NGĂN CHẶN KỊP THỜI MẦM MỐNG NẢY SINH VÀ SỰ XÂM NHẬP CHỦ NGHĨA CƠ HỘI, XÉT LẠI TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY


                                                                                       Niềm Tin
           Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại trong lý luận phải  phát hiện, ngăn chặn những loại tư tưởng này từ những mần mống nảy sinh ra nó. Một trong những tiền đề cho nảy sinh chủ nghĩa cơ hội, xét lại là tư tưởng thực dụng trong xã hội hiện nay. Mặt trái của  kinh tế thị trường cuốn hút nhiều người ta chạy theo lợi ích vật chất, trực tiếp, trước mắt rất mạnh mẽ. Điều đó phù hợp với quan niệm của chủ nghĩa thực dụng coi cái có lợi chung chung là chân lý. Từ quan niệm thực dụng dễ làm nảy sinh tư tưởng thỏa hiệp. Từ thỏa hiệp để có lợi ích vật chất tạo đà cho trượt đến sự thỏa hiệp về chính trị, tư tưởng. Khi đã thỏa hiệp về chính trị thì sẽ từng bước nhượng bộ cho chủ nghĩa cơ hội, xét lại phát triển và chấp nhận sự đầu hàng chủ nghĩa tư bản. Thất bại của các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Đông Âu có một nguyên nhân cơ bản là không ngăn chặn có hiệu quả tư tưởng thực dụng ngay bên trong để dẫn đến tính cơ hội, sự thỏa hiệp một cách toàn diện và đến xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, trượt vào quỹ đạo chủ nghĩa tư bản.  Khắc phục những dấu hiệu của tư tưởng thực dụng từ mặt trái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay là một phương diện, một biện pháp đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cơ hội, xét lại từ mần mống nảy sinh ra nó ngay bên trong xã hội hiện nay.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội xét lại là chủ động làm vô hiệu hóa quan điểm về giải thể, hòa đồng hệ tư tưởng hiện nay. Đấu tranh phê phán ở mặt này là phải chỉ ra, khắc phục mặt trái  xu thế mở cửa, giao lưu, hội nhập văn hóa có tính toàn cầu với tính cách là tiền đề cho nảy sinh chủ nghĩa cơ hội, xét lại hiện nay. Mặt trái của xu hướng mở cửa, giao lưu, hội nhập về văn hóa là tiền đề cho suy luận của loại quan điểm cơ hội xét lại. Cần hiểu, tính hiện thực của xu hướng này luôn hàm chứa tính hai mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là tạo cơ hội cho mỗi dân tộc có thể tiếp thu những tinh hoa văn hóa của dân tộc khác trong làm giàu giá trị văn hóa của mình. Tiêu cực của xu hướng này là dễ làm cho văn hóa của một dân tộc thành bản sao của văn hóa của dân tộc khác. Nhìn nhận quá trình này như vậy thì mới khách quan và biện chứng. Trong xu hướng mở cửa, giao lưu, hội nhập về văn hóa vẫn còn nguyên vẹn nội dung, tính chất của đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và như vậy thì không thể mất tính giai cấp trong hệ tư tưởng. Việc suy luận đơn thuần theo hướng tiêu cực và rút ra kết luận có tính siêu hình là mất tính giai cấp trong hệ tư tưởng, trong văn hóa là sai lầm và phản động. Vạch ra tính chất siêu hình trong suy luận đó để quần chúng nhân dân hiểu và không bị sa ngã về tư tưởng. Trong thực tiễn phải kết hợp giữa khắc phục tác động tiêu cực, phát huy tác động tích cực  thì mới làm vô hiệu hóa sự xâm nhập chủ nghĩa cơ hội, xét lại có hiệu quả.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại là phải từ khắc phục sự thiên lệch tương quan giữa phát triển tri thức khoa học cơ bản với tri thức khoa học ứng dụng, khoa học cụ thể trong mỗi con người hiện nay. Thế hệ trẻ hiện nay bị cuốn hút vào tri thức các khoa học ứng dụng, khoa học cụ thể, khoa học liên quan trực tiếp đến ngành nghề có thu nhập cao. Vị thế tri thức khoa học cơ bản, khoa học lý luận chính trị đang bị xem nhẹ trong đời sống tinh thần xã hội. Xu hướng này biểu hiện một phương diện của tư tưởng cơ hội, đồng thời tạo tiền đề cho nảy sinh và mở đường cho sự  xâm nhập chủ nghĩa cơ hội, xét lại vào trong xã hội ta. Khi con người hấp dẫn với tri thức khoa học cụ thể cũng có nghĩa đã ẩn dấu một khía cạnh của “chủ nghĩa thực chứng mới” và dễ  đi đến tính cơ hội, thực dụng. Khắc phục xu hướng đó thì phải khôi phục, chấn hưng lại vị thế của khoa học cơ bản, khoa học lý luận chính trị thì mới ngăn chặn từ gốc cho sự nảy sinh và xâm nhập tư tưởng của chủ nghĩa, cơ hội, xét lại. V. I. Lênin chỉ rõ: Vấn đề là làm cho toàn bộ khoa học xã hội, nghĩa là toàn bộ những khoa học được gọi là khoa học lịch sử và triết học phù hợp về cơ sở duy vật chủ nghĩa và xây dựng lại khoa học xã hội phù hợp với cơ sở đó”[1]. (Chấn hưng vị thế khoa học lý luận chính trị và khoa học cơ bản phải bằng sức thuyết phục, sự tôn vinh trong tuyên truyền, giáo dục và cả biện pháp hành chính. Không nên chỉ dựa vào ý kiến của người học để thu hẹp thời gian cũng như nội dung khoa học lý luận chính trị, khoa học cơ bản trong hệ thống chương trình đào tạo hiện nay. Bất cứ giai cấp nào lên nắm quyền thống trị, đặc biệt giai cấp tư sản đều có biện pháp cưỡng bức, bắt các giai cấp khác phải tiếp nhận hệ tư tưởng của nó. Ở nước ta cũng phải có quy định có tính pháp quy cho nâng cao vị thế của tri thức khoa học cơ bản, tri thức  lý luận chính trị để nó tương xứng với vị trí, vai trò đối với nâng cao dân trí hiện nay.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội xét lại hiện nay là phải ngăn chặn những mần mống, tiền đề cho sự xâm nhập, nảy sinh từ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Hiện tượng bao che khuyết điểm, chạy theo thành tích, báo cáo không trung thực…đều ẩn chứa những dấu hiệu của xem xét phiến diện, ngụy biện cho những việc làm sai trái. Những hiện tượng chạy cấp, chạy chức, chạy chỗ …cũng đã xuất hiện chỗ này, chỗ khác và được hiểu nó như dấu hiệu của tính cơ hội về chính trị. Những biểu hiện của chạy theo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân… là dấu hiệu của tính cơ hội về kinh tế, v.v. Mặc dù những hiện tượng đó chưa đủ cho hình thành lý luận, thành quan điểm, nhưng đó là mảnh đất màu mỡ cho phát sinh và xâm nhập tư tưởng cơ hội, xét lại. Khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực đó là biện pháp khắc phục chủ nghĩa cơ hội hiện nay.



[1] C. Mác và ph. Ăng ghen, toàn tập,  tập 21,Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, Tr. 412).

Nhận xét