Chuyển đến nội dung chính

Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ



QĐND - TỐI 2-6, TẠI HÀ NỘI, NHÂN DỊP KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC, BỘ QUỐC PHÒNG (BQP) TỔ CHỨC GẶP MẶT ĐẠI BIỂU ANH HÙNG LLVT NHÂN DÂN, ANH HÙNG LAO ĐỘNG, ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN VÀ CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU NHÂN CHỨNG-NGHỆ THUẬT "MÃI MÃI XỨNG DANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ”.

Đến dự chương trình có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng BQP; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT); Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Chủ nhiệm TCCT; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm TCCT, Trưởng ban Tổ chức chương trình.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên QUTƯ; đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, TCCT; lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chính trị các đơn vị đầu mối trực thuộc QUTƯ, BQP; cá nhân điển hình tiên tiến (ĐHTT) toàn quân.
Những gương sáng quả cảm, phi thường
Chưa đến 19 giờ, nhưng trước tiền sảnh Hội trường BQP, các anh hùng, cựu chiến binh (CCB) ngực lấp lánh huân chương, huy chương và các ĐHTT đã tề tựu, vui vẻ trò chuyện, giao lưu và đón xem Chương trình giao lưu nhân chứng-nghệ thuật "Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đại úy Phạm Tuân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dào San (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) cho biết: "Được về tham dự chương trình giao lưu là vinh dự lớn đối với tôi, đồng thời là cơ hội để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ…".
Đúng 20 giờ, sân khấu Hội trường BQP bừng sáng. Liên khúc hát múa “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Những bông hoa thi đua”, do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Quân đội biểu diễn tạo không khí vui tươi, phấn khởi, với lòng thành kính, biết ơn dâng lên Bác Hồ kính yêu.
Một tiết mục văn nghệ tại buổi gặp mặt. Ảnh: Tuấn Huy.

70 năm trước, ngày 11-6-1948, đúng thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc trên cả nước, để động viên mọi lực lượng tích cực tham gia kháng chiến kiến quốc. Từ khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiến hành 9 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, tạo nên sự lan tỏa rộng khắp của phong trào đến mọi ban, bộ, ngành, địa phương, cán bộ và nhân dân...
Trong thời chiến cũng như thời bình, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam luôn thấm nhuần, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Tham gia chương trình giao lưu, mọi người rất khâm phục, tự hào khi được biết nhiều hơn về Anh hùng LLVT nhân dân Ngô Văn Tân, người thủy thủ trẻ tuổi nhất có mặt trên chuyến tàu Phương Đông 1 vượt biển ra Bắc nhận vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Chính con tàu này đã mở ra một phương thức vận chuyển mới, trên tuyến đường huyền thoại-Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Các anh hùng và ĐHTT tham gia giao lưu trong chương trình. Ảnh: Tuấn Huy.

Xuất hiện trong chương trình giao lưu có một phụ nữ không chỉ cao tuổi nhất mà còn là hiện thân của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”. Đó là nữ du kích, Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Tám (xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Hình ảnh của bà gắn với câu chuyện đội nữ du kích Hoàng Ngân “dùng đòn gánh đánh Tây” trong kháng chiến chống Pháp. Bà Tám tâm sự: “Ước mơ lớn nhất của tôi lúc bấy giờ là độc lập, tự do, mong lập nhiều chiến công để được cấp trên tin cậy giao phó, diệt thêm được nhiều địch, thu được nhiều vũ khí, lương thực để tiếp tục chiến đấu lâu dài. Tôi tích cực tham gia cách mạng và công tác phụ nữ, nuôi đàn con thơ, động viên chồng tái ngũ giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt nhất (năm 1968), và anh đã hy sinh… Khó khăn bộn bề, nhưng tôi luôn cố gắng vượt qua”.
Tiếp nối xứng đáng truyền thống, chiến công
Tham gia chương trình giao lưu có nhiều gương mặt điển hình tiêu biểu trong quân đội. Mỗi người công tác ở một lĩnh vực khác nhau, nhưng họ đều có một điểm tương đồng, đó là lòng dũng cảm, sự hy sinh và nhân văn, nhân hậu.
Trung tá Ngô Hồng Sơn, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân, hiện là phi công cấp 1, với 1.528 giờ bay tích lũy. Anh đã bay trên nhiều loại máy bay trong các điều kiện khí tượng, bay ngày và đêm. Có năm, anh và đồng đội từng bay cấp cứu cả ngày 30 Tết, hoặc cất cánh ngay sau bão, đi cứu người dân ở xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa). Tổ bay đã trải qua 60 phút bay dưới mây trong khi trời mưa to trên biển, gió rất lớn. Anh Sơn chia sẻ: “Tôi và tổ bay quyết định bay trong mây và bay xuống thấp ở độ cao chỉ 150m so với mặt biển để giảm bớt độ rung lắc, giúp bệnh nhân đỡ mệt hơn”.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng hoa chúc mừng các anh hùng và ĐHTT.

Còn với Đại úy Nguyễn Thái Dũng, Thuyền trưởng tàu CSB 9001, Hải đội 301, Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3, Bộ tư lệnh CSB Việt Nam thì không bao giờ quên lần cứu 12 ngư dân đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) trong điều kiện sóng to, gió lớn. Với anh và đồng đội, cứu dân là “mệnh lệnh từ trái tim”. 
Nếu Chuẩn đô đốc, Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là vị “thuyền trưởng” có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đã vững vàng “chèo lái” con tàu Tân Cảng Sài Gòn trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, thì nhiều sĩ quan trẻ lại ghi dấu ấn trong nâng cao chất lượng huấn luyện, làm tốt công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ tập tục lạc hậu, vận động đưa trẻ em đến trường. Điển hình, như: Thiếu tá Danh Kim Huôl, người Khmer, nguyên Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang); Trung tá Vũ Văn Hiệp, trợ lý Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Gìn giữ hòa bình, BQP; Trung úy QNCN Nguyễn Bá Hạnh, Đội Chống khủng bố 12, Lữ đoàn Đặc công 113, Binh chủng Đặc công... Dù trên giảng đường, ngoài bãi tập; trực tiếp huấn luyện, nghiên cứu khoa học... cán bộ, chiến sĩ cũng luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn trở thành những tấm gương điển hình để toàn quân noi theo, như: Thượng tá Bùi Thị Lộc, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Trung sĩ Hoàng Xuân Trường, học viên Tiểu đoàn 3, Trường Sĩ quan Chính trị...  
Nhiều năm qua, Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là người chèo lái “con thuyền 108” đi tới nhiều thành công trong y học cũng như cứu chữa bệnh nhân. Mới đây, bệnh viện đã triển khai thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời là trường hợp lấy-ghép đa tạng, điều phối vận chuyển và ghép đa tạng xuyên Việt lịch sử cho 6 bệnh nhân tại 3 bệnh viện ở hai miền Nam-Bắc. Cuối năm 2017, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan nguyên phát và một số bệnh lý tiêu hóa, gan mật”, do Trung tướng Mai Hồng Bàng và 18 đồng tác giả thực hiện.
Chương trình giao lưu khép lại, nhưng với các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ toàn quân, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vang vọng mãi: “Mục đích của thi đua ái quốc là gì? Chính là "Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm…"
Chiến tranh đã lùi xa, Việt Nam được thế giới biết đến là một đất nước hòa bình, thân thiện, mến khách, nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức, đòi hỏi Bộ đội Cụ Hồ phải tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước, Thi đua Quyết thắng trên mọi lĩnh vực, nhiệm vụ, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
TRỊNH DŨNG

Nhận xét