Dân túy - căn bệnh nguy hiểm cần nhận diện và ngăn chặn, đẩy lùi


ĐỒNG TÌNH VỚI NỘI DUNG BÀI VIẾT "CHỦ NGHĨA DÂN TÚY VÀ NHỮNG CẢNH BÁO ĐỐI VỚI VIỆT NAM" CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN THƯỞNG, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG. DƯ LUẬN CHO RẰNG, ĐÂY LÀ BÀI VIẾT THỂ HIỆN SỰ NHẠY CẢM CHÍNH TRỊ SÂU SẮC VÀ TRÁCH NHIỆM CAO TRƯỚC YÊU CẦU, ĐÒI HỎI CHIẾN LƯỢC TRONG QUẢN LÝ, GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN ĐẢNG VIÊN, XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CŨNG NHƯ ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN XÃ HỘI...


Sự nhạy cảm chính trị sâu sắc
Đọc bài báo “Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam” của đồng chí Võ Văn Thưởng đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 15-5, tôi thấy đây là một sự nhạy cảm chính trị sâu sắc của người đứng đầu cơ quan làm công  tác tư tưởng của Đảng. Chủ nghĩa dân túy ra đời ở Mỹ và Nga cuối thế kỷ 19, tuy nhiên hiện nay hiện tượng chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy mạnh ở một số nước châu Mỹ, châu Âu và châu Á.
Điều đáng nói là sự trỗi dậy này gây phương hại không nhỏ cho một số quốc gia và tổ chức quốc tế. Ở Việt Nam, đã xuất hiện một số biểu hiện của chủ nghĩa dân túy: Những người cơ hội chính trị ở Việt Nam đang thông qua các thủ đoạn chính trị mị dân để phê phán sự lãnh đạo của Đảng, kích động sự bất bình của nhân dân, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; giữa quân đội, công an và nhân dân. Họ tập hợp, lôi kéo một số quần chúng gây nên những hành động cực đoan, vô chính phủ, gây mất ổn định chính trị-xã hội.
Đáng chú ý là thông qua một số hoạt động vận động bầu cử, họ đưa ra những phát ngôn dân túy, những kiến nghị vô trách nhiệm để đạt được những nấc thang quyền lực; thậm chí cả những tuyên bố, thỉnh nguyện trái với Hiến pháp và đường lối, quan điểm của Đảng nhưng họ lại núp dưới danh nghĩa “hợp lòng dân”, tạo ra sự đối lập, dù với Đảng ta, ý Đảng-lòng dân luôn là một. Đứng trước thực trạng này, việc cảnh báo của đồng chí Võ Văn Thưởng là rất kịp thời và cần thiết.
Hiện nay chúng ta đang tập trung đấu tranh, khắc phục 27 biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, đồng thời chúng ta cũng phải thật tỉnh táo để nhận diện các biểu hiện của chủ nghĩa dân túy thông qua các phát ngôn, hành động dân túy để kịp thời đấu tranh ngăn chặn. Cảnh báo của đồng chí Võ Văn Thưởng đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ trên mặt trận tư tưởng hơn lúc nào hết phải kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nòng cốt là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận...
Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng ta đang thực hiện đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, tăng cường công khai dân chủ, minh bạch, đẩy mạnh đối thoại thì chúng ta càng phải tỉnh táo để phát hiện những biểu hiện lợi dụng dân chủ nhằm thực hiện các thủ đoạn chính trị mị dân.
PGS, TS ĐÀO DUY QUÁT, Nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương

