LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG

 MINH QUANG

Tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, Tổng Bí thư đặt câu hỏi về những vụ án tham nhũng mới phát sinh, thậm chí diễn ra ngay trong đợt cao điểm phòng chống tham nhũng và yêu cầu quyết liệt hơn nữa. Vậy là một loạt luận điệu xuyên tạc lại được tung ra để chê bai người lãnh đạo Đảng kém, bất lực, kêu gọi thay đổi thể chế.

Từ lâu, các chuyên gia đã nhìn nhận tham nhũng là một vấn nạn toàn cầu. Tham nhũng diễn ra ở tất cả các nước trên thế giới, xảy ra ở mọi lĩnh vực có liên quan hoạt động quản lý kinh tế, xã hội. Tham nhũng là trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế. Tham nhũng phá hoại sự phát triển bằng việc làm méo mó pháp luật, làm tổn hại đến tương lai của đầu tư kinh tế. Chống tham nhũng không dễ, thậm chí rất phức tạp vì đây là việc liên quan đến yếu tố con người. Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên nguyên tắc “phòng là cơ bản, lâu dài, chống tham nhũng phải tập trung và cấp bách”. Tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bên cạnh việc ghi nhận nhiều thành tựu đạt được, nhiều thành viên đồng tình với quan điểm việc chống tham nhũng có bước phát triển cả về lý luận và tổ chức thực hiện.

Nói cách khác, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công cuộc chống tham nhũng ở nước ta đã có nhiều “công cụ” mới. Về mặt lý luận, chúng ta có tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư là “nhốt” quyền lực trong lồng thể chế. Điều này đã được cụ thể hóa bằng các quy định (bổ sung những điều đảng viên không được làm; khi đảng viên vi phạm mức xử lý cụ thể sẽ như thế nào) được thể chế hóa rất rõ. Có những quy định mới khi ban hành đã được áp dụng ngay từ Trung ương đến địa phương như quy định miễn nhiệm, từ chức. Ngoài ra, việc bổ sung chức năng chống tiêu cực là điểm mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tại phiên họp này, Tổng bí thư cũng đặt câu hỏi về những hạn chế, tồn tại, đơn cử như có nhiều vụ án tham nhũng lớn thậm chí phát sinh ngay trong quá trình thanh, kiểm tra. Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu, không say sưa với chiến thắng, không chủ quan thỏa mãn với kết quả đạt được mà phải xác định, công tác phòng chống tham nhũng phải lâu dài, bền bỉ, quyết tâm cao hơn, bài bản hơn. Thế nhưng có những chuyên gia trên mạng lại xuyên tạc các phát biểu này. Việt Nam Thời Báo tích cực đăng tải các bài viết cho rằng Tổng bí thư đang tỏ ra “bất lực”, thừa nhận thất bại. Một bài viết khác trên chính trang mạng này lại cho rằng Tổng bí thư không biết tình hình thực tế, kém năng lực, và ngông cuồng hơn là đòi “dạy khôn” và tự đưa ra giải pháp là đòi cải cách thể chế chính trị.

Những ý kiến kiểu “bình loạn” này trước hết đến từ thói quen thích chê bai trên mạng xã hội. Nấp sau những cái nick ẩn danh và dùng “vũ khí” bàn phím, các chuyên gia mạng này vô tư chê bai, công kích xuyên tạc lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ không bao giờ phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình, và nếu có bị ai phê phán thì cũng luôn bao biện rằng có quyền tự do phát ngôn. Khi “vũ khí” bàn phím này rơi vào tay các chuyên gia “tự do, dân chủ” vốn luôn có tâm lý chống đối, xuyên tạc, bôi nhọ đất nước thì nó càng phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn.

Nếu thực sự các “chuyên gia” này muốn đóng góp ý kiến xây dựng đất nước, thì họ cần phải suy nghĩ xem những phát ngôn như vậy có tác dụng gì ngoài việc “ném đá hội nghị”. Hệ thống chính trị ở Việt Nam đang ngày càng vững mạnh sau những đợt chỉnh đốn, bằng chứng là việc đất nước nhanh chóng vượt qua đại dịch với những chỉ số phát triển kinh tế hết sức triển vọng. Công cuộc chống tham nhũng đã vươn tới mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực xã hội, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất mạnh. Vậy thì chẳng có lý do gì để gọi đó là “bất lực” hay “thất bại”.

Bản chất của những kẻ lợi dụng dân chủ là họ chỉ muốn chống phá, thay đổi chế độ, và bình luận hay bình loạn về công cuộc chống tham nhũng chẳng qua chỉ là cách xuyên tạc, gây nhiễu loạn dư luận để chống Đảng, chống Nhà nước mà thôi./.

Nhận xét