Gắn trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ trong chống "giặc nội xâm"

Tôi rất tâm đắc với bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp trong PCTN, tôi thấy các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên phải nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân, với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền; bảo vệ cái đúng, chỉ rõ cái sai, can ngăn những việc làm chưa đúng, phát hiện và xử lý kịp thời việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái.

Trong đó, việc gắn trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ để nâng cao hiệu quả PCTN là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Bởi, thực tế qua nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui đã cho thấy, những chi bộ có đảng viên có chức vụ, quyền hạn sinh hoạt mà cấp ủy Đảng không sâu sát, trong sinh hoạt chi bộ tự phê bình và phê bình kém, không nghiêm túc, nể nang, né tránh, ngại va chạm... là nơi dễ xảy ra tiêu cực nói chung và tham nhũng nói riêng. Hay nói cách khác, sự buông lỏng quản lý đảng viên, thiếu tính chiến đấu của cấp ủy, chi bộ đã tạo mảnh đất màu mỡ cho những cám dỗ về vật chất làm tha hóa, biến chất đảng viên.

Việc gắn trách nhiệm, lấy kết quả PCTN là một trong những thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chi bộ sẽ góp phần nâng cao quyết tâm, ý thức chính trị của cấp ủy, chi bộ đối với PCTN. Qua đó, sẽ nâng cao chất lượng tập trung dân chủ, phát huy cao độ tính tự phê bình, phê bình của tập thể và cá nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên (nhất là ở những vị trí việc làm dễ phát sinh tham nhũng) để ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm... 

Thiếu tướng LÊ HUY MAI, nguyên Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng

Nhận xét