LUẬT AN NINH MẠNG RA ĐỜI LÀ TẤT YẾU

 Cương Trực

Gần đây trên các trang mạng xã hội, nhiều kẻ e ngại sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng đến các hành vi sai trái của mình đã tìm mọi cách xuyên tạc, bôi xấu. Tiêu biểu có thể kể đến như Trần Dzạ Dzũng tán phát bài “Luật An ninh mạng chỉ nhằm trảm những nhà bất đồng chính kiến” cho rằng “Luật An ninh mạng xâm phạm các quyền tự do ngôn luận, cướp đi quyền sử dụng internet của người dân”, kêu gọi người dân đặc biệt là thế hệ trẻ đấu tranh xóa bỏ Luật. Vậy, cần hiểu rõ vấn đề này như thế nào?

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh... đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người nhưng cũng làm xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn. Nhiều quốc gia đã nhận thức rõ về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới, mối đe dọa mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao nên đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, văn bản pháp luật như luật hoặc văn bản dưới luật tại hơn 80 quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO... nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. Chỉ trong vòng 06 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng.

Đối với Việt Nam, sự phát triển của mạng xã hội góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những thành tựu khoa học công nghệ vượt trội, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng cũng được dự báo sẽ gây nên “thảm họa” nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Các thiết bị kết nối internet ngày càng phổ biến không chỉ mang lại những lợi ích to lớn cho cuộc sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh mà còn có thể bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Các cuộc tấn công mạng có chủ đích không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội. Thực trạng, nguy cơ trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản luật về an ninh mạng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, các nước trên thế giới và Việt Nam đều thống nhất ở chỗ ban hành các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các hoạt động, bảo đảm an ninh mạng. Đây là xu thế tất yếu chứ không phải chỉ có riêng ở Việt Nam. Trần Dzạ Dzũng tán phát bài “Luật An ninh mạng chỉ nhằm trảm những nhà bất đồng chính kiến” hoàn toàn từ lý do e ngại Luật điều chỉnh các hành vi sai trái của y chứ không vì vấn đề nào khác.

 

Nhận xét