Cảnh giác những người “mua chuộc” lòng dân nhằm đánh bóng tên tuổi
Bài viết “Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam” của đồng chí Võ Văn Thưởng có những gợi ý, cảnh tỉnh, cảnh báo về hiện tượng chủ nghĩa dân túy, rất đáng để cán bộ, đảng viên chúng ta, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Có thể nói rằng, chủ nghĩa dân túy là biểu hiện của những kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng lòng tin ngây thơ của quần chúng để thực hiện những dụng ý, động cơ cá nhân. Thời gian qua, có một số người trong xã hội (thường có địa vị, có học hàm, học vị, vốn sống) đã triệt để tận dụng các trang mạng xã hội, các tờ báo điện tử đăng đàn, diễn ngôn, phát ngôn nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Những người này có đặc điểm chung là hoạt ngôn, có tài hùng biện và khả năng viết lách, “lập ngôn” khá tốt, dễ bắt mắt người đọc, người nghe. Tuy nhiên, những thông tin họ đưa ra thường viện dẫn triết lý này nọ, có điều đúng đắn, hợp lý, song cũng không ít điều “mờ mờ ảo ảo”, dễ làm “mụ mị” đầu óc những người nhẹ dạ cả tin.
Đối với các chính khách, học giả, tìm kiếm và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của người dân là cần thiết, nhưng không nên làm bằng mọi giá. Với những chính khách, học giả chân chính, bao giờ họ cũng thu hút sự quan tâm của người dân bằng một thái độ chân thành, hiểu biết, nói đi đôi với làm, hứa ít làm nhiều, làm đến nơi đến chốn để thuyết phục lòng tin của nhân dân. Còn nếu ai đó muốn lấy lòng dân bằng cách a dua quần chúng, theo đuôi đám đông mà không có chính kiến rõ ràng, không đứng trên lập trường cách mạng và bản lĩnh chính trị vững vàng, thì đó là một biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. Đấy là chưa kể tình trạng một số cán bộ hứa nhiều làm ít, hứa suông, thậm chí hứa hão trước nhân dân nhưng không làm đến nơi đến chốn, thì cũng là biểu hiện “mị dân”. Vì vậy, chúng ta rất cần tỉnh táo, sáng suốt để nhận biết, phân biệt được đâu là những người vì dân đích thực, đâu là những kẻ tìm mọi cách “mua chuộc” lòng dân chỉ nhằm đánh bóng tên tuổi của mình hay thực hiện một ý đồ cá nhân nào đó./.
Đại tá, TS NGUYỄN HỮU PHÚC, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị

Nhận diện và đấu tranh với chủ nghĩa dân túy là hết sức cần thiết
Chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa xã hội dân túy là một biến dạng của chủ nghĩa xã hội không tưởng tiểu tư sản. V.I. Lênin gọi phái “dân túy” là kẻ thù công khai của phong trào cách mạng Nga. Cũng như chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam không có cơ sở kinh tế, chính trị-xã hội để tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa”, nó chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng không thành hệ thống lý luận và biểu hiện ở phát ngôn, hành động vụn vặt của một số người, nhưng sức nguy hiểm của các quan điểm, tư tưởng này là không nhỏ.
Tôi đồng tình với quan điểm trong bài viết của đồng chí Võ Văn Thưởng, song xin được bổ sung một số khía cạnh nhận diện chủ nghĩa dân túy về mặt tư tưởng như sau: Núp dưới ngọn cờ “tự do phê bình”, “đổi mới tư duy lý luận”, chủ nghĩa cơ hội, xét lại đòi xem xét toàn bộ những nguyên lý, quy luật, phạm trù cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới. Họ cho rằng, giai cấp tư sản đã thay đổi bản chất, biết chung sống hòa bình với giai cấp công nhân, nên quan điểm đấu tranh giai cấp của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, phải “chung sống hòa bình trong ngôi nhà chung”. Họ yêu cầu từ bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, muốn quay về chế độ dân chủ nhân dân, chủ nghĩa xã hội dân chủ…Về những biểu hiện cụ thể thì dân túy thể hiện qua phong cách làm việc giả tạo, mị dân, kích động nhân dân, triệt tiêu trách nhiệm và nghĩa vụ công dân...
Để đẩy lùi những biểu hiện dân túy, trước hết phải xây dựng lập trường, sự kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ để có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, phong cách làm việc sâu sát, gần dân nhưng không xa rời nguyên tắc, tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách làm việc. 
TS HÀ SƠN THÁI, Quận Hà Đông, TP Hà Nội 

