ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


(ĐCSVN)- Chủ tịch Hồ Chí Minh, được mọi người Việt Nam gọi bằng cái tên gần gũi thân thương là Bác Hồ. Người sinh ngày 19-5-1890 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở Kim Liên, Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ Người có tên là Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành. Người sinh ra khi thực dân Pháp đã xâm lược và đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam.
Với truyền thống không bao giờ chấp nhận sự thống trị của kẻ xâm lược, nhân dân ta từ Nam đến Bắc, từ đồng bằng đến miền núi đã liên tục cầm vũ khí đứng dậy chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối thế kỷ XIX, dưới sự lãnh đạo của các văn thân sĩ phu yêu nước, các cuộc khởi nghĩa vũ trang chống thực dân Pháp đã diễn ra trên khắp cả nước. Nhưng thực dân Pháp đã tập trung đàn áp dìm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu. Các cuộc khởi nghĩa chưa có đường lối đúng đắn, kết cục đều thất bại. Sang thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, các cựu sĩ phu chuyển hoá lập trường tư tưởng thực hiện các cuộc vận động cứu nước theo lập trường tư sản. Tiêu biểu như những phong trào Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục... đứng đầu là những chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can...
Nguyễn Tất Thành khi đó được mời thực hiện Đông Du, nhưng đã từ chối để rồi ba năm sau Người tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ (1908). Người đã phải chứng kiến phong trào bị đàn áp đẫm máu, bản thân Người cũng bị chính quyền thực dân phong kiến không cho tiếp tục học nữa. Chứng kiến và tham gia cuộc đấu tranh bi hùng của dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Người đã nhận xét: cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân ta đến đầu thế kỷ XX lâm vào ngõ cụt. Rõ ràng chỉ bằng sức mạnh yêu nước truyền thống không thôi thì không đủ sức chiến thắng kẻ thù mới là bọn đế quốc thực dân cấu kết chặt chẽ với bọn đại địa chủ phong kiến. Lịch sử dân tộc Việt Nam đến đầu thế kỷ XX đặt ra một đòi hỏi khách quan là cần có một con đường cứu nước mới, với khả năng tạo ra cho dân tộc một sức mạnh mới đủ sức đánh đuổi kẻ thù mới là thực dân phong kiến làm cho dân tộc được độc lập, đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển, nhân dân được sống trong hoà bình, tự do mưu cầu hạnh phúc.
Với tấm lòng yêu nước nhiệt thành, thương dân thương nước phải sống trong cảnh nô lệ, bị đoạ đầy đau khổ, Nguyễn Tất Thành nuôi trí giúp dân tìm con đường giải phóng. Người tâm sự: Vào lúc 13 - 14 tuổi, lần đầu tiên Người tiếp xúc với khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp. Lý tưởng đẹp đẽ này đã có sức hấp dẫn Người muốn đi sang Pháp, sang các nước phương Tây để xem họ làm như thế nào, sau đó Người sẽ về giúp đồng bào mình. Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba quyết định xuống làm thuê trên chiếc tàu buôn của Pháp và Người tạm biệt Tổ quốc từ Sài Gòn đi Pháp. Ngày 6-7-1911, tàu buôn Đô đốc Latútsơ Tơrêvin đưa Nguyễn Tất Thành đến nước Pháp tại cảng Mác-xây, bắt đầu những năm tháng dài lao động, nghiên cứu, học hỏi của Người ở các nước phương Tây.
