Chia sẻ sự hiểu biết và kiến thức lịch sử của bản thân với cộng đồng, từ đó giúp bồi đắp kiến thức và khơi dậy lòng tự hào dân tộc là việc làm đáng quý, và luôn được xã hội hưởng ứng, biểu dương, khuyến khích. Tuy nhiên, hiện tượng một số tác giả, tổ chức vừa qua ngang nhiên đạo văn, chia sẻ kiến thức sai sự thật trong một số bài viết hoặc xuất bản phẩm về lịch sử lại là điều không thể chấp nhận, cần lên án, thậm chí có biện pháp xử lý.
Giữa nhiều trang (fanpage), diễn đàn (forum), nhóm (group) có chủ đề về lịch sử đáng chú ý trên internet (in-tơ-nét) và mạng xã hội thời gian qua, The X File of History (Hồ sơ mật của Lịch sử) do P.D lập ra đã thu hút đến hơn 150.000 thành viên theo dõi. Khác với nhiều trang có xu hướng chia sẻ thông tin lịch sử giản lược, The X File of History được P.D và cộng sự quảng bá rộng rãi và công khai là tổ chức cụm bài viết "nghiên cứu lịch sử một cách nghiêm túc", vừa tạo cho người đọc "niềm đam mê lịch sử" qua "cách kể sử mềm mại" song vẫn giữ được "tính chuẩn xác, khách quan". Thế nhưng, dường như chủ trương đó lại không song hành với việc làm, khi The X File of History và P.D liên tục đăng tải nhiều bài viết có nội dung, nhận định sai lầm, sao chép, xào xáo thành quả nghiên cứu của người đi trước. Không chỉ vậy, P.D (hiện nay đã tách khỏi The X File of History) còn tập hợp các bài viết về lịch sử có nội dung yếu kém để xuất bản thành sách, đăng lại trên một số tờ báo. Và có lẽ do thiếu cẩn trọng hoặc quá tin tưởng vào các đơn vị hoặc trang mạng đã đăng tải hoặc xuất bản mà các bài viết, cuốn sách chất lượng kém của P.D đã và đang được một số người tung hô, thậm chí chiếm vị trí trang trọng trên một số mặt báo, trong tủ sách của một bộ phận độc giả còn chưa nắm bắt vấn đề một cách thật sự thấu đáo.
Khác với các nhà sử học không chuyên khác, các bài viết của chính tác giả cho thấy dường như P.D không đọc, không tham khảo các tài liệu gốc về lịch sử Việt Nam. Trong khi, theo các chuyên gia sử học, đây gần như là điều kiện tiên quyết và bắt buộc để nghiên cứu lịch sử. Nghi vấn đó được dư luận đặt ra bởi trong danh mục tài liệu tham khảo hầu như P.D không hề dẫn lại một tài liệu lịch sử bằng chữ Hán, tiếng Pháp... nào. Không chỉ vậy, qua các văn bản có thể thấy P.D không phân biệt được độ tin cậy giữa tài liệu chính thống với tiểu thuyết lịch sử, giai thoại dân gian, tài liệu truy cập mở (open access), thậm chí lời kể của những người bạn. Kết hợp với sự yếu kém về phương pháp, thao tác nghiên cứu, lối suy luận nhiều lúc, nhiều khi còn hồ đồ, chủ quan, phải nói rằng các bài viết của P.D thật sự là những "thảm họa sử học".
