ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

Hư vô

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta - luôn hết sức quan tâm giáo dục cho cán bộ, đảng viên vấn đề đạo đức cách mạng và tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người coi đó là cuộc đấu tranh trực tiếp liên quan tới vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng. 

Người cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ tới lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”[1]; chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì cách mạng còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết trên trán chữ “cộng sản” là được họ yêu mến. Quan điểm đó của Người cho tới nay vẫn giữ nguyên giá trị, mang tính thời sự cao và có ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, đặc biệt trong thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Thực tế hiện nay, mặc dù hình thức, mức độ biểu hiện khác nhau, nhưng tựu chung lại những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân luôn có những điểm giống nhau như: họ luôn tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân và gia đình; ít hoặc không quan tâm chăm lo tới lợi ích chính đáng, thiết thực của tập thể, đơn vị và xã hội. Có người muốn nhanh chóng được thăng quan, tiến chức hoặc có quyền cao, chức trọng mà đã bán rẻ lương tâm, tìm cách “hạ bệ” những người trung thực, thẳng thắn, những người có năng lực khi những người này dám nói đúng sự thật về những khuyết điểm của đơn vị và phê bình họ khi họ có khuyết điểm. Có người “háo danh”, muốn mình được nổi tiếng trước đơn vị, trong tổ chức, trong quần chúng, khi thấy có ai đó tài giỏi hơn mình thì tỏ ra khó chịu, đố kỵ, nói xấu, thậm chí tìm mọi cách nhằm hạ thấp uy tín của những người này trong cơ quan, đơn vị. Có người vì để chủ nghĩa cá nhân lấn át nên đã thoái hoá, biến chất, sa đoạ về đạo đức, lối sống, tham nhũng, trục lợi, buôn lậu, làm giàu phi pháp, sống thực dụng, chạy theo đồng tiền.

Tất cả những biểu hiện trên là những vật chướng ngại, đã, đang cản trở không nhỏ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cần: giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và quần chúng về mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố mối liên hệ mật thiết với nhân dân; giữ vững các nguyên tắc tổ chức xây dựng đảng, phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật đảng; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào vi phạm tư cách, thoái hóa, biến chất tham nhũng, trục lợi, làm giàu bất chính, ức hiếp quần chúng và những kẻ cơ hội, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng, vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính, thường xuyên và lâu dài, phức tạp, thậm chí có cả hy sinh, mất mát, đòi hỏi phải thực hiện một cách quyết liệt, triệt để với nhiều biện pháp đồng bộ, kiên trì và liên tục. Thực hiện tốt những giải pháp trên là nội dung quan trọng góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong Đảng hạn chế, ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân nảy sinh trong cán bộ, đảng viên./.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 90.


Nhận xét