NHẬN THỨC ĐÚNG QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN BÁO CHÍ VÀ QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY



Tiên phong
Quyền Tự do ngôn luận báo chí và Quyền Tiếp cận thông tin là quyền cơ bản, quan trọng của cá nhân được quy định trong nhiều Công ước quốc tế về quyền con người. Ở Việt Nam, Quyền con người được hiến định trong các Hiến pháp, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013. Thế nhưng trong thời gian gần đây, trên trang mạng Dân luận và một số báo chí phương Tây đã phát tán bản lên tiếng về quyền được nói và nghe sự thật. Văn bản này do những tổ chức xã hội mạng phi pháp và một số cá nhân tự xem mình là người bất đồng chính kiến ký. Điều đáng chú ý là một số trang mạng và cá nhân ở nước ngoài như Hoa Kỳ, Canada, Australia vì thiếu thông tin hay vì một lý do nào khác đã vội hùa theo bản lên tiếng về quyền được nói và nghe sự thật, mà về bản chất là sự xuyên tạc phủ nhận quyền tự do ngôn luận báo chí, internet ở Việt Nam.
Pháp luật Việt Nam cũng như các quốc gia khác, quyền bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ. Hiến pháp và nhiều bộ luật Việt Nam đã quy định rõ ràng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, kể cả sử dụng mạng xã hội và quyền tiếp cận thông tin… Cho đến nay, ở Việt Nam có hàng triệu người đã và đang sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm chính trị, giá trị xã hội một cách công khai. Hơn nữa, mạng xã hội còn được Nhà nước Việt Nam đánh giá là một điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 dành cả một chương (Chương II ) quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Chương này, không chỉ quy định đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân mà còn quy định những nguyên tắc cơ bản về quyền con người. Những nguyên tắc đó bao gồm: 1) Nguyên tắc về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, trong đó Nhà nước có nghĩa vụ, người dân là chủ thể của quyền; 2) Nguyên tắc hạn chế quyền (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… (Điều 25) có thể bị hạn chế “vì lợi ích an ninh quốc gia, trật tự xã hội…”.
Thời gian qua, nhiều “tuyên ngôn”, “tuyên bố”, “thư ngỏ” gửi cơ quan, tổ chức, các đồng chí lãnh đạo... thực chất là thủ đoạn chính trị xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo; phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; kích động hận thù dân tộc; phá hoại quan hệ quốc tế của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bởi vậy hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên và người dân cần hiểu rõ, nắm vững các quy định của pháp luật về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin; nâng cao tinh thần cảnh giác với những thủ đoạn tung tin ảo trên mạng xã hội, tránh tình trạng vô tình trở thành người vi phạm pháp luật, phá hoại chế độ.

Nhận xét