CHỦ TRƯƠNG “KHÔNG LIÊN MINH QUÂN SỰ” TRONG CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG VIỆT NAM LÀ HOÀN TOÀN ĐÚNG ĐẮN

 Hồng Hạc

Liên minh quân sự là một vấn đề khá phổ biến với nhiều nước; thực tế sau chiến tranh thế giới thứ hai, không ít liên minh quân sự đã ra đời như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời từ 1949; Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á; Tổ chức Hiệp ước Trung tâm Baghdag; Tổ chức Hiệp ước Trung Đông, (CENTO); Tổ chức Hiệp ước Warszawa do Liên Xô đứng đầu... Những liên minh quân sự nói trên có thể làm gia tăng sức mạnh quân sự, quốc phòng của các nước thành viên; tạo sự chuyển hóa về thế trận và lực lượng quân sự trên chiến trường trong những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ tồn tại các liên minh quân sự trên, tình hình khu vực, thế giới luôn căng thẳng, bởi các liên minh này đối đầu nhau, nhất là khi giữa họ có những mâu thuẫn về lợi ích.

Trong chính sách quốc phòng, Việt Nam, chúng ta chủ trương “không liên minh quân sự”. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bởi lẽ, liên minh quân sự không phải là giải pháp tối ưu trong bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc là thiêng liêng và tối cao, không thể phó thác hoàn toàn cho bên ngoài, dù đó là một đồng minh cường quốc; không tham gia liên minh quân sự bởi quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là sức mạnh nội lực của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Thực tiễn, lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh điều đó là hoàn toàn đúng; và thực tế, trên thế giới chưa bao giờ và chưa có nước nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác; mặc dù, có quan hệ thân thiết với nhau, thậm chí liên minh quân sự với nhau. Cho nên, với Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, thực lực, sức mạnh nội sinh của đất nước, kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè và cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chọn bên, không đi theo một cường quốc nào, không dựa hẳn vào một cường quốc nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc mình; không thể dựa vào bất kỳ liên minh quân sự nào, càng không thể trông chờ vào nước ngoài. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.

Tuy nhiên, chính sách quốc phòng của Việt Nam không phải bất biến, cứng nhắc mà luôn có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn. Hiện tại, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để kiểm soát được tình hình an ninh, không để nảy sinh xung đột và xảy ra chiến tranh. Khi đất nước xảy ra nguy cơ chiến tranh thì Đảng, Nhà nước ta sẽ hoạch định những chiến lược, chính sách quốc phòng phù hợp.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 chỉ rất rõ rằng: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, chúng ta sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia; có quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt, quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế./.


 

Nhận xét