MỘT ĐẢNG CẦM QUYỀN KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ DÂN CHỦ



Vừa qua, trên trang mạng xã hội, Phạm Trần đã có một số bài viết xuyên tạc, bóp méo về dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó “mũi nhọn” tập trung tấn công vào “nhất nguyên, nhất Đảng ở Việt Nam sẽ là vừa đá bóng, vừa thổi còi và vì thế dẫn đến dân chủ hình thức hoặc mất dân chủ”. Đó là quan điểm sai trái hòng nói xấu, hạ uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Với tư cách là hình thức chế độ chính trị của đất nước, dân chủ xuất hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước, nên không bao giờ có một thứ dân chủ “thuần tuý”, dân chủ bao giờ cũng mang bản chất giai cấp sâu sắc. Chế độ đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ, chế độ một đảng không phải là nguyên nhân của không có dân chủ. Cái gốc để bảo đảm dân chủ hay không dân chủ là tư liệu sản xuất nằm trong tay ai.
Thực tiễn đã minh chứng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa với chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất tạo ra những tiền đề khách quan để chuyển biến từ nền dân chủ tư sản sang dân chủ xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Hướng đến xã hội chủ nghĩa là hướng đến một nền dân chủ tiến bộ và hoàn thiện. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thực hiện được bằng con đường thiết lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với toàn thể xã hội thông qua đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản với cơ sở xã hội rộng lớn là quảng đại nhân dân lao động và mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng lao động, giải phóng xã hội và giải phóng con người mới có khả năng đảm bảo dân chủ cũng như các lợi ích căn bản khác của đông đảo quần chúng lao động.
Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở các nước tư bản, xét về thực chất cũng là dựa trên cơ sở nhất nguyên chính trị vì tất cả các đảng cánh hữu đều nhằm phục vụ giai cấp tư sản.
Ở Việt Nam, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất, là quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Dân chủ trong Đảng gắn chặt với dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó không phải là ý chí chủ quan về chính trị mà là một tất yếu khách quan của lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, là người đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, không một đảng phái hoặc một lực lượng chính trị nào có thể đưa ra được cương lĩnh, đường lối cho cách mạng Việt Nam, có thể đồng thời giải quyết hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa.
Với những thắng lợi của cách mạng Việt Nam giành được trong hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vững bước trên con đường dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…
Thực tiễn đó là câu trả lời với Phạm Trần là: Đảng Cộng sản Việt Nam đủ sức đảm đương vai trò là lãnh tụ chính trị của xã hội, của dân chủ mà không cần có một lực lượng đối lập nào. Việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam không có sự cần thiết khách quan cho việc hình thành chế độ đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị. Một đảng cầm quyền không có nghĩa là không có dân chủ./.

Nhận xét