LẠI BÀN VỀ CÁI GỌI LÀ “TỰ DO BÁO CHÍ”

Văn Hóa

Vừa qua Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và có kế hoạch mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015. Lợi dụng vấn đề này, một số tổ chức, hội nhóm phản động “nhân danh” bênh vực, bảo vệ cho nhân vật mà họ gọi là “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do”, “nhà báo không lề” để xuyên tạc, vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp báo chí”, “tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập”... Một số tổ chức, lực lượng có quan điểm, tư tưởng phản động như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ngôi nhà tự do (Freedom House), Đài Á châu tự do (RFA)... đã lợi dụng vấn đề trên để quy chụp, xuyên tạc vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam; từ đó chúng đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”.

Thực tế cho thấy, các cá nhân nêu trên đã lợi dụng vấn đề tự do báo chí, ngôn luận để có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam. Từ những hành vi trên cho thấy, một số tổ chức, lực lượng phản động đã không biết phân biệt đúng - sai, phải - trái, hợp pháp - bất hợp pháp… nên đã lớn tiếng lu loa, bẻ lái vụ việc, núp bóng “tự do báo chí”, “bảo vệ nhân quyền”… để xuyên tạc, làm sai lệch bản chất vụ việc của những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam.

Các nhà “dân chủ” giả hiệu nên hiểu rằng, tự do báo chí là quyền tự do cơ bản, thiêng liêng, biểu hiện cho sự tiến bộ, phát triển của xã hội. Tuy nhiên, tự do báo chí không phải là tự do chung chung, tự do vô chính phủ, mà bao giờ cũng nằm trong khuôn khổ pháp luật. Vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng lập pháp được mọi quốc gia thừa nhận, vận dụng, thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật là tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ. Tự do báo chí phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Ngoài điều đó, báo chí sẽ trở thành tự do vô chính phủ, trở thành công cụ chính trị chống phá lẫn nhau giữa các đảng phái, giai cấp, nhà nước, giữa các quốc gia, dân tộc, tác động tiêu cực đến độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Ở bất kỳ nước nào cũng vậy, tự do báo chí đều trong khuôn khổ pháp luật. Chẳng hạn, Bộ luật Hình sự Mỹ ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng, tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hay bạo lực”. Do đó, những người có lương tri và mọi người dân Việt Nam hãy luôn cảnh giác, chủ động phát hiện, nhận diện kịp thời những kẻ giả danh “dân chủ” để vạch trần bản chất phản động của chúng trước công luận./.

Nhận xét