Hòa hợp, hòa giải dân tộc – chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta



Hòa hợp, hòa giải dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc trong truyền thống văn hóa hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Điều này, bác bỏ mọi xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng, Nhà nước ta bắt nguồn từ những giá trị nhân văn trong chiều sâu văn hóa, truyền thống của dân tộc. Đó là truyền thống đoàn kết, đùm bọc, nương tựa nhau của những người có chung cội nguồn con Lạc, cháu Hồng: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, v.v. Đó còn là truyền thống nhân ái, vị tha, hòa hiếu của dân tộc đối với những người lầm đường lạc lối, “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”. Tiếp nối truyền thống nhân văn ấy, Đảng ta luôn nhất quán, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; trong đó, lấy những giá trị nhân văn tốt đẹp của dân tộc làm điểm tựa để hòa hợp, hòa giải và được cụ thể hóa thành những nội dung phù hợp trong từng giai đoạn cách mạng.
Những năm kháng chiến, Đảng ta chủ trương lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ để đoàn kết, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược. Sau khi Tổ quốc thống nhất, chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng, Nhà nước ta đã khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình thân gia đình, dòng họ để xóa đi mặc cảm, hận thù, định kiến; dần khỏa lấp những khác biệt trong suy nghĩ và hành động hướng đến đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới, bám sát thực tiễn, Đảng, Nhà nước ta đã kịp thời có các chủ trương, chính sách mới về hòa hợp, hòa giải dân tộc. Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW “Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Nghị quyết 24-NQ/TW “Về công tác dân tộc”, Nghị quyết 25-NQ/TW “Về công tác tôn giáo”. Đây là những nghị quyết quan trọng, thể hiện tư duy mới, cách nhìn đúng đắn và quyết định các nội dung cơ bản tạo điều kiện cho những bước đột phá trong công tác hòa hợp, hòa giải. Đặc biệt, Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” đã chỉ rõ: cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội XII của Đảng một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán đó và nhấn mạnh: “tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”1. Đó là những định hướng chiến lược thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc; làm cơ sở thống nhất về nhận thức, tư tưởng, tổ chức, chính sách để tạo nên những bước đột phá mới trong đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc. Điều ấy cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, Đảng, Nhà nước ta không có tư tưởng hòa hợp, hòa giải dân tộc mà luôn chia rẽ đoàn kết dân tộc.
Chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng, Nhà nước ta đã lan tỏa tình nhân ái, yêu thương con người, xóa bỏ hận thù. Hậu quả của hơn 30 năm chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thật khó có thể nói hết về những vết thương vẫn âm ỉ đau bởi những xung đột, mâu thuẫn trong chính mỗi con người, mỗi gia đình Việt. Hơn 20 năm đấu tranh để xóa bỏ hoàn toàn sự chia cắt lãnh thổ đất nước, nhưng đã sau hơn 40 năm việc nỗ lực hàn gắn lòng người vẫn rất gian truân. Vẫn còn hàng triệu người, hàng ngàn gia đình trong nước và nước ngoài mang trong mình nỗi đau ly tán do hậu quả của chiến tranh; nhiều người còn mang nặng tâm lý của kẻ thất bại, hằn học, định kiến với đất nước, v.v. Với lòng chân thành và trách nhiệm lịch sử, Đảng, Nhà nước ta đã nỗ lực, từng bước làm lành vết thương của dân tộc do hậu quả chiến tranh để lại. Chúng ta không phủ nhận, do điều kiện khách quan lịch sử, có lúc hòa hợp và hòa giải tiến triển chậm và gặp nhiều khó khăn, ở đâu đó vẫn còn tiếng hờn giận, oán sầu, v.v. Tuy nhiên, từ giữa những năm 80 (thế kỷ XX) đến nay, bằng nhiều chính sách, việc làm thiết thực, thể hiện lòng chân thành, khoan dung, nhân ái của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, như: những người tham gia học tập, cải tạo được trở về đoàn tụ với gia đình; thực hiện Chương trình “Ra đi có trật tự” cho khoảng 25 vạn người sum họp gia đình, 09 vạn con lai đi định cư ở nước ngoài, v.v. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người còn định kiến với Nhà nước và chế độ; qua đó, khơi dậy tinh thần dân tộc và tạo điều kiện để họ được trở về quê hương. Đặc biệt, đã có bước đột phá trong tiếp xúc, thuyết phục các đối tượng chống đối và tổ chức cho một số đối tượng về nước để họ trực tiếp chứng kiến, nhìn nhận khách quan về sự đổi thay của đất nước mình. Nhiều hoạt động thiết thực, như: trợ giúp bà con tìm kiếm, cải táng hài cốt người thân chết trong thời gian cải tạo; dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương),… đã dần xóa đi đau thương, sự mặc cảm của một thời quá khứ chiến tranh. Nhà nước ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước, để bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Nhờ đó, nhiều kiều bào ta đã hiểu rõ hơn về đất nước, dần xóa bỏ mặc cảm, định kiến, hận thù, đoàn kết, gắn bó cùng nhau trên con đường hòa hợp, đoàn kết bền vững.
