NỘI DUNG ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG LÝ LUẬN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

HH

Một là, cuộc ĐTLL ở nước ta là cuộc đấu tranh chống lại sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu vô cùng thâm độc. “Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”[1]. Cuộc đấu tranh này càng trở nên cam go và quyết liệt hơn đặc biệt là sau sự sụp đổ của CNXH tại Liên Xô và Đông Âu, CNTB đã ra sức bôi nhọ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, xóa bỏ mọi thành quả mà CNXH đã gặt hái được. Sự sụp đổ này là một tổn thất vô cùng to lớn đối với CNXH nói riêng và đối với sự tiến bộ của toàn nhân loại nói chung.

 Sau sự sụp đổ đó, CNTB (lúc này đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc) đã chĩa mũi nhọn vào các nước XHCN còn lại trên thế giới trong đó có Việt Nam. Để thực hiện âm mưu của mình “các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, kiến quyết, xảo quyệt. “Diễn biến hòa bình” là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là “thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi”… Trong chiến lược này, hoạt động tư tưởng - văn hóa được họ coi là “mũi đột phá”, là “cây cầu dẫn vào trận địa, là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng XHCN”[2]. Sự chống phá quyết liệt của CNTB đã làm cho cuộc ĐTLL ở nước ta nhằm bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn trở nên cam go và phức tạp hơn bao giờ hết.

Hai là, cuộc ĐTLL ở nước ta không chỉ là đối với những kẻ thù bên ngoài mà còn phải chống lại những trở ngại xuất phát từ trong nước. Đó là cuộc đấu tranh chống lại sự phát triển một cách tự phát của khuynh hướng TBCN cùng với sự lớn mạnh của thành phần kinh tế tư bản tư nhân và tư bản có vốn đầu tư nước ngoài. Sự lớn mạnh của thành phần kinh tế này đang đe dọa sự quản lý của kinh tế nhà nước theo định hướng XHCN, từ đó đe dọa quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản và công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay.

ĐTLL còn là đấu tranh với quá trình “tự diễn biến” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Trước những tác động phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, đa số cán bộ, đảng viên vẫn vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên CNXH. Song, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn giản đơn, chưa thực sự dựa trên niềm tin sở khoa học, chưa trải qua cọ xát với những quan điểm chính trị lệch lạc, phản động. Do vậy, khi tiếp nhận những thông tin ngược chiều, phản bác, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự ưu việt của CNXH, họ tỏ ra lúng túng, chưa biết phân tích, bác bỏ ra sao, chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tự thuyết phục mình và thuyết phục người khác.

Kẻ thù đã lợi dụng tình hình này, sử dụng những thủ đoạn tinh vi được che đậy một cách khéo léo hòng đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, làm phai nhạt lòng tin của nhân dân với Đảng, khiến những cán bộ, đảng viên thiếu chính kiến sẽ bị lung lạc, từ đó đi ngược lại với lợi ích của Đảng và nhân dân.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nxb CTQG H. 2011 tr. 92

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, sđd, tr. 92 - 93.

Nhận xét