Mục đích duy nhất là giành độc lập, thống nhất nước nhà (★)


Giữa tháng 9 vừa qua, tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), cái gọi là “tập hợp vì dân chủ cho Việt Nam” đã tổ chức và làm rùm beng về hội thảo có chủ đề Nhìn lại chiến tranh Việt Nam. Tại đây, một số luận điểm bịa đặt, phi lịch sử đã được trình bày nhằm biện hộ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa, cũng như sự tồn tại của chính quyền bù nhìn Sài Gòn.
Những luận điệu này không có gì mới và nhiều năm nay, căn cứ vào sự thật lịch sử đã bị nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế phân tích, bác bỏ. Trong đó, đáng chú ý tiểu luận Tản mạn xung quanh cuộc chiến ở Việt Nam của cố GS, TS Trần Chung Ngọc - người Mỹ gốc Việt đăng trên sachhiem.net đã tổng thuật và đưa ra những đánh giá, nhìn nhận một cách khoa học và khá chi tiết. Trích lược dưới đây là phần tác giả đề cập luận điệu về “nội chiến, chiến tranh ủy nhiệm” mà một số người đưa ra để phủ nhận, hạ thấp thắng lợi vĩ đại, ý nghĩa to lớn của cuộc kháng chiến do nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thế nào là nội chiến và thế nào là chiến tranh ủy nhiệm? Nếu không định nghĩa rõ ràng các từ này thì bàn về chúng là vô ích. Theo định nghĩa, nội chiến là cuộc chiến giữa hai phe trong một quốc gia mà không có sự nhúng tay hay hiện diện của người ngoài. Còn ủy nhiệm có nghĩa là ủy thác cho người khác một nhiệm vụ làm thay cho mình. Tôi cho rằng cả hai từ "nội chiến" và "chiến tranh ủy nhiệm" đều không thể áp dụng trong trường hợp Việt Nam. Thật ra thì từ "ủy nhiệm" chỉ có thể áp dụng cho phía Việt Nam cộng hòa chứ không thể áp dụng cho phía Bắc Việt. Lý do rất đơn giản. Mỹ dựng lên chế độ miền nam và quyết định mọi việc, dùng miền nam để chống Cộng cho Mỹ. Nước nào dựng lên chính quyền Bắc Việt, và chiến đấu để thống nhất đất nước có phải là một nhiệm vụ đã được nước ngoài giao phó cho không?
Bảo rằng vì Trung Quốc và Liên Xô tiếp tế vũ khí cho Bắc Việt là ủy nhiệm cho Bắc Việt chống Mỹ hộ Liên Xô hay Trung Quốc để thực hiện âm mưu bành trướng chủ nghĩa Cộng sản, tôi cho là ngớ ngẩn. Vì đây chính là sự thẩm định chính trị vô cùng sai lầm của Mỹ khiến cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam và cuối cùng thất bại… Sau khi Pháp thất trận, Ngoại trưởng Mỹ J.F.Dulles (G.Ph Ðu-lơ) lên án Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Việt Nam, và Giáo sư M.Cohen (M.Cô-hen) châm biếm: "Dulles không chịu chấp nhận là Việt Nam tự mình thắng trận, mà họ phải có viện trợ từ bên ngoài. Chắc chắn họ có rồi - cũng như Pháp. Hiển nhiên là ý tưởng về công bằng của Dulles và những người thuộc phái hữu là trang bị cho Pháp từ đầu đến chân với vũ khí hiện đại và hy vọng Việt Minh sẽ chiến đấu với khẩu súng của đầu thế kỷ 19, gươm và giáo. Thái độ của Dulles có vẻ như là Mỹ viện trợ quân phí cho Pháp nhiều tỷ USD thì được, nhưng các quốc gia Cộng sản viện trợ cho Việt Minh (dù chỉ bằng một phần nhỏ so với viện trợ của Mỹ cho Pháp) thì đó là một tội ác và là hành động xâm lăng"...