Thật vậy, ngay thời điểm ra mắt, cuốn sách Sử Việt 12 khúc tráng ca (SV12KTC) của P.D đã bị tác giả Lê Tiên Long qua bài viết Sử Việt 12 khúc tráng ca sẽ hoàn hảo hơn nếu… chỉ ra nhiều sai sót như nhầm lẫn mốc thời gian, nhân vật. Song đây mới chỉ là phần nhỏ trong hệ thống sai lầm của SV12KTC. Bằng chứng là loạt bài viết Những tiền nhân lạc thời đã công bố và mới đây là dự án xuất bản sách Việt Nam trăm bậc vĩ nhân xuất hiện nhiều sai lầm hết sức cơ bản. Trong cuốn SV12KTC, cả 12 chương sách đều tràn ngập suy luận thiếu thuyết phục, thậm chí có phần hồ đồ của tác giả. Ðặc biệt, có lỗi đáng lên án như ở chương Khúc ca 6 Lời ca chiến thắng Lý Thường Kiệt: Người anh hùng "phá Tống bình Chiêm", P.D viết rằng: "Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) thời trẻ có mối tình oan nghiệt với người con gái Dương Hồng Hạc - mỹ nhân thuộc dòng họ Dương, người sau này thành hoàng hậu Thượng Dương (…) Ðứng giữa tình thế hung hiểm như vậy, đặt bên sinh mệnh của bản thân và chí lớn chưa làm gì nên sự nghiệp, không thể chết vì mối tình thời niên thiếu (…), ông đã lựa chọn theo cách đau đớn nhất: trở thành hoạn quan" (SV12KTC, tr.79-80). Thực tế, chi tiết trên không hề có trong bất kỳ tài liệu lịch sử chính thống và công trình nghiên cứu uy tín nào mà chỉ là giả thuyết mà một nhà thơ đưa ra và trong tiểu thuyết võ hiệp Anh linh thần võ tộc Việt của TÐS. Thế nhưng P.D đã khai thác, sử dụng vào bài viết của mình, coi như một cứ liệu lịch sử đã được công nhận. Trong loạt bài Những tiền nhân lạc thời, sự yếu kém về kiến thức và thái độ làm sử của P.D tiếp tục lộ rõ. Ðơn cử, bài viết Trần Khánh Dư, Chủ nghĩa cá nhân của P.D đăng tải trên một báo điện tử ngày 12-8-2018 đã phạm sai lầm ngay từ nhan đề. Bởi lẽ, lý luận về Chủ nghĩa cá nhân chỉ thật sự ra đời vào thế kỷ 19 ở các nước phương Tây qua sự khẳng định, cổ động các giá trị tự do của con người và lên án các hành vi xâm phạm các quyền lợi đó. Vì vậy, dù mầm mống quan niệm đề cao tinh thần tự do cá nhân tồn tại từ trước trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới thì Trần Khánh Dư vẫn không thể đại diện cho một lý luận ra đời sau ông hàng trăm năm. Không chỉ sai lầm trong đặt vấn đề, do sao chép từ các nguồn tài liệu cóp nhặt, P.D đã đưa vào một chi tiết có tính chất văn học: "Vua Trần tuyên án tử hình Trần Khánh Dư, sai quân lính dùng roi đánh kẻ phạm tội đến chết. Nhưng vì quá yêu tài ông, vẫn lén dặn lính chúc gậy xuống để đánh 100 gậy. Theo luật thời đó, quá 100 gậy sống thì trời tha, cho nên Trần Khánh Dư được sống. Mối tình niên thiếu của Thiên Thụy và Trần Khánh Dư đã bị đứt đoạn vì một cuộc hôn nhân chính trị". Chi tiết này thực chất được P.D cóp nhặt từ một đoạn văn trên từ điển mở Wikipedia mục Trần Khánh Dư với nội dung y hệt. Thực tế, bộ Hình luật của nhà Trần đã thất truyền. Nhan đề và nội dung chỉ được lưu lại trong một số tài liệu lịch sử như Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú). Trong đó, Phan Huy Chú thừa nhận: "Xét: Hình pháp các đời Lý Trần, không thể biết rõ từng điều tỉ mỉ kỹ càng (…) nay lục những điều đã thấy trong sử, lần lượt chép ra để có thể biết được đại khái" (Khoa mục chí, Quốc mục chí, Hình luật chí, NXB Trẻ năm 2014, tr.267). Chuyện "đánh roi không chết nghĩa là trời tha" thực chất là một sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Hà Ân trong truyện dài Người Thăng Long. Trong bài viết Ðặng Huy Trứ - Làm ra của cải là một đạo lý lớn, P.D tiếp tục sao chép tài liệu trên internet, mà điển hình là chép từ bài Nhà canh tân Ðặng Huy Trứ (vnthuquan.net). Dù không biết chữ Hán, tác giả vẫn thản nhiên viết "đứa bé được ông thầy cúng cầm đuốc soi đường sang nhà hàng xóm ngay đêm đó. Ngọn đuốc đã thành tên chú bé (Trứ nghĩa là ngọn đuốc)". Có lẽ, P.D quá tin vào nội dung của bài Nhà canh tân Ðặng Huy Trứ có đoạn viết: "đứa bé được ông thầy cúng cầm đuốc soi đường sang nhà hàng xóm ngay đêm đó, không cho cha mẹ nhìn thấy mặt. Ngọn đuốc đã thành tên chú bé (Trứ nghĩa là ngọn đuốc)". Như vậy, P.D đã tiếp tục nối dài một suy diễn cảm tính từ chính tác giả mà anh ta cóp nhặt. Ðó là chưa kể các nhận định yếu kém, chủ quan về công trạng và sai lầm của hai vị vua Hồ Quý Ly, Minh Mạng, mà hai bài viết này thực chất là chép lại phần lớn nội dung từng công bố trong tập SV12KTC. Với dự án Việt Nam trăm bậc vĩ nhân, hành vi "xào nấu" lịch sử, sử dụng tài liệu thiếu kiểm chứng của P.D cũng nghiêm trọng và thô thiển không kém khi gán ghép hàng loạt giai thoại dân gian cho sử gia Lê Văn Hưu. Với những sai lầm có tính hệ thống như vậy, nếu không ngăn chặn kịp thời, những "tác phẩm sử học" của P.D có nguy cơ gây ngộ nhận và hậu quả khó lường với những bạn đọc thiếu thói quen kiểm chứng.
