LẠI MỘT CÁI NHÌN SAI LẦM CỦA VIỆT TÂN

Hồng Hạc

Với mục đích chống phá Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng ta, những ngày vừa qua, trên trang Blog Việt Tân đã phát tán bài viết “Loay hoay như con kiến cành đa” do Nguyễn Thông chủ bút. Nội dung bài viết xuyên tạc chủ trương thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh. Chúng suy diễn, như vậy là tham nhũng đã “tràn lan”; rằng công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đã “thất bại”. Và “một thể chế, bộ máy cai trị mà suốt ngày, quanh năm suốt tháng chỉ mải loay hoay chống tham nhũng thì còn thời gian đâu để phục vụ cho dân cho nước”. Đó là sự bịa đặt trắng trợn, xuyên tạc sự thật, hòng làm suy giảm uy tín, tiến tới mục tiêu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Bởi lẽ:

Thứ nhất, tăng cường phòng và đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên và lâu dài để Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vì tham nhũng chính là trở lực lớn đối với sự nghiệp xây dựng, đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, cho nên, để phòng và đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQHXI về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1009/2006 về nhân sự Ban Chỉ đạo; Quốc hội cũng đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; ngày 1/2/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo)… giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Việc chủ trương thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh cũng chính là thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của các cấp, các ngành trong việc từng bước hạn chế, loại trừ tệ nạn này; là sự tổng kết thực tiễn việc thực hiện thí điểm có hiệu quả ở một số tỉnh, thành phố. Đồng thời, quán triệt và thực hiện đúng phương châm: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định.

Thứ hai, Việc thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh cũng nhằm tạo ra cơ chế đủ mạnh để từng bước kiểm soát chặt chẽ quyền lực; bịt lấp những “kẽ hở”, không để cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lạm quyền để trục lợi, tham lợi, vụ lợi bất chính…

Thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua được Đảng, Nhà nước ta chỉ đạo rất quyết liệt, tạo được bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang lại hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng hàng nghìn đảng viên vi phạm, có cán bộ, đảng viên ở cấp huyện, cấp tỉnh và cả diện Trung ương quản lý. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng.

Thực tế cũng cho thấy là, tiêu cực nói chung và tham nhũng nói riêng đều là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; làm mất đi sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và Nhà nước; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, đạo đức và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng; đồng thời, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì thế, yêu cầu phải gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực trở nên cần thiết và cấp bách. Đồng thời, để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về quyết tâm phòng và đấu tranh chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng… Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng…Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí”[1] vào cuộc sống, Quy định số 32 đã được ban hành thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo. Cho nên, việc chủ trương thành lập BCĐ phòng chống tham nhũng ở cấp tỉnh thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh này lên cao hơn một bước nữa; tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Những luận điệu do Việt Tân phát tán về phòng, chống tham nhũng để chống phá Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng chỉ chứng minh cho sự điên cuồng của Việt Tân không từ âm mưu, thủ đoạn nào. Nó chỉ là tiếng kêu lạc lõng; không thể và không bao giờ làm nhụt ý chí cũng nhu quyết tâm của chúng ta./.

 


 

Nhận xét