Cuộc chiến ở Việt Nam có phải là nội chiến không? Có lẽ không có gì rõ ràng hơn đoạn D.Ellsberg (Ð.Eo-sơ-bech) đã viết trong cuốn Hồ sơ mật Lầu Năm góc và hồi ức về cuộc chiến tranh Việt Nam: "Không có chiến tranh Ðông Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía, ngay từ đầu đã là một cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp - Mỹ, sau đến toàn là Mỹ. Trong cả hai trường hợp, nó là một cuộc đấu tranh của người Việt Nam - không phải tất cả người Việt Nam nhưng cũng đủ để duy trì cuộc đấu tranh - chống chính sách của Mỹ và sự ủy nhiệm, kỹ thuật gia, hỏa lực, và cuối cùng, quân đội và phi công của Mỹ. Cuộc chiến đó không có gì là "nội chiến", sau năm 1956 hay 1960, như nó không từng là nội chiến trong cuộc tái chiếm thuộc địa của Pháp được Mỹ ủng hộ. Một cuộc chiến trong đó một phía hoàn toàn được trang bị và trả lương bởi một quyền lực ngoại quốc - một quyền lực nắm quyền quyết định bản chất của chế độ địa phương vì các quyền lợi của mình - thì không phải là một cuộc nội chiến… Theo tinh thần Hiến chương Liên hợp quốc và theo các lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ". Tại sao D.Ellsberg lại có thể viết như vậy. Vì Ellsberg là viên chức trong chính quyền Mỹ, đã đọc những tài liệu mật nhất của Mỹ và biết rõ nhất về thực chất cuộc chiến tại Việt Nam. Chính ông là người đã tiết lộ tài liệu của Lầu năm góc. Và ông viết đoạn trên vào năm 2002 chứ không phải là trong thời kỳ "phản chiến" sôi nổi trên đất Mỹ. Nếu chúng ta đọc một số sách viết sau năm 1975 về cuộc chiến Việt Nam của các học giả và cựu quân nhân Mỹ, thì chúng ta sẽ thấy đa số đồng ý với D.Ellsberg về điểm này.
Cũng nên biết một tài liệu khác về bản chất cuộc chiến ở Việt Nam cách đây trên 30 năm. Trong cuốn Chiến tranh Việt Nam và văn hóa Mỹ hai tác giả J.C Rowe (G.C Râu) và R.Berg (R.Bếch) viết: "Tới năm 1982 - sau nhiều năm tuyên truyền liên tục mà hầu như không có tiếng nói chống đối nào được phép đến với đại chúng - trên 70% dân chúng vẫn coi cuộc chiến "căn bản là sai lầm, phi đạo đức", không chỉ là "một lỗi lầm". Mỹ đã dính sâu vào nỗ lực của Pháp để tái chiếm thuộc địa cũ của họ. Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp định Genève (Giơ-ne-vơ) năm 1954, dựng lên ở miền nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, đã giết có lẽ khoảng 70.000 "Việt cộng", gây nên phong trào kháng chiến mà từ năm 1959 được sự ủng hộ của nửa miền bắc bị tạm thời chia đôi bởi Hiệp định Genève mà Mỹ phá ngầm.
Trong hai năm 1961-1962, Tổng thống Kennedy (Ken-nơ-đi) phát động cuộc tiến công vào làng mạc nam Việt Nam với các cuộc thả bom trải rộng, thuốc khai quang thuộc chương trình được thiết kế để lùa hàng triệu người dân vào ấp chiến lược để họ được bảo vệ bởi những lính gác, dây thép gai, khỏi quân du kích mà Mỹ thừa nhận rằng được dân ủng hộ. Mỹ khẳng định đã được mời đến, song như tờ Nhà kinh tế Luân Ðôn nhận định chính xác "một kẻ xâm lăng là một kẻ xâm lăng trừ phi được mời bởi một chính phủ hợp pháp". Mỹ chưa bao giờ coi những tay sai mình dựng lên là có quyền hợp pháp như vậy, và thật ra Mỹ thường thay đổi những chính phủ này khi họ không có đủ thích thú trước sự tiến công của Mỹ hay tìm kiếm một sự dàn xếp trung lập được mọi phía ủng hộ nhưng bị coi là nguy hiểm cho những kẻ xâm lăng, vì như vậy là phá ngầm căn bản cuộc chiến của Mỹ chống nam Việt Nam. Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Ðông Dương".
