Mệnh lệnh của trái tim: “Đảng là đầy tớ của dân”



Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc Tết người dân trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019
Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển, luôn rất chú trọng xây dựng Đảng trên cả hai phương diện: vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ (người phục vụ) trung thành của nhân dân. Đây là hai nội dung có nội hàm khác nhau về mặt bản chất, nhưng đối với Đảng ta, do ra đời từ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, được nhân dân ủy thác sứ mệnh lãnh đạo cách mạng nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, nên giữa hai nội dung đó có mối liên hệ thống nhất, gắn bó, bổ trợ và có tầm ảnh hưởng lẫn nhau. Trong quan điểm Hồ Chí Minh và Đảng ta, đây là một luận điểm vừa thể hiện quan điểm cách mạng vô sản vừa có ý nghĩa cơ bản và sâu sắc về quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của quần chúng. Nếu không đồng thời làm trọn cả hai nội dung này thì Đảng sẽ thất bại và ắt sẽ bị thời đại và nhân dân đào thải.
Ở bài viết này, xin không bàn về vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của công tác lãnh đạo, chỉ xin đề cập một nội dung liên quan đến việc nâng cao ý thức “Đảng là người đày tớ của dân” mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng giáo dục và thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(1).
Với tầm nhìn chiến lược và lo xa công việc của Đảng, ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài huấn thị “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên báo Cứu quốc số 46 ngày 19-9-1945, chỉ rõ: “Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên, Chính phủ bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy”(2). Tiếp ngay sau đó, Người gửi thư cho Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân...”(3) và Người khẳng định: “Dân là chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”(4). Đây chính là một luận điểm được phát triển sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với học thuyết Mác - Lênin về xây dựng Đảng mác xít ở nước ta; đồng thời, thể hiện rõ sự khác biệt về bản chất của Nhà nước của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong Thời đại Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó, trở thành phương châm, đạo lý và tôn chỉ hành động trong công tác của Đảng, giúp Đảng ta bước lên vũ đài chính trị với tinh thần cách mạng và nhân văn cao cả.
Năm 1951, trong bài phát biểu tại lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(5). Như một sự cam kết với dân tộc, với nhân dân, Hồ Chí Minh suốt cả cuộc đời đã vất vả, chăm lo cho sự nghiệp cách mạng theo tinh thần đó. Hằng ngày, hằng giờ, Người là biểu tượng mẫu mực, nêu tấm gương cao quý ấy. Khi coi Đảng cũng như bản thân mình là đày tớ, là công bộc của nhân dân, Hồ Chí Minh đã không làm mất đi vị thế lãnh đạo mà còn để lại một sự nghiệp, một tư tưởng, đặc biệt là một nhân cách lớn - Nhân cách Hồ Chí Minh không lẫn vào ai - một nhân cách cao cả, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống chính trị, xã hội của dân tộc, của đồng bào Việt Nam và của sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Nhân cách ấy thấm sâu trong hệ tư tưởng của Đảng, làm sâu sắc thêm tính tiên phong, cách mạng, dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thực tiễn gần 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng đã chứng minh, sự toàn tâm toàn ý xây dựng Đảng ta vì lợi ích của nhân dân. Ngoài lợi ích cao cả đó, Đảng không có lợi ích nào khác. Trong mọi hoàn cảnh, Đảng luôn coi sứ mệnh phục vụ nhân dân là tôn chỉ hoạt động cơ bản của Đảng. Tất cả vì nhân dân, tất cả dựa vào dân là đường lối số một trong hoạt động của Đảng. Từ nhân dân mà ra, hòa mình vào nhân dân là phương pháp cơ bản nhất của Đảng. Sự tín nhiệm và ủng hộ của quần chúng nhân dân là thước đo tối cao đánh giá tất cả giá trị các mặt công tác của Đảng. Những phương châm cơ bản ấy, đã giúp cho Đảng ta đứng vững trên vũ đài chính trị mà không có một lực lượng nào hòng có thể thay thế.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên thực tế, có nhiều lúc, nhiều nơi chúng ta làm chưa tốt công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên nêu cao ý thức là công bộc, là đày tớ của dân, dẫn đến một bộ phận không nhỏ cán bộ trong Đảng, nhất là những người có chức, có quyền đã quên mất vị trí, vai trò của mình, tạo nên sự “đổi ngôi” chủ - tớ, tự cho mình cái quyền đứng trên dân, gây nên nhiều hậu quả trong Đảng. Trong điều kiện lịch sử mới, đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh, Đảng phải lãnh đạo một khối lượng công việc khổng lồ để cải biến xã hội. Theo đó, cán bộ đảng viên cũng được giao nhiều trọng trách, nắm giữ, thực thi nhiều chính sách và quản lý, thu chi khối lượng lớn tài nguyên, tài sản xã hội nếu không có ý thức là công bộc, là đày tớ của dân, không có thái độ làm việc vì nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm trên hết thì rất dễ bị tha hóa, đổ gục trước những cám dỗ về danh lợi, vật chất. Trên thực tế, điều đó đã xảy ra, là bài học rất đau xót, gây nên nhiều hậu quả trong Đảng và trong xã hội
Chúng ta cũng không khỏi lo lắng khi biết rằng, số cán bộ, đảng viên bị phát hiện, xử lý kỷ luật ngày càng tăng.
Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng, xử lý kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên, hàng chục ngàn đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng. Trong số các bị cáo bị các cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm về tham nhũng, kinh tế có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 13 ủy viên Trung ương, nguyên là ủy viên Trung ương bị thi hành kỷ luật; một ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ đảng.
Những con số nêu trên cùng với nhiều vụ việc khác từ những hoạt động của các “nhóm lợi ích” không chỉ trong kinh tế mà cả trong công tác cán bộ, đào tạo; cùng với hơn 30% cán bộ, công chức, viên chức làm việc không có chất lượng, hiệu quả đang gây nhiều hậu quả trong Đảng và trong xã hội, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chắc chắn đều có chung một nguyên nhân sâu xa từ sự đánh mất ý thức trách nhiệm là “người đày tớ trung thành của nhân dân”.
Có thể thấy, công tác xây dựng Đảng có nhiều nội dung, nhưng gọn lại trọng tâm nằm ở tổ chức Đảng và mấu chốt nằm ở con người, ở cán bộ, đảng viên. Sau khi đường lối chính trị được xác định, cán bộ, đảng viên chính là nhân tố quyết định thực hiện thành công đường lối đó. Nếu chỉ có đường lối đúng mà không có một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, giàu phẩm chất đạo đức, gắn bó máu thịt với nhân dân, sẵn sàng làm “trâu ngựa của dân”, phục vụ nhân dân hết lòng hết sức, thì không thể thực hiện được mục tiêu to lớn của Đảng. Ý thức đó cần phải được tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là những người có trách nhiệm từ trên xuống dưới trong bộ máy của Đảng và của Nhà nước nêu cao.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện công cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đồng thời gắn với triển khai thực hiện Quy định nêu gương mới được Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XII ban hành. Những công việc đó đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong nội bộ của Đảng. Hơn lúc nào hết, ý thức “Đảng là người đầy tớ của dân” phải được sốc lại như một mệnh lệnh, một tiêu chí bắt buộc, một phẩm chất, lý tưởng cao đẹp trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên. Làm đúng vai trò ấy, thì tinh thần nêu gương sẽ trở nên dễ dàng, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên, và cũng mới có thể thực hiện được trọn vẹn di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc thiêng liêng, bất hủ của Người: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(7).
Đây là công việc lâu dài, khó khăn, phức tạp nhưng là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên. Nhìn rộng ra, nó còn là một phương thức lãnh đạo của Đảng, một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cũng như mong đợi của nhân dân. Nếu thực hiện tốt cả hai vế: Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân thì hiệu quả vô cùng to lớn, bởi nó không chỉ đưa con tàu cách mạng đi đúng hướng mà còn thuyết phục quần chúng bằng sức mạnh của niềm tin, sự yêu mến và tinh thần cảm phục. Ngược lại, chỉ thiếu một trong hai vế đó, thì hậu quả vô cùng nguy hại đối với Đảng, với dân tộc. Với tinh thần kiên quyết, kiên trì xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cùng với ý thức tu dưỡng, rèn luyện của đa số cán bộ, đảng viên, nhất định cái xấu, các ác sẽ dần bị loại trừ, Đảng sẽ giành được những thành quả to lớn trong công cuộc đổi mới, phát triển theo nhịp bước của thời đại./.
Phương Vinh
----------------------------------------------
(1), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.15, tr. 670, 622.
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.21, 64-65.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.572.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 50.
(6) Trong đó có: 10 bị cáo với 11 mức án tử hình; 20 bị cáo với 21 án tù chung thân; 8 bị cáo tù 30 năm; 18 bị cáo tù từ 20 đến 30 năm; 535 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 20 năm. Đặc biệt, trong năm 2018 đã đưa ra xét xử 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận nhân dân đánh giá cao (vụ án Trịnh Xuân Thanh; Đinh La Thăng; Phạm Công Danh - giai đoạn II; Hà Văn Thắm; Trần Phương Bình; Huỳnh Thị Huyền Như; Phan Văn Anh Vũ; Đinh Ngọc Hệ; Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; Hứa Thị Phấn).

Nhận xét