CÓ PHẢI GIAI CẤP CÔNG NHÂN KHÔNG CÒN SỨ MỆNH LỊCH SỬ?



                                                                                       Kiên Trung
Một trong những vấn đề mà kẻ thù của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn lớn tiếng tuyên bố rằng học thuyết giá trị thăng dư đã lỗi thời, từ đó suy luận rằng: giai cấp công nhân không còn bị bóc lột nữa, rằng ngày nay đại bộ phận giai cấp công nhân đã trung lưu hóa, cho nên công nhân áo xanh không còn đại biểu cho lực lượng sản xuất hiện đại, rằng đại biểu cho nền kinh tế tri thức, cho nền văn minh tin học, cho xã hội thông tin, cho xu thế phát triển của lịch sử chỉ có thể là tầng lớp trí thức, do đó vai trò lãnh đạo xã hội, sứ mệnh lịch sử phải thuộc về trí thức.
Không ai có thể phủ nhận một thực tế là chủ nghĩa tư bản hiện đại so với chủ nghĩa tư bản thời C.Mác đã có những thay đổi lớn, bởi vậy khái niệm về giai cấp công nhân cùng không còn nguyên vẹn như trước nữa. Trước đây, giai cấp công nhân được hiểu là những người lao động làm thuê gắn liền với nền sản xuất đại công nghiệp cơ khí. Ngày nay nhân loại đã, đang chứng kiến một cuộc cách mạng mới trong khoa học và công nghệ hiện đại, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,… làm biến đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, do đó khái niệm giai cấp công nhân cũng được mở rộng nội hàm của nó, bao gồm những người lao động thuộc đủ loại ngành nghề vả lĩnh vực khác nhau, cả trong nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất lẫn dịch vụ, v.v.. có quan hệ trực tiếp với quá trình sản xuất hiện đại. Mặt khác, người đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất trong giai đoạn hiện nay của thời đại chúng ta là một giai cấp công nhân hiện đại đang không ngừng biến đổi cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và thành phần, cả về lĩnh vực hoạt động và tính chất lao động.
Tuy nhiên, dù biến đổi như thế nào thì cái chung, cái bản chất của giai cấp công nhân mà chủ nghĩa Mác phân tích và khái quát vẫn không thay đổi. Dù chủ nghĩa tư bản có hiện đại hóa như thế nào thì giai cấp công nhân vẫn là lực lượng sản xuất tiên tiến, cơ bản của xã hội hiện đại, vẫn là giai cấp bị bóc lột giá trị thặng dư. Tuy năng suất lao động tăng cao, đời sống vật chất của giai cấp công nhân có được nâng lên, nhưng tỷ suất giá trị thặng dư của nhà tư bản thì không hề giảm đi mà còn tăng lên không ngừng so với thế kỷ XIX, thế kỷ XX, cùng với cơ chế bóc lột tinh vi hơn, xảo quyệt hơn.
Vì vậy, dù ở đâu hay ở bất cứ thời điểm nào, sự phát triển của giai cấp công nhân cũng vẫn luôn có cơ sở vững chắc trong các sự phát triển của lực lượng sản xuất, của các tiến bộ khoa học và công nghệ, nó luôn được cuộc sống chứng minh và thực tiễn khẳng định. Đặc biệt là ở các nước tư bản phát triển, khi những mâu thuẫn gay gắt của xã hội tư bản không thể giải quyết bằng chính bản thân chế độ ấy, thì vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân ở đấy càng phải gánh trách nhiệm năng nề. Tương lai của loài người sẽ vẫn như C.Mác đã dự đoán là xây dựng một xã hội mà tự do của mỗi người là điều kiện của sự phát triển tự do của tất cả mọi người, một xã hội công bằng, nhân đạo, con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công và mọi sự tha hóa. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra và tiếp tục tạo ra những tiền đề cơ bản, những nhân tố chủ yếu cho việc thực hiện con đường cách mạng của xã hội tương lai ấy. Giai cấp công nhân, nhân dân lao động, lực lượng tiên phong của xã hội có sứ mệnh thực hiện sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó.

Nhận xét