VÌ SAO CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH THƯỜNG LỢI DỤNG TÔN GIÁO ĐỂ CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM?



HT
Trước hết, theo quan điểm mácxit về nguồn gốc, bản chất, chức năng và tính chất của tôn giáo thì tôn giáo là sản phẩm của chính con người, sản phẩm của sự tự ý thức, tự cảm giác của con người nhưng rồi con người không nhận ra sản phẩm của chính mình, sản phẩm đó lại như thuộc về một thế giới khác, thế giới của các thánh thần và trở nên xa lạ, quay trở lại thống trị con người. Con người trở nên sợ hãi, lệ thuộc trước các thánh thần, họ đã quỳ lạy xuống dưới sản phẩm của chính mình để cầu xin những gì mà mình bất lực trong thế giới thực tại này, đó là sự bất lực của quần chúng trong đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của cái nhà nước, giai cấp thống trị đã tạo ra sự bần cùng về kinh tế, áp bức về chính trị, bất công xã hội và đã đưa đẩy họ đến nghèo nàn, đói khổ, bần cùngdẫn đến tình trạng sợ hãi, bế tắc, vô vọng, tuyệt vọng trong xã hội thế tục ấy đã đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia và thúc đẩy chúng sinh tìm đến sự giải thoát tinh thần ở một thế giới khác hòa toàn xa lạ đối với họ. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen - Lời nói đầu, C.Mác đã khẳng định chính cái “Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo”[1].
Khi mà giai cấp thống trị tìm thấy chức năng ru ngủ, xoa dịu bằng những thứ “hạnh phúc hư ảo” ở tôn giáo và đã toan tính sử dụng tôn giáo làm công cụ nô dịch mê hoặc, ru ngủ quần chúng lao động, để họ chấp nhận sự áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị, và ngăn cản họ không đấu tranh phản kháng “chống nghèo nàn hiện thực”. Điều đóV.I.Lênin đã vạch ra rằng: “…Tất cả các giai cấp áp bức đều cần đến hai chức năng xã hội, để giữ gìn nền thống trị của mình: chức năng của tên đao phủ và chức năng giáo sĩ. Đao phủ phải dẹp tan sự  phản kháng và sự căm phẫn của những người bị áp bức. Giáo sĩ  phải an ủi những người bị áp bức, ... làm cho họ chịu nhận nền thống trị ấy, làm cho họ xa rời hành động cách mạng, làm tiêu tan tinh thần cách mạng của họ và phá vỡ nghị lực cách mạng của họ”.[2] Theo V.I.Lênin, tôn giáo khi đó không chỉ góp phần thực hiện chủ nghĩa ngu dân mà còn khuyên con người nhẫn nhục, chịu đựng để chấp nhận xã hội đương thời - dù là xã hội thối nát và mục ruỗng. Ông châm biếm: “Những điều thiêng liêng của đạo Chính thống quí báu là ở chỗ, nó dạy người ta chịu đựng đau khổ “không một tiếng kêu ca”!. Thực tế, điều thiêng liêng đó có lợi cho giai cấp thống trị biết chừng nào! Khi xã hội được xây dựng để cho một nhóm người hưởng giàu sang và quyền hành, còn số đông quần chúng phải thường xuyên chịu “thiếu thốn” và “mang những trách nhiệm nặng nề”, thì hoàn toàn dĩ nhiên là bọn bóc lột có cảm tình với cái tôn giáo dạy người ta chịu đựng “không một tiếng kêu ca “cái địa ngục trần gian để chờ đợi một Thiên đường nào đấy”[3]. Ở đây có vai trò của: “Cha cố là bọn đã đem hết sức lực ra để chứng minh rằng chế độ nông nô đã được Kinh thánh thừa nhận và được Thượng đế xác nhận”[4]. V.I.Lênin đã phân tích tôn giáo ru ngủ tinh thần đấu tranh của quần chúng thay cái đang sống bằng cái đã chết, thần thánh hoá chế độ nô lệ. Giai cấp thống trị bóc lột nhờ có chức sắc các tôn giáo. Họ là người luôn dẫn dắt tín đồ tìm đến Chúa đến Thiên đường, địa ngục với mục đích bảo vệ chế độ đương thời. Với họ, tin hay không tin lại là một chuyện khác. Như vậy, những hình thức tín ngưỡng tôn giáo trong thời kỳ nguyên thuỷ không mang tính chính trị, còn những tôn giáo ra đời trong xã hội có giai cấp đều phản ánh lợi ích của một giai tầng nhất định trong xã hội, cho nên tôn giáo có tính chính trị trong xã hội có đối kháng giai cấp.
