Viển vông và lố bịch

TƯ NGUYÊN
Từ chục năm nay, đã vài lần các địa chỉ truyền thông của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam cùng nhau hớn hở cứ như vớ được vàng khi loan tin Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý được đề cử trao Giải Nobel Hòa bình!
Mỗi lần như thế là họ thi nhau kể lể “thành tích”, ca ngợi Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý như “siêu nhân”, và kèm theo là đủ loại luận điệu vu cáo Nhà nước Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí. Hiềm một nỗi, tí tởn vậy song sau khi Giải Nobel Hòa bình được công bố, không mảy may thấy bóng dáng của Thích Quảng Độ hay Nguyễn Văn Lý ló dạng là lập tức họ chưng hửng, rồi cùng nhau im phăng phắc! Tới gần đây từ BBC, RFA,… đến đủ loại trang mạng, facebook của họ lại la liệt tin Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được một ông ất ơ nào đó đề cử để được trao Giải Nobel Hòa bình, và tất cả lại như lên đồng vì sung sướng!
Theo di nguyện của A. Nobel - người lập giải thưởng, thì Giải Nobel Hòa bình dành trao cho tổ chức, cá nhân “đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang, trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình”. Theo đó, nếu thật sự cầu thị, những người đề cử Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hẳn phải thấy rõ ràng mấy người họ đề cử hoàn toàn không có bất cứ hoạt động gì liên quan di nguyện của A. Nobel, cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến nhân loại, nên khả năng được trao giải là bằng “0”! Nhưng họ vẫn đề cử và đề cử xong là tự sướng, vì vừa được thỏa mãn nhu cầu thắng lợi tinh thần, lại vừa vớ được cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam.
Cũng cần nói rằng, việc họ tùy tiện đề cử còn có lý do là mặc dù ý nguyện của A. Nobel như vậy, nhưng trong lịch sử của nó, Giải Nobel Hòa bình từng có một số sự kiện khiến dư luận lo ngại. Trên thực tế, quy định người có quyền đề cử là người từng được nhận giải, thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, giáo sư đại học (của một số chuyên ngành nhất định), các thẩm phán quốc tế và các cố vấn đặc biệt của Ủy ban giải thưởng, đã tạo kẽ hở để một số người đưa ra đề cử chưa hẳn là thiện chí, như năm 1935 hai vị giáo sư người Đức và người Pháp đã đề cử B. Mussolini - trùm phát-xít ở Italia; năm 1939, một nghị sĩ Thụy Điển lại đề cử A. Hitler - trùm phát-xít ở Đức. Thậm chí có người nhận Giải Nobel Hòa bình năm trước thì năm sau lại chỉ đạo binh sĩ dưới quyền đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy của nhân dân Philippines chống quân đội nước ngoài chiếm đóng; có người sau khi nhận giải đã phát động chiến dịch tiến công một số nước tại Trung Đông… Trong khi đó, một số người nổi tiếng vì yêu hòa bình, yêu công lý, suốt đời phấn đấu cho các giá trị cao đẹp của loài người như M. Gandhi (1869-1948, người Ấn Độ), C. Chávez (1927-1993, người Mỹ),… lại không được trao giải. Cũng chính vì số người có tư cách đề cử Giải Nobel Hòa bình rất đông nên danh sách đề cử hằng năm khá lớn (như năm 2016 có 376 đề cử, năm 2017 có 318 đề cử), vì thế như kẻ ngủ mơ giữa ban ngày và tương tự như họ từng đề cử Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, việc người ta mơ tưởng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ được trao Giải Nobel Hòa bình cũng chỉ là viển vông và lố bịch!

Nhận xét