt Nam đối với diễn biến tình hình liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraina. Đây là những quan điểm, hành động sai trái nhằm kích động, chia rẽ mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga và Việt Nam - Ukraina.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhận định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn”. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể đứng ngoài xu thế này. Các chủ thể quan hệ quốc tế cần có sự tương tác, phối hợp, dù mối quan hệ đó có những nội dung, hình thức và mức độ khác nhau. Các quốc gia không thể đứng độc lập riêng lẻ mà phải có sự kết nối với các nước khác, đặc biệt chú trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn. Đó vừa là xu thế, vừa là phương thức cơ bản bảo đảm an ninh và phát triển của mỗi nước trong giai đoạn hiện nay.

Cơ sở quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đã ký kết góp phần củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị hợp tác với các đối tác quan trọng, đặc biệt là với các nước lớn, với các nước láng giềng có chung đường biên giới. Đồng thời, việc thiết lập quan hệ đối tác với các nước lớn, có vai trò quan trọng giúp Việt Nam xử lý tốt quan hệ với các nước lớn, đưa hợp tác trở thành chủ đạo và kênh trao đổi giảm thiểu sự khác biệt trong quan hệ với các nước này, tạo điều kiện để tăng cường lòng tin. Thông qua các quan hệ song phương được thiết lập tạo ra sự đan xen lợi ích, giúp Việt Nam tranh thủ được nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện thông qua vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của các nước cũng như trong các khuôn khổ hợp tác đa phương.

Đến nay, Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vai trò, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao đã chứng minh cho chủ trương, đường lối hội nhập đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Điều đó minh chứng đất nước Việt Nam đang vững bước phát triển đi lên với một tư thế mới của những con người làm chủ độc lập và làm chủ vận mệnh của mình; với một vị thế mới, vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển và chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu.

Thực tế đó vừa minh chứng hùng hồn để đập tan sự xuyên tạc, chống phá; vừa thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả của đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, vừa phản ánh Việt Nam có khả năng, có thực lực để giữ vững độc lập, tự chủ./.

Nhận xét