CẢNH GIÁC VỚI MƯU ĐỒ PHỦ NHẬN HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ CỦA C.MÁC



                                                                                         Kiên Trung
Sáng tạo ra học thuyết giá trị thăng dư, C.Mác đã làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh tế - chính trị học, chỉ ra quy luật vận động kinh tế của xã hội tư bản, vạch trần “bí mật” của chế độ tư bản là bóc lột giá trị thặng dư do sức lao động của những người lao động làm thuê tạo ra. Bóc lột giá trị thặng dư là bản chất và mục tiêu của chủ nghĩa tư bản, là đầu mối của mọi mâu thuẫn đối kháng giữa tư bản và lao động, là vấn đề không thể giải quyết được trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ph.Ăngghen cho rằng, việc phát hiện ra học thuyết giá trị thặng dư là công lao vĩ đại nhất của C.Mác. Nó chiếu sáng rực rỡ lên những lĩnh vực kinh tế mà trước kia những nhà xã hội chủ nghĩa cùng mò mẫm trong bóng tối không kém gì những nhà kinh tế học tư sản. Chủ nghĩa xã hội khoa học bắt đầu từ ngày có giải đáp đó, và nó là điểm trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Nhưng từ khi ra đời cho đến nay, học thuyết giá trị thặng dư cũng là một trong những trọng điểm mà kẻ thù của chủ nghĩa Mác và các thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội tập trung xuyên tạc, bóp méo nhất. Họ cố tình lý giải theo “cách riêng của mình” rằng, chính máy móc tạo ra giá trị, còn sức lao động của người công nhân nếu được trả công sòng phẳng đúng với giá trị của anh ta thì nhà tư bản không có cái gọi là bóc lột công nhân mà họ chỉ làm giàu chính đáng nhờ bóc lột máy móc. Ở đây, mánh khóe của họ là muốn phủ nhận học thuyết giá trị thăng dư, vì nếu đúng như thế thì lý luận của Mác còn có ý nghĩa gì.
Thực chất, luận điệu này cũng không có gì mới mẻ. Ngay từ sớm, chính C.Mác đã chỉ ra rằng: Cũng như mọi bộ phận cấu thành khác của tư bản bất biến, máy móc không tạo ra một giá trị nào cả, nhưng nó chuyển giá trị của bản thân nó vào sản phẩm mà nó được dùng để chế tạo ra. Dĩ nhiên, C.Mác hiểu rất rõ rằng máy móc càng tinh xảo, kỷ thuật càng hiện đại thì năng suất lao động càng cao, sản phẩm lao động càng nhiều. Nhưng dù máy móc có vai trò quan trọng đến đâu đi chăng nữa cũng không tự nó chuyển được giá trị vào sản phẩm, chứ chưa nói đến việc tạo ra giá trị mới. Máy móc dù hiện đại như thế nào, muốn phát huy tác dụng đều phải thông qua lao động sống của con người, lao động đó gồm cả trí lực và thế lực, lao động sáng tạo, có mục đích của con người.
Theo C.Mác, không bao giờ máy móc có thể chuyển vào sản phẩm mới một giá trị nhiều hơn giá trị mà nó đã mất đi trong quá trình sản xuất. Nghĩa là, trong sản phẩm mới, giá trị của máy móc được “bảo toàn”, được “chuyển sang”, được “tái hiện”, và trở thành những bộ phận cấu thành “bất biến” của giá trị sản phẩm, chứ bản thân nó không tạo ra giá trị mới. Có thêm giá trị mới được tạo ra là do lao động của người công nhân đã bị kéo dài trong một thời gian nhất định, giá trị mới này gồm tiền công và giá trị thăng dư. Với những luận chứng rõ ràng, đầy sức thuyết phục, C.Mác đã làm rõ vấn đề hết sức cốt lõi: Lao động sống vừa bảo tồn được giá trị của máy móc trong sản phẩm mới, vừa tái sản xuất ra vật ngang giá trị với bản thân mình, và còn sản xuất ra một số dư là giá trị thặng dư. Và C.Mác kết luận: Chỉ có lao động sống mới là nguồn gốc của giá trị thặng dư.
Hiện nay, các học giả tư sản còn lập luận rằng: Quy luật giá trị thặng dư có thể tác động trong thời kỳ kinh tế công nghiệp, nhưng quy luật ấy không có tác dụng trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, thời đại kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế tri thức. Trước đây, giai cấp công nhân, người lao động bán sức lao động, nhưng ngày nay, họ không thể bán tri thức, trí tuệ được,… Ngày nay, làm ra giá trị không phải chủ yếu do lao động trực tiếp, bóc lột không phải do chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất, mà hình thức hiện nay, hình thức quan trọng hơn hết của tài sản lại là những thứ không thể trực cảm được. Nó là siêu tượng trưng, siêu ký hiệu, nó là tri thức, chất xám.
Thêm vào đó, các nhà kinh tế học tư sản hiện nay còn lập luận rằng: Trong học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác quá đề cao lao động cơ bắp và coi nhẹ hoặc không thấy hết vai trò của lao động trí lực, lao động quản lý trong quá trình tạo ra giá trị. Điều đó càng không đúng. Khi hỏi về lao động trừu tưựng, chính C.Mác đã chứng minh đó là sự hao phí về sức óc, thần kinh, cơ bắp. Không chỉ thế, Mác còn phân biệt rất rõ giữa lao động giản đơn và lao động phức tạp. Lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn, sản phẩm của một phút lao động phức tạp là một hàng hóa có giá trị cao hơn, thậm chí cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm của một giờ lao động giản đơn. Cũng chính vì đặc biệt coi trọng lao động trí tuệ nên C.Mác đã từng dự báo khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là một động lực của lịch sử, là một lực lượng cách mạng.
Những luận cứ, luận chứng và cách lập luận sâu sắc, lôgíc chặt chẽ,… thể hiện ở mỗi nguyên lý, mỗi luận điểm trong học thuyết giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác cho tới nay vẫn là chân lý được thực tiễn kiêm nghiệm. Những sáng tạo và phát triển của các thế hệ sau vẫn phải lấy học thuyết này của C.Mác đặt nền móng, làm cơ sở và điểm xuất phát. Và rất nhiều vấn đề còn nghi vấn, tranh luận xuất hiện xung quanh học thuyết của Mác cũng phải quay về, trở lại tìm sự gợi ý và chỉ dẫn của C.Mác và Ph.Ăngghen.

Nhận xét