Như trên tôi đã trình bày, từ "chiến tranh ủy nhiệm" không thích hợp, vì chỉ đúng với một phía: Mỹ ủy nhiệm nam Việt Nam làm tiền đồn chống Cộng cho Mỹ, nhưng Liên Xô và Trung Quốc không ủy nhiệm cho Việt Nam kháng chiến chống Pháp, cũng như không ủy nhiệm cho Việt Nam gây chiến với Mỹ và chống Mỹ để bành trướng chủ nghĩa Cộng sản như nhiều người ngộ nhận. Thật vậy, đa số nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đều công nhận rằng thuyết Domino (Ðô-mi-nô) của Mỹ là sai… Trong cuộc chiến 30 năm, Việt Nam chỉ ở trong thế bắt buộc để tự vệ trong mục đích giành độc lập và thống nhất nước nhà mà tôi tin rằng tuyệt đại đa số người dân Việt Nam khao khát, lẽ dĩ nhiên không thể không có sự trợ giúp từ bên ngoài, của các nước bạn…
Tôi tự biết, có thể tôi đã "lội ngược dòng" truyền thông hải ngoại, nhưng với tinh thần khoa học tôn trọng sự thực, dù đau lòng cách mấy tôi cũng không thể bán rẻ lương tâm để tự dối lòng viết lên những điều mà tôi biết rằng sai. Như chúng ta đã biết, cuộc can thiệp của Mỹ, hay nói đúng hơn là cuộc xâm lăng của Mỹ vào Việt Nam, đã gây nên một cuộc chiến tàn khốc trên khắp đất nước, thực chất là một sai lầm căn bản và phi luân. Một số nhỏ người Mỹ, đa số người Việt Nam thuộc chế độ cũ, vẫn cho rằng sự can thiệp của Mỹ bắt nguồn từ một ý định tốt. Nhưng qua ngay tài liệu của Lầu năm góc và của các bậc trí thức cũng như các bậc lãnh đạo tôn giáo có uy tín trên nước Mỹ thì đó là điều không thực. Ngay cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng R.McNamara (R.Mắc Na-ma-ra) cũng phải thừa nhận cuộc chiến Việt Nam là một sự sai lầm của Mỹ…
Như vậy, mọi lý luận dựa trên những "nếu", "tại vì" để biện minh cho cuộc xâm lăng của Mỹ vào Việt Nam đều trở thành vô giá trị. Ðể kết luận, xin dịch một đoạn trong cuốn Nhìn lại Việt Nam: những bài học từ một cuộc chiến, một cuốn sách của nhiều tác giả với những quan điểm về mọi khía cạnh cuộc chiến. Tôi hy vọng đoạn này giúp hiểu thực chất cuộc chiến ở miền nam và tại sao Mỹ không thắng, và đây là điều một cựu quân nhân Mỹ viết lại khi từng tham dự cuộc tiến công vào một làng: "Trong làng chỉ có vài dân làng và vài gia súc. Một người đàn bà đang kêu khóc và nguyền rủa chúng tôi khi chúng tôi đi qua. Tôi không hiểu bà nói gì. Không phải những lời khen tặng. Tại sao bà ta lại hét vào mặt tôi? Tôi đến từ mười sáu ngàn cây số, đi trong mưa dầm, sức nóng vùng nhiệt đới, cánh đồng lúa, sông ngòi, lội bùn đến hông, ngã lên ngã xuống, bị mọi thứ sâu bọ cắn, luôn luôn mệt mỏi, bị tiêu chảy, sống bằng thức ăn mà tôi không cho cả chó ăn, bị bắn, phục kích, bị ném lựu đạn… để giải thoát bà ta - mà bà ta lại đang đứng kia nhổ vào mặt tôi, nguyền rủa tôi? Một tiếng nói thì thầm trong óc tôi. Nó nói rằng: "Này, ngươi, người đàn bà này cóc cần biết là ngươi cao quý như thế nào khi đến từ ngàn dặm để giải thoát bà ta khỏi Cộng sản; tất cả bà ta biết là nhà ngươi, hay là người nào đó giống ngươi, vừa mới đốt nhà bà ta. Nhà ngươi có thể gọi đó chỉ là cái nhà tranh và cười vì nó không có cửa, nhưng đó là nhà của bà ta và nó vừa bị đốt cháy, bất kể là vì lý do cao quý nào. Ðó là tại sao bà ta đang nguyền rủa nhà ngươi cũng như tổ tiên ba đời nhà ngươi. Vì chính ngươi, chứ không phải những người cộng sản, vừa mới đốt nhà bà và hủy diệt tất cả những gì đáng quý trong đời của bà"...
(★) Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.
TRẦN CHUNG NGỌC

Nhận xét