Quốc Vinh
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo[1]. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo, được đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong nước và các tổ chức quốc tế đồng tình hưởng ứng và thừa nhận[2]. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng, Nhà nước ta vừa tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các tôn giáo hoạt động, phát triển bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, một số thế lực thù địch, một số bộ phận đã lợi dụng tôn giáo để thực hiện các hoạt động nhằm trục lợi cá nhân và chống phá sự nghiệp cách mạng.
Thủ đoạn của chúng là dựa vào đặc điểm về địa lý; khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội các vùng dân tộc, tôn giáo để phát triển tín đồ tôn giáo, hình thành và phát triển “tôn giáo mới”, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền núi, vùng có đạo và không có đạo còn có sự chênh lệch. Các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, địa bàn có vị trí chiến lược nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn. Đây là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch phát triển tôn giáo. Theo thống kê từ năm 1980 đến nay, nước ta có khoảng 80 “tôn giáo mới”, hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo với nhiều nguồn gốc khác nhau: Tà đạo Hà Mòn, Pơkhăp Brâu, Dương Văn Mình, “Tâm linh Hồ Chí Minh”, Long Hoa Di Lặc, Hội thánh Đức chúa trời mẹ,... cái gọi là “tôn giáo” này hình thành trên cơ sở tiếp thu giáo lý của các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống với hình thức lắp ghép hỗn dung và thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng của tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống. Trong đó, nhiều tôn giáo được tổ chức nhằm lôi kéo, tập hợp quần chúng nhân dân chống phá cách mạng, gây rối trật tự, an ninh xã hội, như: “Tà đạo Vàng chứ”, “Hội thánh đức chúa trời mẹ”, “Pháp luân công”. Nguy hiểm hơn chúng còn lôi kéo, lập ra một số loại hình tôn giáo riêng cho người dân tộc thiểu số, như: “Tin lành Đề ga” ở Tây Nguyên; “Phật giáo riêng của người Khơme”,… nhằm “tôn giáo hóa” vùng dân tộc thiểu số, tập hợp lực lượng, khống chế quần chúng, kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị - xã hội, hình thành lực lượng đối trọng với chính quyền và cao hơn là gây mâu thuẫn, xung đột dân tộc, tôn giáo tại các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ tiến tới phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, chúng ta cần tỉnh táo với các biểu hiện tuyên truyền, lôi kéo, thành lập các “tôn giáo mới”, đồng thời chủ động nhận diện vạch rõ bản chất, dã tâm và các hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của các đối tượng. Góp phần củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân./.
[1] - Tính đến năm 2018, cả nước có 42 tổ chức tôn giáo thuộc 15 tôn giáo khác nhau (Phật giáo, Hồi giáo, Baha’i, Công giáo, Tin lành, Mặc môn, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu, Bà la môn và Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn) được Nhà nước công nhận.
[2]- Trong bản Báo cáo về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng khu vực ASEAN năm 2017, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) đã thừa nhận Việt Nam là quốc gia tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhận xét
Đăng nhận xét