CỐNG HIẾN CỦA PH.ĂNGGHEN TRONG LĨNH VỰC TRIẾT HỌC

 Phạm Trung

Chuẩn bị đến kỷ niệm 201 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2021), một trong những người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, một trong số các bậc vĩ nhân mà cuộc đời và sự nghiệp in đậm dấu ấn lên toàn bộ lịch sử cận đại, hiện đại của nhân loại. 

Đây cũng là dịp để chúng ta bày tỏ tình cảm biết ơn và sự kính trọng sâu sắc đối với một trong những vị lãnh tụ đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người đã dành cả cuộc đời, sự tâm huyết, sự hy sinh, cùng với C.Mác sáng lập nên học thuyết khoa học, cách mạng cho phong trào công nhân, hướng dẫn giai cấp công nhân, nhân loại cần lao giải phóng mình, giải phóng toàn xã hội khỏi áp bức, bóc lột, bất công. Mặc dù Ph.Ăngghen rất khiêm tốn, luôn tự nhận mình là cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mác, luôn khẳng định vai trò sáng lập hàng đầu là thuộc về C.Mác, nhưng những người nghiên cứu về chủ nghĩa Mác đều nhận thấy những đóng góp to lớn, dấu ấn sâu đậm của Ph.Ăngghen trong việc hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác. Chính Mác đã đánh giá Ph.Ăngghen là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa xã hội hiện đại. Còn V.I.Lênin khẳng định: Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Mác là Ph.Ăngghen[1].

Ph.Ăngghen - người đã góp phần làm cho triết học trở thành “chủ nghĩa duy vật hoàn bị”, thành “công cụ nhận thức vĩ đại”Cùng với C.Mác và độc lập với C.Mác, Ph.Ăngghen đã dành cả cuộc đời nghiên cứu khoa học tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử tư tưởng triết học nhân loại bằng việc xây dựng và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời gắn kết chức năng thế giới quan của triết học với chức năng phương pháp luận của nó thành một thể thống nhất trong việc xem xét giới tự nhiên, đời sống xã hội và tư duy con người, thành khoa học không chỉ “giải thích đúng thế giới”, mà còn “tham gia vào quá trình cải tạo thế giới” và do vậy, Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác làm cho triết học trở thành “chủ nghĩa duy vật triết học hoàn bị”, thành “công cụ nhận thức vĩ đại” của nhân loại.

Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, thực hiện cuộc các mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Lần đầu tiên các quy luật phát triển của xã hội loài người được đưa ra ánh sáng, bao gồm hệ thống các quy luật: quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; quy luật cơ sở  kinh tế của xã hội quyết định kiến trúc thượng tầng của xã hội, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội chứ không phải ngược lại; kinh tế xét đến cùng quyết định chính trị; quy luật về sự thay thế lẫn nhau như một quá trình lịch sử tự nhiên của các hình thái kinh tế - xã hội. v.v..

Những tác phẩm viết cùng với C.Mác cũng như những tác phẩm viết riêng Ph.Ăngghen đã trở thành những tác phẩm kinh điển. Trong đó, lần đầu tiên nhiều luận điểm, nguyên lý, quy luật và phạm trù của triết học mà C.Mác và ông xây dựng đã được trình bày một cách có hệ thống. Ph.Ăngghen còn là người đầu tiên đã vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nhận thức những quy luật của tự nhiên, luận giải, khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên đương thời và nhờ đó, đã phát hiện ra ý nghĩa triết học sâu sắc của chúng, đưa ra những tiên đoán thiên tài về mối liên hệ giữa triết học với khoa học tự nhiên, về sự phát triển của khoa học trong tương lai, đồng thời chứng minh rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật là cơ sở lý luận, phương pháp luận không chỉ cho các khoa học xã hội, mà còn cho cả các khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.

Cống hiến vĩ đại của Ph.Ăngghen trong lĩnh vực triết học là không thể phủ nhận. Những cống hiến ấy đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, góp phần minh chứng cho tính hệ thống, tính hoàn bị, tính tự giác và bản chất khoa học và cách mạng của triết học Mác - Lênin.

 



[1] V.I.Lênin toàn tập,tập 26, Nxb CTQGHà Nội, 2005, tr.110.

Nhận xét