Biểu tượng niềm tin của dân tộc Việt Nam mãi tỏa sáng


(TG) - Vào dịp tháng 5 hằng năm, trong khi nhân dân cả nước ta ai cũng mang trong mình lòng tôn kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già vĩ đại của dân tộc, thì vẫn có những tiếng nói lạc loài nhằm phủ nhận công lao của Bác Hồ. Thế nhưng, những chiêu trò bôi nhọ hàm hồ đó tự thân vô giá trị bởi từ lâu, Bác Hồ luôn là biểu tượng niềm tin bất tử của dân tộc Việt Nam.
Bác bỏ những lời xuyên tạc trắng trợn
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi gần nửa thế kỷ, nhưng Người còn sống mãi trong lòng dân Việt Nam và trong trái tim những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thời gian càng lùi xa, tên tuổi, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh càng tỏa sáng, bởi Người đã ghi một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, dưới con mắt của những kẻ hằn học, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bị đơm đặt, xuyên tạc, bôi nhọ với những câu từ vô văn hóa. Mới đây, một kẻ rêu rao rằng, Bác Hồ không chỉ là “một người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy”, mà còn vu cáo trắng trợn đời tư “Cụ Hồ cũng có nhiều vợ con”(!)…Chỉ là vài ba tiếng nói lạc lõng trên các trang mạng xã hội, nhưng những ý kiến xuyên tạc trên vô cùng nguy hiểm. Nó nguy hiểm ở chỗ không những nhằm hạ thấp, phủ nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, mà còn hạ bệ thần tượng Bác Hồ trong lòng dân Việt. Nhưng những lời lẽ xuyên tạc trắng trợn trên không bao giờ được người dân Việt Nam chấp thuận. Bởi lẽ…
Nhân cách cao thượng, đời tư trong sáng
Với tư cách là một người cộng sản Việt Nam đầu tiên tìm được ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biết gắn kết chặt chẽ, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân thế giới và chủ nghĩa yêu nước trong sáng. Là lãnh tụ cộng sản, nhưng Bác Hồ đã sớm nhận ra vị trí của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, do vậy, Người đã khéo léo tập hợp, tổ chức, phát huy được vai trò của giai cấp phong kiến, tầng lớp tư sản và tiểu tư sản trong nước để nhân lên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Đặc biệt, với tư duy nhạy bén, tầm nhìn sâu rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân các nước trên thế giới, kể cả các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình ở các nước thực dân đế quốc, để tạo thành sức mạnh thời đại to lớn nhằm thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam giành thắng lợi.
Với tấm lòng cao cả dành cho nhân dân, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự nguyện hy sinh tình yêu đôi lứa, gác lại chuyện tình cảm riêng tư để toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phụng sự đồng bào. Điều này đã được Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần với một thái độ rõ ràng. Ngay sau khi nước nhà được độc lập, trả lời các nhà báo nước ngoài, đầu năm 1946, Bác Hồ đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Tháng 11-1946, khi trả lời người anh trai Nguyễn Sinh Khiêm về việc riêng của mình, Bác Hồ nói rằng, “Em không phải là người tu hành nhưng vì việc nước quên việc nhà”. Tháng 1-1947, trong bức thư chia buồn khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, Bác Hồ viết: “Ngài biết đấy, tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”. Ngày 16-7-1947, đáp lại một số nhà báo nước ngoài hỏi về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ”.
Như vậy, trong vòng hai năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không dưới ba lần nói về lý do không lập gia đình. Sự việc này không chỉ thể hiện phẩm chất cá nhân vĩ đại của một con người đã dành trọn tâm huyết, hiến dâng trọn đời mình vì những lý tưởng, mục tiêu cao cả là giành được độc lập cho dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, mà còn khẳng định đời tư vô cùng trong sáng, nhân nghĩa, cao thượng của Bác Hồ.
