NUÔI DƯỠNG TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC TỪ MỖI GIA ĐÌNH


Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta chứng minh sức mạnh to lớn của lòng dân. Đó là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng.
Vào tuổi 81, NSND Thế Anh quyết định bán căn nhà ông đã sinh sống cùng gia đình hơn 40 năm nay tại TP Hồ Chí Minh. Hỏi lý do thì ông bảo, khuôn viên nhà chật chội, không đủ để trưng bày hàng nghìn hình ảnh, hiện vật về lịch sử điện ảnh nước nhà mà ông dày công sưu tầm từ thời trai trẻ đến nay. Ông bán căn nhà này để mua hai căn hộ chung cư; căn nhỏ để vợ chồng an hưởng tuổi già, căn lớn hơn để làm phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật về điện ảnh. Với ông, đó là gia tài lớn nhất để lại cho con cháu và khán giả yêu mến điện ảnh, yêu mến Thế Anh qua những vai diễn…
Chuyện của NSND Thế Anh khiến tôi nhớ đến những hình ảnh, ấn tượng đẹp tương tự mà mình đã bắt gặp ở nhiều gia đình. Chỉ riêng các quận trung tâm TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều gia đình như vậy. Có thể kể đến, như: Gia đình cố Thượng tướng Trần Văn Trà; gia đình cố GS, TS Trần Văn Khê; Nhà sử học Nguyễn Nhã; Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nghĩa; Đại tá Trương Văn Đàng; doanh nhân Trần Thu Hồng… và hàng trăm, hàng nghìn gia đình trên khắp mọi miền đất nước. Đó là những gia đình, dòng họ có đóng góp to lớn cho cách mạng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa nghệ thuật, quốc phòng, an ninh... Sau ngày đất nước thống nhất, bằng nhiệt huyết cách mạng, họ đã sưu tầm, gìn giữ những hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử, trong đó có nhiều tài liệu lịch sử quý giá được hiến tặng các bảo tàng. Đó là "cẩm nang" vô giá nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống vẻ vang của dân tộc gắn với gia đình, dòng họ cho con cháu và thế hệ tương lai. Hình ảnh, hiện vật lịch sử được trưng bày, bảo quản ở vị trí trang trọng nhất trong mỗi gia đình. Đặc biệt, có những cựu chiến binh dành một phần khuôn viên để xây dựng đền thờ liệt sĩ, thờ cúng đồng đội đã hy sinh. Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, những công trình nghiên cứu về chủ quyền quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc… được trân quý, giữ gìn từ chiếc nôi của đời sống gia đình. Nó có giá trị như những “bảo tàng” tại gia. Sợi dây truyền thống, giá trị lịch sử văn hóa từ mỗi gia đình, dòng họ chính là tế bào kết tinh nên truyền thống của quốc gia, dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh, xây đắp tình đoàn kết, lòng yêu nước, là cội nguồn sức mạnh của toàn dân.
Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta chứng minh sức mạnh to lớn của lòng dân. Đó là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng. Đó cũng chính là nhân tố làm nên bản sắc Việt Nam khiến bạn bè quốc tế trân trọng, nể phục, là niềm tự hào to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…
Đất nước đã thống nhất 43 năm. Càng ngày, lịch sử càng đi sâu vào độ lùi của thời gian. Thế hệ hôm nay và mai sau chỉ biết đến truyền thống vẻ vang của đất nước, của Đảng và nhân dân ta thông qua sử sách. Bên cạnh môi trường văn hóa, giáo dục của xã hội, nhà trường, việc nuôi dưỡng truyền thống từ "chiếc nôi" gia đình, dòng họ là vô cùng quý báu và quan trọng. Thế nên có những gia tộc, dù đã định cư ở nước ngoài đến thế hệ thứ tư, thứ năm, nhưng vẫn giữ vững nền nếp gia phong, vẫn luôn coi tổ tiên, nguồn cội là tình cảm thiêng liêng nhất.
Thời gian qua, ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động giao lưu, trưng bày hình ảnh, hiện vật truyền thống gia đình gắn với lịch sử dân tộc. Đó là việc làm thiết thực, tri ân những gia đình tâm huyết với truyền thống cách mạng, đồng thời để những hiện vật lịch sử, giá trị văn hóa vật thể từ "chiếc nôi" gia đình có môi trường kết nối, giao thoa, lan tỏa trong môi trường văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Nuôi dưỡng truyền thống cách mạng từ mỗi gia đình là cách để hun đúc niềm tự hào, khơi nguồn sức mạnh nội sinh cho con cháu, góp phần “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
(PHAN TÙNG SƠN)

Nhận xét