Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức

Đội ngũ trí thức có một vai trò hết sức quan trọng trong sự tiến bộ, phát triển xã hội và trong sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng việc thu hút, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức và chăm lo giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng có tri thức.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết thư mời gọi các nhân sĩ tham gia cách mạng. Tiêu biểu là cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà nho yêu nước, không phải là đảng viên Đảng Cộng sản nhưng đã được Bác Hồ gửi thư trực tiếp mời ra Hà Nội tham gia Chính phủ, giữ cương vị là Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; luật sư Phan Anh giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1946, khi dẫn đầu phái đoàn của ta sang dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục kỹ sư Trần Đại Nghĩa, lúc này đang làm việc trong xưởng quân giới của Pháp về nước để tham gia phục vụ kháng chiến. Điều đó cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thu hút, tập hợp, đoàn kết và sử dụng trí thức, nhân tài để phục vụ sự nghiệp các mạng.
Vấn đề đặt ra là, vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thuyết phục, cảm hoá được họ? Để trả lời cho câu hỏi đó, xin trích lời của tác giả Jin Rou-sơ viết cho báo Chiến đấu (Pháp): "Từ 30 năm nay, trong số các nhân vật mà tôi được gặp, chắc chắn Cụ Hồ là người hoàn toàn đáng được mọi người ca ngợi, bởi vì Cụ Hồ đã kết hợp nhuần nhuyễn phi thường chủ nghĩa anh hùng với đầu óc sáng suốt, lòng yêu nước tuyệt vời, tinh thần cách mạng trong sáng, thái độ cứng rắn trước cuộc sống với lòng nhân đạo đối với con người"(1). Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: Bác Hồ muôn vàn yêu thương đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mọi người vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt... Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nói những lời, làm những việc mà mỗi người lao động chờ mong, cảm hoá được nhân sĩ, trí thức, thuyết phục được người do dự, phân vân, trân trọng từ các cháu thanh niên và nhi đồng, chan hoà gần gũi với những người giúp việc quanh mình, nâng niu từng nhân cách.
Để cảm hoá, thuyết phục, tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức tham gia sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhuần nhuyễn và tinh tế các biện pháp cơ bản sau:
Một là, đánh giá đúng vai trò của trí thức.
Trước hết, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hoá, một đại trí thức, một nhà hiền triết với kiến thức uyên thâm; nhưng Người luôn khiêm tốn, giản dị, tôn trọng và đánh giá cao đội ngũ trí thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hoá, thuyết phục mọi người bằng chính đức khiêm tốn của một vĩ nhân với đôi mắt sáng hiền từ, tấm lòng đôn hậu, vị tha và hành vi ứng xử tinh tế. Tìm hiểu cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Ê-len Tuốc-me-rơ, trong tác phẩm Trở thành người Bác như thế nào? xuất bản ở Béc-lin (Đức) đã viết: "Ở con người Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy biểu hiện của nhân vật cao quý nhất, bình dị nhất và được kính yêu nhất trong gia đình mình… Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên".
Đối với sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, trí thức là một bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân. Người nói: Lấy liên minh công - nông và đội ngũ trí thức làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân. Không chỉ tôn trọng đội ngũ trí thức mà Người còn thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên "Phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng. Cán bộ và đảng viên không được tự cao tự đại, cho mình là tài giỏi hơn mọi người; trái lại phải học hỏi điều hay, điều tốt của mọi người..."(2).
Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, trí thức phải đi đầu trong việc nâng cao dân trí, xây dựng và kiến thiết nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần"(3). Theo Người, muốn phát triển văn hoá thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khoẻ của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ thì phải cần các kỹ sư. Thực tiễn đã chứng minh, trong mọi lĩnh vực, mọi thời kỳ cách mạng đều rất cần đến học vấn, tài năng và tâm huyết, sức lực của giới trí thức; đội ngũ trí thức đồng hành cùng dân tộc tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa; và trong suốt quá trình cách mạng "trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi".
Hai là, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống dân tộc của đội ngũ trí thức.
Cảm hoá, thuyết phục, tập hợp trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ động khơi dậy tinh thần yêu nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kêu gọi mọi người luôn hướng về cội nguồn dân tộc, đoàn kết thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Người khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần yêu nước ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"(4). Đối với đội ngũ trí thức, họ luôn muốn được cống hiến cho đất nước và muốn được ghi nhận về những cống hiến, những đóng góp của mình. Vì vậy, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống dân tộc để họ cống hiến cho Tổ quốc và ghi nhận công lao của họ để họ cống hiến tốt hơn.
Ba là, phải nhân ái, khoan hồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc cảm hoá con người, phê phán thói định kiến, mặc cảm, phân biệt đối xử, kể cả đối với những người bị lầm đường, lạc lối. Người kêu gọi đồng bào: "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, năm ngón tay có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang"(5). Mặt khác, trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng cụ thể, Đảng phải kịp thời chỉ rõ cho nhân dân thấy kẻ thù chính của dân tộc, giai cấp, chủ động đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp nhân dân để động viên, kêu gọi mọi người kiên quyết đứng lên đấu tranh cho tự do, độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ.
Bốn là, có đường lối, chủ trương đúng.
Để cảm hoá, thuyết phục, tập hợp trí thức, xây dựng khối đại đoàn kết phải có đường lối, chủ trương và biện pháp đúng. Đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là một liên minh, tập hợp quần chúng đơn thuần vô nguyên tắc, mà có mục đích, có tổ chức rất rõ ràng. Mục đích của đại đoàn kết được Người chỉ rõ: "Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ"(6). Chủ trương, chính sách nhất quán của Mặt trận dân tộc thống nhất là thực hiện đoàn kết chặt chẽ, lâu dài, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Người nhấn mạnh: "Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân... Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hoà thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc"(7). Biện pháp là tuyên truyền giáo dục và thuyết phục để họ tự nguyện tham gia cách mạng.
Với những quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chủ trương sát thực của Đảng đối với trí thức, trong các giai đoạn lịch sử, chúng ta đã đoàn kết được trí thức và xây dựng được đội ngũ trí thức mới xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, để phát huy và sử dụng vốn quý này của đất nước có hiệu quả đang là vấn đề lớn đặt ra. Những quan điểm, chủ trương của Đảng phải được Nhà nước thể chế hóa kịp thời. Việc quy hoạch, đào tạo đội ngũ trí thức phải gắn liền với nhu cầu thực tiễn, trên cơ sở đó bố trí đúng người, đúng việc để phát huy tốt năng lực của lực lượng này. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng phải gắn liền với việc đổi mới quản lý của Nhà nước đối với công tác trí thức, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của tầng lớp trí thức, tin dùng họ trong công việc, tạo các điều kiện để họ tham gia hoạt động sáng tạo, đóng góp thật nhiều cho đất nước.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, giỏi về chuyên môn, giàu về năng lực, hiểu biết sâu sắc trên từng lĩnh vực, có bản lĩnh và sẵn sàng thích ứng với mọi biến động trong nước và thế giới là công việc thường xuyên, liên tục của Đảng và Nhà nước ta. Nối tiếp truyền thống của dân tộc Việt Nam, đội ngũ trí thức sẽ đoàn kết để tham gia, đóng góp tài năng và sức lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước, xây dựng xã hội: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
ThS. Phạm Thị Hằng - Báo Dân trí
----------------------------
Ghi chú:
(1) Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Nxb TP.Hồ Chí Minh, 1997, tr. 605.
(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 606-607.
(3), (4) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr. 39, tr. 171.
(5) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr. 246-247.
(6) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr. 438.
(7) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 10, tr. 605-606.

Nhận xét