Biểu tượng đẹp trong lòng dân Việt Nam và trái tim nhân loại
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, đất nước ta đã sản sinh nhiều anh hùng kiệt xuất, nhiều nhân vật tài ba lỗi lạc. Đã bao đời nay, một trong những đạo lý làm nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt là “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Bất cứ ai có công khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi, giữ gìn non sông, bảo toàn gấm vóc đều được người dân Việt tôn kính, thờ phụng. Từ các Vua Hùng có công dựng nước trong buổi bình minh lịch sử dân tộc, đến những anh hùng gắn liền với các sự kiện lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh… đều được nhân dân ta lập đền thờ ở nhiều nơi. Trong đó, các vị Quốc tổ Hùng Vương được thờ phụng ở hơn 1.400 di tích; “Đức thánh Trần” Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ phụng ở hơn 400 làng xã và di tích lịch sử tại nhiều địa phương.
Hiếm có nhân vật nào trong lịch sử hiện đại được các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền đất nước kính trọng, quý mến, ngưỡng mộ và tôn thờ như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi vì, như nhà thơ Bảo Định Giang từng viết “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong dân”. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có hơn 600 di tích, địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ tại gần 30 tỉnh, thành phố; 103 tượng và tượng đài Bác Hồ được xây dựng trong khuôn viên, trụ sở của các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc. Tên Người còn được nhân dân gắn vào những danh hiệu như “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Bộ đội Cụ Hồ”… mà ít có lãnh tụ chính trị, danh nhân văn hóa nào trên thế giới có được niềm vinh dự đó.
Là người đã “làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”, hình tượng Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng bất tận để các các văn nghệ sĩ sáng tác về Người. Sở hữu 26 ca khúc về Hồ Chí Minh, sinh thời, nhạc sĩ Thuận Yến từng lý giải rằng, viết về Bác là một tình cảm rất đỗi tự nhiên, bởi trong mỗi trái tim Việt chúng ta luôn sẵn có sự tôn kính, tình yêu thương, ngưỡng mộ và lòng biết ơn vô bờ bến đối với Bác. Còn theo nhà thơ Tố Hữu, được viết về Bác là một nhu cầu tự thân, bởi lẽ “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta” và “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Đến nay, đã có hàng nghìn bài thơ, bài hát viết về hình tượng Hồ Chí Minh.
Không chỉ nhân dân Việt Nam, với tấm lòng yêu mến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhiều nhạc sĩ nước ngoài cũng đã “cất lên tiếng nói con tim mình” bằng những bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh. Đó là các ca khúc: “Bài ca về đồng chí Hồ Chí Minh” (Vladimir Fere, Nga), “Hát mừng Bác Hồ vĩ đại” (Suphat Mukhophathiai, Ấn Độ), “Inolvidable Ho Chi Minh” (Alí Primera, Venezuela), “Jose Marti Hồ Chí Minh” (Armando Cardoso, Cu Ba), “Quyền sống trong hòa bình” (Víctor Jara, Chile), “Thầy giáo Bác Hồ” (Pete Seeger, Mỹ), “Bài ca Hồ Chí Minh” (Ewan MacColl, Anh), “Hồ Chí Minh” (Kurt Demmeler, Đức)…
Cùng với những lời ca ca ngợi về Hồ Chí Minh, nhiều nước trên thế giới cũng đã có những công viên, vườn hoa, trường học mang tên Hồ Chí Minh. Thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, đến nay tượng và tượng đài Bác Hồ đã có mặt ở gần 20 nước hầu khắp các châu lục, đó là: Nga, Pháp, Anh, Hungary, Lào, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Mông Cổ, Cu Ba, Chile, Mexico, Argentina, Sri Lanka, Dominicana,…
Những dẫn chứng trên thêm một lần khẳng định, tên tuổi Hồ Chí Minh không những in đậm trong lòng dân Việt Nam, mà còn nằm trong tình cảm, niềm tin của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Bởi vậy, cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sĩ cả nước tự nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng không ngoài đích để hoàn thiện nhân cách bản thân và góp phần hiện thực hóa những mục tiêu, lý tưởng cao cả của Bác Hồ đã để lại cho các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau.
Thế nên, những kẻ nào đó còn cố tình xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh cũng như phủ nhận công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành vi trái đạo lý, vô lương tâm vì đã làm tổn thương nghiêm trọng đến biểu tượng niềm tin bất khả xâm phạm của dân tộc và nhân dân Việt Nam; đồng thời làm tổn hại đến uy tín, danh dự Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vì tổ chức này đã từng vinh danh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam./.
Nguyễn Văn Hải

Nhận xét