Thứ hai, lịch sử đã từng chứng minh rằng: các giai cấp bóc lột luôn sử dụng tôn giáo như một công cụ nhằm mục đích trần thế. V.I.Lênin chỉ rõ, tôn giáo là cách biện hộ tốt nhất cho chế độ bóc lột tồn tại: “Giới tu hành, bọn địa chủ và giai cấp tư sản chỉ viện danh Thượng đế để bảo vệ quyền lợi bóc lột của chúng”[5]. Bởi vì: “Trong thực tế ý niệm về thần đã giúp chúng giữ được nhân dân trong vòng nô lệ...đã tô điểm xiềng xích mà chúng dùng để trói buộc công nhân và nông dân dốt nát”[6]Theo thời gian dài của lịch sử phương Tây, tôn giáo đã trở thành thiết chế của xã hội, thần quyền gắn chặt với thế quyền và thậm chí có khi chi phối thế quyền, nhà thờ và nhà nước là một. Quyền lực của tôn giáo trở thành tôn giáo của quyền lực, tình cảm quần chúng được nuôi dưỡng bằng tình cảm tôn giáo. Đám mây mù tôn giáo bao phủ suốt đêm dài trung cổ phương Tây.
Ngay giai cấp tư sản cũng đã từng sử dụng tôn giáo này để tấn công vào tôn giáo khác: “Bản thân hắn tin đạo, tôn giáo đã cung cấp cho hắn ngọn cờ mà hắn đã dùng để chiến thắng bọn vua chúa và quí tộc, chẳng bao lâu hắn cũng phát hiện ra cái phương tiện mà tôn giáo ấy đã cung cấp cho hắn để tác động đến đầu óc của bề dưới tự nhiên của hắn và làm cho họ ngoan ngoãn tuân theo lệnh của bọn chủ mà ý muốn không thể hiểu nổi của Thượng đế đã đặt lên trên họ”[7]. Giai cấp tư sản Anh cũng đã dùng tôn giáo để đàn áp nhân đân lao động.
Cũng có thời kỳ, giai đoạn lịch sử mà ở đấy, giai cấp tư sản đã trút bỏ bộ áo tôn giáo để chiến đấu với thân xác trần tục của nó. Giai cấp tư sản đã từng sử dụng chủ nghĩa duy vật để tấn công vào Nhà thờ và giáo hội. Nhưng rồi họ gặp phải tai hoạ với chủ nghĩa duy vật của họ và cuối cùng họ ngầm dùng thủ đoạn: “vứt bỏ sự tự do tư tưởng của họ, hoàn toàn giống như một cậu bé cảm thấy mình bị say sóng ngày càng nhiều, liền quăng xuống biển điếu xì gà đang cháy dở mà trước đó hắn đã vênh vang hút trên boong. Kẻ nọ nối tiếp người kia, những kẻ báng bổ thần thánh bắt đầu khoác vẻ ngoan đạo”[8]. Nhưng khốn khổ cho giai cấp tư sản Pháp và Đức, họ chỉ phát hiện ra điều đó, khi đã cố gắng hết sức để tiêu diệt tôn giáo. Chính vì lẽ ấy mà giai cấp tư sản Anh có quyền chế diễu và thét vào mặt họ là: “Đồ ngu điều đó tôi đã có thể bảo các anh cách đây hai thế kỷ rồi kia”[9].
Giai cấp hữu sản nào cũng cần tôn giáo, ngay Vonte là người chống giáo hội, nhưng ông ta cũng thấy cần vai trò ngu dân của nó. Ông viết: “Tiện dân hay người nghèo có kiến thức lý luận thì mọi việc hỏng bét”. Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 là cuộc cách mạng dân chủ tư sản điển hình. Những năm tháng đầu của cuộc cách mạng, giai cấp tư sản đã tấn công quyết liệt vào Nhà thờ và giáo hội. Họ đã phát động phong trào phi Công giáo, những bài thơ chống Chúa, những ý đồ chà nát “cái thứ tôn giáo xấu xa ấy” đã diễn ra. Họ đóng cửa nhà thờ, trục xuất giáo sĩ, bắt giam Giáo hoàng thậm chí thay cả lịch Công giáo bằng lịch Cộng hoà...nhưng đến năm 1793 với chính phủ Quốc ước đã phải công khai thừa nhận quyền tự do tín ngưỡng. Napôlêông đã phải dựng và mời Giáo hoàng mới đến đội Vương miện cho mình trong buổi tuyên xưng Hoàng đế.