Từ chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc mà Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới lợi ích của người dân về đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa. Lòng nhân ái, thương xót con người thôi chưa đủ, mà tình thương ấy phải trở thành khát vọng và hiện thực về cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn cho nhân dân. Thực tiễn cho thấy, thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa cũng chính là cầu nối quan trọng để hòa hợp, hòa giải đi vào thực chất. Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử; đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng nước nghèo kém phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nền kinh tế đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về thể chế, quy mô, tốc độ và chất lượng tăng trưởng; gắn kết hài hòa phát triển văn hóa với xây dựng con người mới, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ tài nguyên, môi trường ngay trong từng bước phát triển. Trong xã hội, những tư tưởng phân biệt đối xử đã dần được thay thế bởi tư tưởng hội nhập, dân chủ, cởi mở. Đảng, Nhà nước ta đã thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đóng góp của kiều bào đối với những văn kiện quan trọng, như: dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, Luật Quốc tịch năm 2008 sửa đổi, Hiến pháp năm 2013, v.v. Nhiều kiều bào trở thành đại biểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các địa phương. Tại nhiều địa phương cũng đã thành lập các hội liên lạc, Hội Thân nhân kiều bào; triển khai nhiều biện pháp, hình thức xã hội hóa trong vận động, huy động nhiều thành phần tham gia, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính cho kiều bào, v.v. Đồng thời,  thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật để nâng cao đời sống văn hóa, gắn kết đồng bào xa quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào. Những loại hình, tác phẩm nghệ thuật có giá trị đích thực đã được công nhận, nhiều nghệ sĩ hải ngoại trở về quê hương sinh sống và hoạt động nghệ thuật, được công chúng đón nhận.
Công tác gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào được tăng cường với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Đáng chú ý là việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thí điểm Đề án “Đẩy mạnh công tác tiếng Việt đối với người Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020”, nhằm đa dạng hóa các hình thức tổ chức, nội dung và loại hình hoạt động giữ gìn, truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào. Nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của kiều bào cũng được quan tâm hơn với nhiều hoạt động phong phú, như: hỗ trợ, giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi hoằng pháp tại nhiều nước châu Âu, cử các vị chức sắc chủ trì, làm công tác Phật sự tại một số chùa ở châu Âu, Đông Nam Á, v.v. Công tác thông tin, tuyên truyền đối với cộng đồng kiều bào được đẩy mạnh; các cơ quan báo chí và truyền thông luôn coi trọng công tác tuyên truyền đối với kiều bào thông qua nhiều kênh thông tin, như: VTV4, VTC10, Truyền hình Thông tấn xã, các trang mạng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành và địa phương, v.v. Qua đó, chuyển tải những thông tin chính xác, kịp thời về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta và tình hình đất nước để bà con kiều bào hiểu và nhìn nhận sát thực, khách quan, góp phần xóa bỏ những hoài nghi, băn khoăn, tạo sự yên tâm, phấn khởi và tin tưởng vào sự phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, củng cố thêm niềm tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài, hướng về cội nguồn quê hương, thu hút ngày càng nhiều sự đóng góp đối với sự phát triển của đất nước và địa phương trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, từ thiện xã hội, giáo dục, y tế, v.v.
Hòa hợp, hòa giải là ước vọng chính đáng của đại đa số người Việt Nam trong nước và sinh sống ở nước ngoài. Đây là điều kiện cần thiết cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Trên thực tế, chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã đạt những kết quả quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, như Bác Hồ đã từng nói: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”2. Vì thế, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, làm lan tỏa giá trị nhân văn trong chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta để cảm hóa, đoàn kết mọi người dân Việt Nam cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh.
ThS. NGUYỄN ĐỨC THỊNH và NGUYỄN CÔNG THẮNG
___
____________
1 - ĐCSVN -Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 158, 159.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập,Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 280, 281.

Nhận xét