UKRAINE – CÁI GIÁ CỦA SỰ PHỤ THUỘC

Cương Trực

Trong bài phát biểu trước người dân vào sáng sớm ngày 25/02/2022 từ Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã liên hệ với các “đối tác” ở phương Tây để nói với họ rằng, số phận của đất nước ông đang bị đe dọa. Tuy nhiên, chính Zelensky cũng thốt lên đầy cay đắng: “chúng tôi đã bị bỏ rơi”, “Ai sẵn sàng đảm bảo cho việc Ukraine gia nhập NATO? Thành thực mà nói, ai cũng sợ. Tôi đã hỏi tất cả các đối tác của Ukraine rằng họ có ủng hộ chúng tôi không. Họ nói ủng hộ, nhưng họ không sẵn sàng để chúng tôi gia nhập liên minh”. Một chính sách ngoại giao hoàn toàn phụ thuộc, Ukraine đang trở thành con cờ trên bàn cờ chính trị thế giới.

Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng Ukraine từ năm 2019 đã “vượt” Moldova để trở thành quốc gia nghèo nhất châu Âu, với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp trong nhiều năm. Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Ukraine đã nỗ lực cải tiến quân đội, song vấn đề thiếu hụt ngân sách khiến chiến lược này không gặt hái nhiều kết quả. Đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay, Ukraine có nguồn lực tương đối hạn chế để ứng phó và dường như phụ thuộc nhiều vào Mỹ và phương Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm 13/2 nói rằng Kiev đã nhận khoảng 1.500 tấn vũ khí từ phương Tây cùng khoản tiền lên đến hơn 1,5 tỷ USD chỉ trong vài tháng qua. Các vũ khí mà Mỹ cùng đồng minh chuyển đến Kiev chủ yếu gồm các mẫu tên lửa chống tăng loại Javelin, NLAW của Mỹ, Anh; máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất; cùng đạn dược từ Ba Lan, Séc… Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng cho biết chúng sẽ là những loại vũ khí phòng thủ. Những thứ này không đủ để Ukraine đứng vững trước bất cứ cuộc xung đột quân sự nào với quốc gia láng giềng – một siêu cường quân sự sở hữu những loại khí tài tối tân nhất thế giới.

Về mặt con người, khối quân sự NATO gần đây đưa thêm thêm binh sĩ và khí tài tới các quốc gia Đông Âu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tập thể, nhưng cả Mỹ lẫn châu Âu đều loại trừ khả năng đưa lính đến Ukraine chiến đấu. Sau khi Nga tấn công Kiev, Washington đã lập tức rút sạch nhân viên ngoại giao và hối thúc công dân về nước để đảm bảo an toàn, kéo theo phản ứng tương tự từ các nước châu Âu.

Khoan hãy nói về nguyên nhân chiến tranh, tính chính nghĩa thuộc về bên nào, nhìn vào ngoại giao của Ukraine, ta có thể nhận định rõ, một quốc gia không có ý chí tự lực, tự cường, luôn mong chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài sẽ khó có một kết quả tươi sáng. Đó có khác gì “rước hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Mỹ và phương Tây không bao giờ làm việc gì mà họ không có lợi và đang quan sát. Họ cũng rất ngại bị sa lầy giống như ở nhiều khu vực khác mà họ đã tham gia. Họ chỉ nhảy vào Ukraine khi phát hiện mối lợi ích. Đó là bản chất của Mỹ và phương Tây trong vấn đề Ukraine.

Nhận xét