Tóm lại, những điều trên đã minh chứng rằng giai cấp thống trị đã tìm thấy ở tôn giáo công cụ ngụy trang tư tưởng cho giai cấp mình, ngược lại tôn giáo nhờ đó mà được củng cố, duy trì, phát triển. Các tổ chức tôn giáo mong muốn thông qua nhà nước thế quyền để mở rộng đức tin, gây ảnh hưởng lớn hơn đến xã hội. Sự gặp gỡ về lợi ích đó tạo nên sự cấu kết, “cộng sinh” giữa thần quyền và thế quyền nhằm phục vụ cho lợi ích của mỗi bên.
Ở Việt Nam hiện nay, các thế lực chính trị phản động, thù địch dung dưỡng, lợi dụng tôn giáo, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mất ổn định chính trị, thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng nước ta.Do phải thường xuyên đối phó với các cuộc chiến tranh; có nhiều tôn giáo ngoại nhập; sự phân hoá trong nội bộ tôn giáo; tính thực dụng của tín ngưỡng tôn giáo... làm cho việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch ở Việt Nam càng “thuận lợi”và nguy hại hơn. Trong lịch sử, các thế lực thù địch đều lợi dụng tôn giáo để xâm lược, nô dịch, đồng hoá dân tộc ta. Trong thời kì chống Pháp, chống Mỹ, không ít tổ chức tôn giáo, chức sắc và tín đồ bị kẻ thù lợi dụng chống lại cách mạng.
Hiện nay chủ nghĩa đế quốc, với chiến lược “diễn biến hoà bình" vẫn luôn coi vấn đề tôn giáo là một trọng điểm “ưu tiên”, “huyệt” nhạy cảm nhất để lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam. Việc tăng cường truyền đạo Tin lành ở Tây Bắc, Tây Nguyên, đạo Vàng Chứ ở người H’Mông Tây Bắc, cái gọi là “Tin lành Đề Ga” ở Tây Nguyên... là minh chứng cụ thể của sự lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng kích động chia rẽ quan hệ lương - giáo và giữa các tôn giáo; mua chuộc, lôi kéo, ép buộc đồng bào các tôn giáo chống đối chính quyền, di cư và vượt biên trái phép, gây bất ổn chính trị - xã hội, bạo loạn, tạo các “điểm nóng” để vu khống Việt Nam đàn áp các tôn giáo vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền” để cô lập, làm suy yếu cách mạng Việt Nam… Điển hình là các vụ bạo loạn năm 2001, 2004 ở Tây Nguyên; tụ tập đông người, gây mất trật tự an ninh ở Mường Nhé, Điện Biên vào tháng 4 năm 2011, có hàng ngàn người tham gia biểu tình, bạo loạn, chống đối chính quyền, phá hoại kinh tế. Do đó, đòi hỏi chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh chống lại sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta./.


[1] C.Mác, Ph.Ănghen, Toàn tập, t. 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H. 1995, tr. 569.
[2] V.I.Lênin, toàn tập, tập 26, NxbTB,M.1980,tr.293
[3] V.I.Lênin toàn tập, tập.6,NxbTB,M;1975, tr.331
[4] V.I.Lênin toàn tập, tập.7,NxbTB,M;1979, tr.238
[5] V.I Lênin, toàn tập, tập.41,NxbTb,M;1977,tr.367
[6] V.I Lênin, toàn tập, tập.48,NxbTb,M;1981,tr.300
[7] C.Mác-Ph.Ăng-ghen, toàn tập, tập.22, tr.444-445
[8] C.Mác-Ph.Ăng-ghen, toàn tập, tập.22, tr.456
[9] C.Mác-Ph.Ăng-ghen, toàn tập, tập.22, tr.456

Nhận xét