ĐẢNG PHẢI LO “TƯƠNG CÀ MẮM MUỐI” CHO NHÂN DÂN



Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta” (Hồ Chí Minh – Toàn tập; NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2000, tập 10, tr.4). Chăm lo cho đời sống của nhân dân được ấm no, hạnh phúc – đó là khát vọng suốt đời cháy bỏng và vô cùng cao đẹp của Bác Hồ.
Có chuyện kể rằng: Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) để bầu Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) và quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị đang họp thì có đoàn đại biểu nhân dân địa phương đến chào mừng. Đồng bào bị thực dân và phong kiến bóc lột đến xương tủy, nên ai nấy đều tiều tụy. Đáng thương nhất, là mấy em bé gầy gò, vàng vọt, ở truồng, đi theo người lớn. Bác Hồ bế một cháu, mắt Bác ngấn lệ. Bác nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, áo ấm, được đi học, không phải lam lũ mãi như thế này!”.
Ngày 13/6/1955, tại Hội nghị sản xuất, cứu đói, Bác căn dặn các cán bộ, đảng viên: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. (…). Cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. (…). Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, sđd., tập 7, tr.572). Tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, ngày 10/4/1956, Bác nói: “Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy, là không đúng” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, sđd., tập 8, tr.150).
Mùa hè năm 1960, một số cán bộ, nhân viên ở Phủ Chủ tịch được “đi nghỉ mát” với Bác ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Thật ra, Bác muốn nhân dịp này trực tiếp tìm hiểu đời sống của nhân dân. Bác và những người giúp việc cải trang như những người dân thường, đến một xóm chài, hỏi chuyện một vài cụ già về đời sống và tình hình hợp tác xã ở địa phương. Sau đó Bác bảo các đồng chí giúp việc cùng xuống biển kéo rùng (một dụng cụ đánh bắt cá biển – ĐNĐ) với bà con. Bác đội mũ, lấy khăn che kín râu, mặc quần đùi nên ngư dân không ai nhận ra. Thấy một “cụ già” mải mê làm việc, bà con rất vui. Bác hỏi chuyện một lão ngư dân thì được biết đồng bào ở đây bị ban chủ nhiệm HTX ăn bớt công điểm. Tối hôm ấy, Bác cho gọi một cán bộ lãnh đạo tỉnh đến, rồi kể lại chuyện đó. Bác nhắc nhở: “Dân làm việc vất vả thì phải cho dân hưởng chứ! Sao lại ăn bớt của dân?” (Báo Pháp luật Việt Nam, số 139, ra ngày 11/6/2007).
Ở phiên họp Hội đồng Chính phủ cuối năm 1966, Bác nhấn mạnh: “Trong công tác lưu thông phân phối, có hai điều quan trọng phải luôn luôn nhớ: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng/ Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên” (Hồ Chí Minh – Toàn tập, sđd., tập 12, tr.185).
Những câu chuyện Bác Hồ gần gũi với nhân dân, yêu thương và quan tâm hết mực đến đời sống của nhân dân, thật không thể nói hết được.
Thật đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
(Bác ơi!)
Ngày nay, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đã từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ nhân dân các vùng núi, vùng sâu vùng xa trên khắp đất nước gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy, đọc lại những câu chuyện gần dân, thương dân của Bác và suy ngẫm những lời dạy ân cần của Người đối với cán bộ, đảng viên về việc chăm lo cho đời sống nhân dân, lo đến cả “tương cà mắm muối” cho nhân dân – thiết nghĩ có nhiều ý nghĩa thiết thực và bổ ích.
(ĐÀO NGỌC ĐỆ - Giảng viên chính – Đại học Hải Phòng)
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, văn bản

Nhận xét