PHẢI CHĂNG Ở VIỆT NAM THỰC HIỆN KINH TẾ NHIỀU THÀNH PHẦN SẼ TẤT YẾU CHUYỂN SANG CHẾ ĐỘ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA




Tg: Vĩnh Chân

Ở Việt Nam, cơ sở kinh tế - xã hội của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Cơ sở kinh tế - xã hội ấy không phải để quá độ sang chủ nghĩa tư bản mà nhằm phát triển lực lượng sản xuất, đi đôi với xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp, nhằm mục đích là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối. Sự lựa chọn này là hoàn toàn dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn khoa học ở những lý do chủ yếu sau:

Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm kinh tế của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của các nước trên thế giới nói chung và  ở Việt Nam nói riêng.
Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định lịch sử xã hội loài người đã trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội; từ xã hội này sang xã hội kia bao giờ cũng có một thời kỳ chuyển tiếp gọi là thời kỳ quá độ. Thời kỳ này dài hay ngắn tùy thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, thời kỳ quá độ là giai đoạn thấp, chủ nghĩa cộng sản chưa phát triển trên cơ sở của chính nó mà đó là thời kỳ còn đan xen của các kết cấu kinh tế - xã hội cũ và mới: “Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang nhiều dấu vết mà nó lọt lòng ra”[1].
Tiếp tục phát triển những tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin tiếp tục khẳng định thời kỳ quá độ chuyển tiếp từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, nhưng khác với C.Mác, thời kỳ này nằm ngoài giai đoạn thấp mà Lênin gọi là chủ nghĩa xã hội và giai đoạn cao là chủ nghĩa cộng sản, đồng thời thừa nhận giai đoạn này (thời kỳ quá độ) chưa phải là chủ nghĩa xã hội. Đó là thời kỳ đan xen các kết cấu kinh tế - xã hội cũ chưa mất đi, chưa bị đánh bại hẳn và kết cấu kinh tế - xã hội mới vừa ra đời còn non yếu. “Vậy danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng thừa nhận là có”[2].
Với Việt Nam, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa “Tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”[3]. Hơn nữa, Việt Nam quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến nên trong kết cấu kinh tế của thời kỳ quá độ chắc chắn còn có những mảnh, những bộ phận của kết cấu kinh tế trước chủ nghĩa tư bản.
Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu của quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra quy luật kinh tế cơ bản của mọi thời đại kinh tế đó là: “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu không tuỳ thuộc vào ý muốn của họ, tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất vật chất của họ”[4]Vì vậy, không thể tự ý xoá bỏ một hình thức quan hệ sản xuất khi mà lực lượng sản xuất tương ứng với nó đang còn sức sống, đang còn là một tất yếu kinh tế với sự phát triển xã hội. Các ông cho rằng: sự thay thế quan hệ sản xuất này bằng một quan hệ sản xuất khác cao hơn là quá trình lịch sử tự nhiên, nghĩa là phải tuân thủ qui luật khách quan.
V.I.Lênin trong “Chính sách Kinh tế mới” đã có sự phát triển ông cho rằng: chỉ xoá bỏ tư hữu tư bản, không xoá bỏ tư hữu nói chung; sở hữu của nông dân, thợ thủ công không cần xoá bỏ mà còn phải tận dụng nó. Bước đi, không tiến hành ồ ạt, mà tiến hành từng bước: “Thôi không dùng phương pháp xung phong nữa, mà phải dùng các hình thức quá độ”. Và xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất đã được thực hiện dưới nhiều hình thức như quốc hữu hoá, chuộc lại, xây dựng mới.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp và phát triển không đồng đều giữa các ngành, các vùng, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, tương ứng với nhiều trình độ phát triển của lực lượng sản xuất sẽ có một kiểu quan hệ sản xuất dựa trên hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Theo đó, về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, xét về phương diện kinh tế - xã hội, phải là một cơ cấu gồm nhiều thành phần kinh tế mới phản ánh đúng quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, điều đó bảo đảm cho lực lượng sản xuất phát triển.
Thứ ba, các thành phần kinh tế đều là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân thống nhất, có vai trò tác dụng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát thấp về kinh tế, sản xuất nhỏ là chủ yếu, phân công lao động chưa phát triển, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, mất cân đối. Tiềm năng của đất nước phong phú, đa dạng nhưng chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Trong khi đó, yêu cầu giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân tiếp tục đặt ra yêu cầu rất lớn. Vì vậy, việc thực hiện nền kinh tế đa sở hữu, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi thành phần kinh tế phục vụ mục tiêu quốc kế dân sinh là phù hợp. Đồng thời, sự tồn tại của các thành phần kinh tế còn tạo động lực để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là phương thức để giải quyết hài hòa lợi ích của các chủ thể kinh tế.
Thứ tư, phát triển nền kinh tế đa sở hữu, nhiều thành phần kinh tế còn là thể hiện sự dân chủ hóa về kinh tế, tạo nền tảng vật chất để thực hiện dân chủ hóa các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
 Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền dân chủ của mọi công dân, trong đó có quyền dân chủ về kinh tế. Theo đó, mọi công dân đều có quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức kinh tế, hay tham gia một thành phần kinh tế cụ thể tùy theo khả năng, điều kiện thực tế của mỗi người. Nhà nước khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức tự do phát triển sản xuất kinh doanh không hạn chế về quy mô, trình độ, địa bàn hoạt động ở tất các các ngành, lĩnh vực có lợi cho quốc kế dân sinh mà pháp luật không cấm. Đồng thời, khuyến khích sự hợp tác, liên kết, liên doanh giữa các thành phần kinh tế để hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng nhằm tăng cường sức mạnh và hiệu quả kinh tế trong các hoạt động kinh tế, định hướng các thành phần kinh tế tự giác đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả thì cơ cấu kinh tế nhiều thành phần còn nảy sinh không ít vấn đề cần khắc phục đó là, xu hướng tự phát tư bản chủ nghĩa. Ở khía cạnh khác, sự tác động của tư bản nước ngoài và các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đang lôi kéo, thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Hơn nữa, các thành phần kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường là điều kiện mà các chủ thể kinh tế dễ chạy theo lợi nhuận, xa rời các mục tiêu xã hội, phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội…
Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhận thức được nguy cơ, thách thức chệch định hướng xã hội chủ nghĩa và đã có nhiều chủ trương, giải pháp để các thành phần kinh tế vừa vận hành theo cơ chế thị trường vừa được định hướng và dẫn dắt bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội trên cả ba mặt của quan hệ sản xuất là sở hữu tư liệu sản xuất, tổ chức quản lý và phân phối. Vì vậy, không thể nói rằng chấp nhận phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế là quá độ sang chủ nghĩa tư bản./. 



[1] C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, tập 19, tr. 33.
[2] V. I. Lênin toàn tập, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1978, tập 43, tr. 248.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 84.
[4] C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, tập 13, tr. 14, 15.

Nhận xét