Luôn giữ gìn danh dự của Đảng và niềm tin của nhân dân thì sẽ đẩy lùi dân túy
Đọc bài viết cảnh báo về chủ nghĩa dân túy của tác giả Võ Văn Thưởng, tôi rất đồng tình. Tôi cho rằng, việc chống chủ nghĩa dân túy cũng là việc cần làm để bảo vệ danh dự của Đảng, để xây dựng phẩm chất, nhân cách của người đảng viên cộng sản chân chính. Bảo vệ danh dự của Đảng phải bắt nguồn từ việc gìn giữ, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng. Niềm tin đó phải được bảo vệ như ngọc trong đá, như con ngươi của mắt mình. Để làm được điều đó thì lãnh đạo cấp cao phải tự ý thức để làm sao mỗi lời nói, hành động gắn liền với nhau, nói đi đôi với làm, để cho nhân dân thấy được vai trò, hiệu quả công tác của cán bộ; cho dân thấy, dân yêu. Tôi cho rằng, tuyệt đối không nên mị dân với những tiểu tiết đánh bóng cá nhân. Lãnh đạo cao cấp càng phải tự chăm lo bản thân mình nhưng chăm lo bằng sự gương mẫu, bằng kết quả hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải bằng lời nói suông... Không mị dân theo những áp lực không đúng truyền thống và bản chất.
Danh dự của Đảng và niềm tin của dân như môi với răng, là hai mặt quan hệ biện chứng. Luôn tâm niệm danh dự và niềm tin đó thì mỗi cán bộ, đảng viên sẽ biết sửa mình, không sa vào chủ nghĩa dân túy.
Nhà văn, Cựu chiến binh NGUYỄN VĂN THỌ

Cán bộ có tinh thần đổi mới phải chấp nhận va chạm
Đọc bài viết của tác giả Võ Văn Thưởng, tôi rất đồng tình vì đây cũng là vấn đề tôi quan sát, theo dõi ở Việt Nam từ lâu. Tác giả đã nêu lên thực trạng đáng suy nghĩ cần phải được chấn chỉnh. Điều này khiến tôi nhớ đến phát biểu của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khi sang Việt Nam tham gia tư vấn, ông nói: “Cải cách không ai phản đối là cải cách tồi”. Trong câu nói này có đề cập đến thực tế người ta xử lý công việc nửa vời, không triệt để để bảo đảm sự an toàn. Đã là đổi mới, cải cách thì phải đấu tranh với cái cũ, cái lạc hậu và nghĩa là có sự va chạm lợi ích, không thể được lòng tất cả mọi người. Những sự e ngại ấy là biểu hiện của chủ nghĩa dân túy. Thế nên về bản chất chủ nghĩa dân túy là phản cải cách, đổi mới.
Người lãnh đạo phải đủ tầm và có kiến thức, phương pháp giải thích cho dân hiểu và chia sẻ những việc cải cách, đổi mới, những việc thường đòi hỏi phải hy sinh một số lợi ích ngắn hạn. Người phương Tây thường nói: “Không có bữa trưa miễn phí”. Không hy sinh gì cả thì làm sao có được những điều tốt hơn trong tương lai? Nhưng những người dân tuý thường không làm gì. Họ khuyến khích người dân giữ chặt những gì đang có và thậm chí quay lại với những thứ đã lạc hậu. Họ lợi dụng tâm lý ít muốn thay đổi, sợ thay đổi của người dân.
Chống chủ nghĩa dân túy thì cán bộ phải dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, thậm chí chấp nhận va chạm, kể cả có lúc có nơi mất lòng một bộ phận cục bộ người dân vì lợi ích chung, nhưng sẽ được đông đảo nhân dân đồng thuận. Cùng với đó thì chống dân túy còn ở chỗ phải xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, đề cao kỷ cương phép nước chứ không thể dễ dãi, tùy tiện, không gắn với trách nhiệm công dân…
TS LƯƠNG HOÀI NAM, Chuyên gia hàng không

Theo QĐND

Nhận xét