Về cơ chế kiểm soát quyền lực

Bên lề Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, trao đổi với báo chí, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: “Hiện chúng tôi cũng đang xây dựng “cái lồng” để nhốt (quyền lực). Lồng này là do ta thiết kế, do ta làm. Dứt khoát phải kiểm soát quyền lực, một trong những nguyên tắc là giao quyền đến đâu kiểm soát đến đó nhưng thiết kế thế nào cho phù hợp với tình hình hiện nay thì phải nghiên cứu bài bản, xuất phát từ lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để ban hành cho phù hợp. Đây là điều hết sức phải quan tâm, phải làm”.
Để những người thiết kế, thi công xây dựng được “lồng” có thể “nhốt” được quyền lực, trước hết, chúng ta cần xác định rõ đối tượng cần phải “nhốt” ở đây là gì thì mới tìm được nguyên vật  liệu và thợ thi công xây dựng chiếc “lồng” đó. Có thể dễ dàng xác định đối tượng cần “nhốt” ở đây là quyền lực... Có nhiều thứ quyền lực khác nhau, nhưng quyền lực chúng ta nói ở đây là quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Hai loại quyền lực này có quan hệ mật thiết với nhau. Từ một thể chế chính trị sẽ chi phối, sản sinh ra quyền lực nhà nước. Ở nước ta, Đảng Cộng sản là lực lượng tiên phong, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Khi Đảng ta đã giành được chính quyền về tay nhân dân cũng là lúc Đảng lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ/ Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/ Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân/ Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra/ Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”. Đảng ta hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật; chịu sự giám sát của dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Còn về phía Nhà nước thì mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Như vậy, trong chế độ ta, suy cho cùng, dù quyền lực chính trị hay quyền lực nhà nước đều thuộc về dân.
Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhưng từng người dân lại không trực tiếp đứng ra nắm nquyền lực mà ủy quyền cho các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bản thân các cơ quan nhà nước không tự có quyền mà là được nhân dân uỷ nhiệm theo thẩm quyền cụ thể do pháp luật quy định. Nói cách khác, xác lập và bảo đảm sự vận hành của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là sự khẳng định rõ ràng, thật tâm của Nhà nước về vị thế quyết định của nhân dân đối với Nhà nước. Vấn đề quan trọng này không phải người nắm chức vụ, quyền hạn nào cũng nhận thức ra mà nhiều khi họ nghĩ đó là quyền của mình để rồi tự tung, tự tác. Chẳng thế mà, ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Như vậy, những người được nhân dân giao cho nắm giữ quyền lực nhà nước mà bị tha hóa, biến chất, lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích riêng thì người dân có quyền thải loại.
Vậy tại sao phải xây “lồng” để “nhốt” quyền lực của mình? Để trả lời câu hỏi này, trong tình hình hiện nay cần phải truy căn nguyên, cội nguồn của sự tha hóa, lạm dụng quyền lực. Ở đây có sự yếu kém, hạn chế của các tổ chức, cấp ủy đảng. Bởi vì: 1) Hầu hết các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị nói chung, các cơ quan, chính quyền nhà nước nói riêng là đảng viên. 2) Các tổ chức, cấp ủy đảng là những người lãnh đạo công tác cán bộ và thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ. 3) Các tổ chức, cấp ủy đảng là người cử những đảng viên của mình sang ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cơ quan nhà nước. 4) Ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước đều có các tổ chức đảng, cấp ủy đảng dưới dạng ban chấp hành, ban cán sự, đảng đoàn, những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở đây, trong đó có người đứng đầu, đều là thành viên ban cán sự đảng, đảng đoàn. 5) Những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có chức, có quyền trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính quyền các cấp vừa là người đại diện cho tổ chức đảng được cử sang lãnh đạo, vừa là những người đại diện cho dân, thay mặt dân nắm giữ quyền lực nhà nước.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của các tổ chức, cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan nhà nước, thiếu công khai, minh bạch, dân chủ... mà quyền lực nhà nước trong tay một số cán bộ lãnh đạo các cấp bị tha hóa, lợi dụng làm hại dân, hại nước. Một nguyên nhân rất quan trọng nữa làm cho quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước bị tha hóa, lợi dụng chính là các cơ quan dân cử, mặc dù đã ban hành nhiều luật, pháp lệnh nhưng bấy lâu nay vẫn chưa đủ khả năng, chưa làm tốt sự tín nhiệm của dân và đồng thời chúng ta chưa có cơ chế để người dân trực tiếp tham gia giám sát quyền lực. Do vậy, trong việc xây “lồng” để “nhốt” quyền lực dứt khoát phải có sự tham gia trực tiếp của người dân và khi đã có “lồng” rồi, khi quyền lực đã bị nhốt trong lồng cơ chế pháp luật rồi thì hãy để người dân trực tiếp tham gia giám sát cái “lồng” cơ chế chứa đựng quyền lực đó.
Công nghệ xây “lồng” như thế nào? Về nguyên tắc, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì chính người dân sẽ là người đứng ra “thuê” những người đại diện cho mình nắm giữ, vận hành hệ thống quyền lực đó để phục vụ ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đời sống của dân. Vì vậy, cùng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho dân thì trước khi thiết kế, thi công xây dựng cái “lồng” “nhốt” quyền lực, những người lãnh đạo hãy hỏi dân, lắng nghe dân và có cơ chế để người dân tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát quyền lực. Hãy làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Có thể có nhiều bản thiết kế, có những công nghệ xây “lồng” khác nhau, nhưng cần tuân theo nguyên lý: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, chính nhân dân là người gián tiếp và trực tiến tham gia xây dựng cái “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực và xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia gián tiếp và trực tiếp giám sát quyền lực trong cái “lồng” cơ chế đó.
Vũ Ngọc Lân
nguồn: Tạp chí xây dựng đảng

Nhận xét