Từ nước Pháp Nguyễn Tất Thành lại quyết định xuống tàu làm thuê của hãng vận tải hợp nhất Sác-giơ Rê-uy-ni và thực hiện cuộc hành trình xung quanh châu Phi, tới nhiều nước thuộc địa của Pháp. Rời châu Phi, vượt Đại Tây Dương đến nước Mỹ, Người ở đây suốt những năm 1912, 1913. Từ Mỹ, Người trở lại châu Âu và sống ở Anh liên tục từ 1913 đến cuối 1917 mới trở lại nước Pháp sống ở Pari. Tháng 6-1923, Người bí mật rời nước Pháp về làm việc tại Mátxcơva thủ đô nước Nga... Suốt 30 năm từ năm 1911 đến 1941, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện ở các nước thuộc địa, các nước tư bản phát triển khắp thế giới. Quá trình đó Nguyễn Ái Quốc đã gắn mình với phong trào công nhân thế giới, với phong trào chính trị - xã hội của các nước. Người đã chứng kiến những trận roi da mà bọn thực dân dáng vào đầu những người nô lệ, chúng coi người dân như súc vật. Người nhận xét: Trên thế giới không có dân tộc chiến bại nào bị đàn áp và hành hạ như người dân thuộc địa. Sau này Người đã tổng kết nó trong tác phẩm viết bằng tiếng Pháp nổi tiếng của Người: "Bản án chế độ thực dân Pháp", xuất bản tại Pari năm 1925. ở Niu-oóc, đến khu Hác-lem của những người da đen, "giống người bị áp bức và bóc lột nặng nề nhất trong loài người", Nguyễn Tất Thành đã nhiều lần vét những đồng xu cuối cùng để giúp đỡ họ. ở Anh, Người hoà mình vào phong trào công nhân và công đoàn Anh, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, tham dự những buổi diễn thuyết chính trị, lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Ai-Len... Tại Pari, Nguyễn Tất Thành dần dần làm quen với nhiều nhà hoạt động công đoàn nổi tiếng và Người đã hăng hái tham gia các hoạt động của tổ chức công đoàn. Tháng 6-1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi đến hội nghị của các nước đế quốc thắng trận trong chiến tranh lần thứ nhất bản Yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp và các cường quốc đế quốc phải thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Tại Pari, Nguyễn Ái Quốc đã ra sức tổ chức lại Hội những người Việt Nam yêu nước, khơi gợi lòng yêu nước của bà con, hướng cho bà con đi vào hoạt động có tổ chức chặt chẽ. Người tham gia Đoàn thanh niên Xã hội Pháp và sau đó vào năm 1919 tham gia Đảng Xã hội Pháp. Thời gian này Nguyễn Ái Quốc có bước tiến lớn trong nhận thức chính trị và hoạt động thực tiễn.
Quá trình khảo cứu thế giới, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều cuộc cách mạng của các nước, trong đó Người đặc biệt chú ý tới cách mạng Mỹ 1776, cách mạng Pháp 1789 và cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Tiêu chí Nguyễn Ái Quốc học tập kinh nghiệm ở các cuộc cách mạng trên thế giới là: cuộc cách mạng nào đem lại độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng là đòi hỏi của dân tộc và khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc chủ trương cách mạng Việt Nam phải học tập những tư tưởng hay, những bài học tốt, rút kinh nghiệm không hay từ hai cuộc cách mạng này. Nhưng cách mạng Việt Nam không đi theo con đường của những cuộc "cách mạng không đến nơi" Mỹ và Pháp. Ngược lại nghiên cứu cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy: Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng đến nơi, nghĩa là cách mạng thắng lợi rồi, chẳng những đem lại tự do, bình đẳng thật cho những người lao động Nga mà còn muốn giúp đỡ các dân tộc thuộc địa đi tới giải phóng. Vì vậy, cách mạng Việt Nam muốn có độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân phải noi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga.
Hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc có bước trưởng thành vượt bậc diễn ra vào nửa cuối năm 1920. Tháng 7 năm 1920, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với Lênin qua văn kiện: Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa mà Lênin sẽ đọc tại Đại hội lần thứ hai của Quốc tế Cộng sản vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1920. Những điều bấy lâu nay trên lộ trình tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc trăn trở, suy tư thì nay đọc Luận cương của Lênin như bừng sáng, bởi vậy Người rất cảm động, phấn khởi, tin tưởng. Người cho rằng "Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta" và từ đó Người hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh lý luận mà chốt lại là giữ nguyên Đảng Xã hội Pháp trong Quốc tế thứ hai hay thành lập Đảng Cộng sản Pháp thành phân bộ của Quốc tế thứ ba, diễn ra sôi nổi trong Đảng Xã hội Pháp suốt từ giữa năm 1920 đến cuối tháng 12-1920 tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp tại thành Tua. Tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát đứng về lập trường tham gia Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là bước ngoặt căn bản trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, bước ngoặt trong tiến trình hình thành tư tưởng của Người. Người khẳng định: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Bằng tư tưởng đó, mùa xuân 1930 khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã viết trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng rằng: ta chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Tư tưởng này của Người đã đáp ứng đòi hỏi của lịch sử dân tộc là phản đế phản phong, nó là bệ đỡ nâng dân tộc ta vươn mình lên làm cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Vì vậy đến năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tìm đường cứu nước cho dân tộc, đồng thời cũng là người chỉ đường, vạch lối giải phóng cho dân tộc và cũng là người dẫn dắt dân tộc ta, nhân dân ta đi tới những thắng lợi, đưa dân tộc ta vào quỹ đạo phát triển.
Con đường giải phóng dân tộc, phát triển đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù diễn đạt từ ngữ có khác nhau ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể nhưng luôn luôn có hai yếu tố cơ bản: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hai yếu tố này tạo nên nội dung hoàn chỉnh của con đường cách mạng Việt Nam và nó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Đó là con đường cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong đó độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng của dân tộc phải giành, giữ cho được độc lập dân tộc; độc lập dân tộc phải đi đến thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và phải đi tới quyền tự quyết dân tộc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội; độc lập dân tộc phải gắn liền với hoà bình, chỉ có độc lập dân tộc trong hoà bình và chỉ có hoà bình mới thực sự có độc lập, còn chiến tranh, còn ngoại xâm không thể có độc lập dân tộc; độc lập dân tộc phải đi tới ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Do vậy, độc lập dân tộc bao giờ cũng là mục tiêu trực tiếp, trước hết của cách mạng Việt Nam, nó là hệ quả của việc giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của cách mạng giải phóng của dân tộc, mâu thuẫn giữa toàn dân tộc Việt Nam với đế quốc và tay sai của chúng là đại địa chủ phong kiến. Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của sự nghiệp giải phóng dân tộc thực hiện độc lập dân tộc cũng là quá trình tạo các tiền đề trên tất cả các mặt về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội để đưa dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện bước phát triển toàn diện đất nước.
Nhưng thực hiện độc lập dân tộc chỉ là bước thứ nhất của cách mạng Việt Nam, thực sự chỉ mới thực hiện được bước giải phóng nhân dân về chính trị, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước. Còn giải phóng về kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, xây dựng và phát triển nền kinh tế hiện đại, giải phóng xã hội và triệt để giải phóng con người là bước tiếp sau giành được độc lập dân tộc. Đó là bước đi của dân tộc xây dựng phát triển chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, chủ nghĩa xã hội là bước tất yếu của độc lập dân tộc, là thực hiện mục tiêu xa của con đường cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam chỉ khi đạt được mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì lúc đó mới có thể ghi trên lá cờ cách mạng của mình là cách mạng Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Vì trong nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chủ nghĩa xã hội chung đúc tất cả thành quả của cách mạng - giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và triệt để giải phóng con người. Chủ nghĩa xã hội là xã hội do nhân dân lao động làm chủ, nó được xây dựng trên nền tảng của nền kinh tế phát triển cao với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và phân phối theo lao động; quan hệ xã hội lành mạnh với nền văn hoá mới; chủ nghĩa xã hội là của dân và do nhân dân tự xây dựng lấy; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau; là đoàn kết hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới.
Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới là tiếp tục con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy cho dân tộc từ đầu thế kỷ XX. Như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua ở đại hội VII năm 1991, đã khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ quang vinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau. Đảng ta cũng xác định: Kiên quyết thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong đổi mới là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa để đi tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam.
TS. Hoàng Trang
Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh
Học viện CTQG Hồ Chí Minh


Nhận xét