Hạn chế khả năng nghiên cứu cũng như đạo đức nghề nghiệp của P.D dù không phải là tình trạng chung nhưng cũng là vấn đề cần được báo động về cách làm việc đang diễn ra trong bộ phận những nhà nghiên cứu lịch sử không chuyên. Tuy vậy, cũng không nên phủ nhận một số đóng góp của các nhà nghiên cứu lịch sử không chuyên, bởi qua góc nhìn, quan điểm, bài viết, tác phẩm của họ đã và đang phần nào góp phần vào hoạt động nghiên cứu lịch sử. Lối viết hấp dẫn cùng các quan điểm, giả thuyết táo bạo là điểm mạnh của các cây viết sử "tay ngang" này. Nhiều người trong số họ đã tận dụng mạng xã hội, internet như một phương tiện chia sẻ, trình bày hiểu biết của bản thân về nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử. Các tác giả như Nguyễn Duy Chính, Lê Nguyễn, Trần Quang Ðức, Nguyễn Sử,... đã phần nào khẳng định được tên tuổi, nhận được đánh giá tốt từ giới nghiên cứu trong nước và quốc tế, cho dù còn nhiều giả thuyết, quan điểm lịch sử của họ cần phải bổ sung sử liệu, hiện vật gốc có giá trị để tăng sự chính xác, thuyết phục. Không chỉ vậy, tuy là người viết không chuyên, nhưng nhờ vốn kiến thức tích lũy từ quá trình tự học, sưu tầm, mà một số công trình như Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Ðức, Lịch sử thư pháp Việt Nam của Nguyễn Sử cũng là các tác phẩm có sự tìm tòi, áp dụng thành thạo các phương pháp, thao tác nghiên cứu học thuật bên cạnh khối lượng tư liệu có giá trị.
Thực tế từ những trường hợp nêu trên đã phần nào cho thấy, bên cạnh một số điểm sáng tích cực, phong trào tìm hiểu, chia sẻ kiến thức về lịch sử vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, internet cùng những trang tài liệu truy cập mở vừa là nguồn cung cấp thông tin, bài học lịch sử hữu ích nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho một số cá nhân, tổ chức thoải mái sao chép, chế biến thành quả nghiên cứu của người khác để phục vụ lợi ích cá nhân. Có thể thấy hiện nay trên mạng xã hội nhan nhản các trang tìm hiểu lịch sử, văn hóa như Lịch sử Việt Nam qua ảnh, Nghiên cứu lịch sử, Lịch sử hiện đại chiến tranh và cách mạng, Lịch sử Việt Nam,... nhưng rất cần cẩn trọng khi tiếp xúc, tiếp nhận; chưa nói là nhiều bài viết, hình ảnh, video được đăng tải, chia sẻ có nội dung tương tự nhau. Bên cạnh đó, phần lớn quản trị viên (admin) và thành viên (member) thường chỉ tiếp cận những nguồn tài liệu thứ cấp, chưa kiểm chứng, chưa coi trọng các nguyên tắc khách quan - toàn diện - lịch sử - cụ thể - phát triển khi thực hành nghiên cứu, hoặc đưa ra giả thuyết. Hệ quả là có quan điểm lịch sử sai sự thật, không phù hợp với yêu cầu nghiên cứu khoa học; nhiều sự việc đề cập thiếu khách quan, thấu đáo. Thậm chí cách nhìn nhận, đánh giá mang tính cá nhân, nhất thời về một số quan điểm, chính sách của Ðảng, Nhà nước được chia sẻ công khai dễ gây hiểu lầm, thậm chí có thể bị kẻ xấu khai thác phục vụ cho mục đích bất lương. Nghiên cứu, truyền bá các vấn đề, bài học lịch sử chưa bao giờ là công việc dễ dàng, mà ở đó sự nghiêm túc về mặt khoa học là một trong các yêu cầu hàng đầu. Dù là nhà viết sử không chuyên thì vẫn cần phải tuân thủ các yêu cầu tối thiểu để không phạm sai lầm khi trình bày các khảo cứu lịch sử thuần túy. Việc hiểu và hướng tới để có "nhân cách của một sử quan" cũng là yếu tố rất quan trọng, bởi điều này sẽ góp phần định hình cũng như quyết định lớn đến cách làm việc, xử lý thông tin của chính tác giả.
Nhận xét
Đăng nhận xét