AI CHO NGUYỄN ĐÌNH CỐNG QUYỀN COI THƯỜNG NHÂN DÂN LAO ĐỘNG?

  MINH QUANG

 Nhiều năm qua, ai cũng biết Nguyễn Đình Cống là một phần tử thoái hóa, trở cờ, có nhiều hoạt động a dua, đua đòi, móc nối, tiếp tay, hà hơi, giúp sức với đám chống phá núp danh “dân chủ”, “nhân quyền” tiến hành các hoạt động chống phá, bôi nhọ nhà nước. Trước sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sắp tới, Nguyễn Đình Cống lại gây sóng dư luận bằng chiêu trò tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, lợi dụng mạng xã hội, Nguyễn Đình Cống đã tung ra nhiều thông tin, lập luận, nhận định sai trái về công tác bầu cử Quốc hội. Thậm chí, Nguyễn Đình Cống còn lên mặt “dạy đời” người dân Việt Nam bằng cách phân chia xã hội thành các “nhóm người” và tự nhận bản thân thuộc “nhóm bậc trung”, “có tư duy phản biện và thường vạch ra những bất cập của chính quyền”, “là lực lượng thúc đẩy sự tiến bộ”.

 Một trong những hoạt động nổi bật trong “chiến dịch tranh cử” vào Quốc hội của Nguyễn Đình Cống là sử dụng mạng xã hội để tung ra các bài viết chứa đựng nội dung lệch lạc, phiến diện nhằm tạo ra sự mơ hồ trong nhận thức của cộng đồng. Gần đây nhất, trên trang facebook của mình, Nguyễn Đình Cống rêu rao bài viết với tiêu đề “Bàn về chức năng đại diện”. Theo đó, ông ta chia xã hội thành 3 nhóm gồm mhóm cơ bản, nhóm bậc trung và nhóm đặc biệt.

Việc “chia nhóm” của Nguyễn Đình Cống hoàn toàn vô căn cứ, dựa trên nhận thức thiển cận cá nhân. Đồng thời, thông qua việc “chia nhóm” xã hội, chúng ta còn thấy Nguyễn Đình Cống đang có sự phân biệt, coi thường các nhóm trong xã hội.

Trong việc chia nhóm của mình, Nguyễn Đình Cống cho rằng phần lớn người dân thuộc nhóm cơ bản, là những người “ít có hiểu biết về nhân quyền và dân quyền”, “chiếm số đông, có vai trò trong sản xuất và lưu thông, nhưng ít đóng góp cho phát triển xã hội”, “có dân trí chính trị thấp”. Nói trắng ra, theo quan điểm của Nguyễn Đình Cống thì những người lao động tại Việt Nam chẳng có trình độ, chẳng có hiểu biết, chẳng có đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Đồng thời, cũng theo quan điểm của Nguyễn Đình Cống, nếu Quốc hội chỉ đại diện cho “nhóm cơ bản” - quần chúng nhân dân - thì khó mà đưa đất nước tiến nhanh và vững chắc.

Đi liền với đó, Nguyễn Đình Cống hết lời ca ngợi những kẻ chống phá núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” và cho rằng đây là nhóm người “có nhu cầu lớn về tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo, có tư duy phản biện và thường vạch ra những bất cập của chính quyền, là lực lượng thúc đẩy sự tiến bộ” …

Nói thẳng, quần chúng nhân dân Việt Nam chưa bao giờ là “kém hiểu biết”, “đóng góp ít cho sự phát triển của xã hội” hay “dân trí chính trị thấp”. Những luận điệu coi thường quần chúng nhân dân; cổ súy, tung hô cho những kẻ chống phá như trên thể hiện rõ bộ mặt “con buôn chính trị”. Một người không tôn trọng quần chúng, một người tự cho mình đứng trên một bậc so với quần chúng thì chẳng bao giờ hiểu được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của quần chúng nhân dân. Vì vậy, đừng hỏi vì sao việc ứng cử đại biểu Quốc hội lại bị “rớt từ vòng gửi xe” thưa nhà dân chủ Nguyễn Đình Cống”!

Nguyễn Đình Cống sinh năm 1937, là giáo sư, tiến sĩ có trình độ về khoa học vật liệu xây dựng, từng được đào tạo ở nước ngoài, nhiều năm công tác, giảng dạy tại Trường Đại học Xây dựng. Đáng lẽ, với khả năng và uy tín của mình, Nguyễn Đình Cống sẽ có một vị thế nhất định trong xã hội, được xã hội kính trọng. Nhưng không, tất cả đã trở thành vô nghĩa khi Nguyễn Đình Cống thoái hóa, biến chất, trở thành một phần tử chống đối nhà nước, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng.

Tháng 2/2016, Nguyễn Đình Cống tuyên bố “bỏ Đảng”. Thực tế, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”, việc Nguyễn Đình Cống có tham gia vào Đảng hay không là quyền tự do lựa chọn của Nguyễn Đình Cống. Tuy nhiên, với sự tráo trở, “ăn cháo đá bát”, Nguyễn Đình Cống đã quay ngược chống phá Đảng, thường xuyên sử dụng mạng xã hội để rêu rao, tuyên truyền các thông tin, bài viết có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tuyên truyền, kích động chống Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…

Từ một giáo sư có tiếng trong lĩnh vực xây dựng, Nguyễn Đình Cống đã bán rẻ đạo đức, tự biến mình thành một “con buôn chính trị”. Thậm chí, ông ta còn lầm tưởng, cho rằng bản thân là chuyên gia trong lĩnh vực chính trị, xã hội, pháp lý, liên tục tung ra các “thư ngỏ”, “kiến nghị” về các vấn đề trong xã hội.

Càng đọc những bài viết, luận điệu của Nguyễn Đình Cống, chúng ta càng thấy rõ sự hồ đồ, lẩm cẩm của một kẻ học đòi làm chính trị như Nguyễn Đình Cống. Nếu phần tử như Nguyễn Đình Cống lọt được vào các cơ quan dân cử chắc chắn sẽ trở thành đại họa của đất nước.

 

Nhận xét