ĐẰNG SAU CHIÊU BÀI KÊU GỌI CHO PHÉP BÁO CHÍ TƯ NHÂN

MINH QUANG

 Để thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, các đối tượng xấu tiến hành các hoạt động chống phá muôn hình muôn vẻ. Trong đó, chúng ra sức vu khống cho rằng tại Việt Nam không có tự do báo chí, đưa ra yêu sách đòi “mở rộng quyền” để tư nhân được xuất bản báo chí. Những kẻ này rêu rao rằng, Việt Nam không cho phép tư nhân hoạt động báo chí là ngăn cản quyền tự do ngôn luận. Từ đây, các đối tượng đưa ra yêu sách cho rằng Việt Nam phải để tư nhân được quyền lập toà soạn, quyền là báo, quyền phát hành báo.

Khoản 1, Điều 4, Luật Báo chí Việt Nam quy định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. Theo đó, tư nhân không phải là chủ thể được thành lập cơ quan báo chí. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc cho rằng việc không có báo chí tư nhân là không bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Từ đây, các đối tượng đòi sửa đổi luật, cho phép tư nhân tham gia vào lĩnh vực báo chí.

Nói thẳng, báo chí tư nhân không phải là thước đo, tiêu chuẩn của tự do báo chí. Tại các nước tư bản, nơi báo chí tư nhân hoạt động, nền báo chí đã bị lũng đoạn bởi các “ông trùm truyền thông”. Báo chí đã trở thành mặt hàng có thể điều chỉnh bằng tiền.

Tại Việt Nam, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được quy định một cách hết sức rõ ràng. Quyền tự do báo chí là việc công dân được tự do sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in. Bên cạnh đó, người dân được quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

Việc thực hiện quyền tự do báo chí dĩ nhiên phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Không có một quốc gia nào chấp nhận những giá trị tự do vô tội vạ, tự do chà đạp lên pháp luật, tự do xâm phạm đến lợi ích chung của cộng đồng.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của công dân được công nhận trong Hiến pháp. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân càng được đẩy mạnh. Mỗi người dân trở thành một “nhà sản xuất” thông tin. Thậm chí, các thông tin do người dân cập nhật trên các kênh mạng xã hội còn “nóng hổi”, nhanh chóng hơn nhiều trang báo.

Một lần nữa nhấn mạnh, không phải có báo chí tư nhân mới có tự do báo chí. Chức năng cơ bản của báo chí là thông tin và định hướng dư luận. Yêu cầu hàng đầu của báo chí là thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong một nền báo chí tự do, các thông tin đều phải được kiểm chứng tính xác thực trước khi được đưa ra để bảo đảm nó không xâm hại đến lợi ích của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Thực chất, đằng sau luận điệu đòi “mở cửa” cho báo chí tư nhân là để hình thành các cơ quan báo chí, xuất bản nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Từ đây, các đối tượng sẽ lũng đoạn hoạt động thông tin, công khai sản xuất, truyền bá, lưu hành các sản phẩm độc hại, tấn công nền tảng tư tưởng của xã hội, gieo rắc mầm mống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngay trong lòng đất nước. Mỗi chúng ta cần luôn tỉnh táo và đấu tranh trước những luận điệu, thủ đoạn chống phá đó của các thế lực, phản động./.

Nhận xét