Một giá trị độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam

Hình ảnh và tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên các thế hệ kế tiếp noi theo gương sáng của "Bộ đội Cụ Hồ" như dân tộc Việt Nam.
   Bác Hồ và bộ đội, bộ đội và Bác Hồ
"Bộ đội Cụ Hồ" là cách gọi thật gần gũi, rất Việt Nam không chỉ nhân dân mến gọi dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của nhân dân.
"Cụ Hồ" - tên gọi trìu mến của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất, hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc và văn hóa Việt Nam. Nhân dân Việt Nam gọi quân đội của mình là bộ đội của Cụ Hồ vì cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác và quân đội, Bác và những người chiến sĩ. Nét đặc sắc trong đạo đức và tình cảm của Bác là vô cùng gần gũi, yêu thương bộ đội, tin tưởng ở tinh thần dũng cảm và sáng tạo của bộ đội, hiểu thấu và thông cảm những gian khổ, khó khăn của người chiến sĩ.
Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam đều gắn liền với quá trình giáo dục, rèn luyện của "người Cha thân yêu". Hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" đã trở thành một mẫu hình về con người mới có lý tưởng cao đẹp, có mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, có đạo đức trong sáng, thực hiện trọn vẹn, xuất sắc những chỉ thị, lời căn dặn, luôn xứng đáng với niềm tin sâu sắc của Bác.
Nếu xét ở góc độ truyền thống văn hóa quân sự dân tộc, "Bộ đội Cụ Hồ" còn có nguồn gốc sâu xa hơn, bởi nó không chỉ là sản phẩm của 70 năm, mà còn bắt nguồn, nối tiếp và phát triển của kiểu mẫu những nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Di sản quý báu nhất có từ trong khói lửa cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc thời phong kiến và thời Pháp thuộc để lại cho thế hệ hôm nay, có lẽ là truyền thống bất khuất, ý chí quật cường của cha ông. Di sản truyền thống ấy còn là tư tưởng quân sự "lấy đại nghĩa thắng hung tàn", "lấy chí nhân thay cường bạo", và đó còn là tinh thần "phụ tử chi binh" thời Trần, "huynh đệ chi binh" thời Lê, thời Tây Sơn. Tinh thần quật cường xả thân vì nước đó là cơ sở tốt để sau này chúng ta xây dựng Quân đội nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Tinh thần "cá-nước", "nghĩa tình đồng đội, đồng chí" của hôm nay phải chăng đã bắt nguồn từ thời "Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn.
Vinh quang và thách thức
"Bộ đội Cụ Hồ" là đỉnh cao về hình tượng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã được nhân dân coi như con em. Những người chiến sĩ cách mạng luôn luôn gắn bó máu thịt với dân, được dân tin, dân phục, dân yêu vì dám xả thân "vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh". Nói Quân đội ta "hiếu với dân" cũng do là như vậy.
"Bộ đội Cụ Hồ" không chỉ là những người cầm súng thuần túy. Từ khi mới ra đời, Quân đội ta đã được xác định nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và công tác. Trong thời chiến, lúc hòa bình, ba chức năng chiến đấu, công tác và sản xuất đều được coi trọng. Gan dạ và dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, tự lực tự cường, kiên nhẫn và nhiệt tình luôn luôn là những truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Truyền thống này phải chăng có nguồn gốc từ thời Trần với chính sách "ngụ binh ư nông"?
Một nét đặc trưng tiêu biểu khác của "Bộ đội Cụ Hồ", đó là tinh thần kỷ luật tự giác cao. Trước đây, trong lịch sử, những người lính Việt Nam đã có truyền thống "quân lệnh như sơn". Tinh thần "quân lệnh như sơn" ở đây đã được thực hiện bằng tình đồng đội, tình "huynh đệ" - và nhiều hơn, chính là lòng tự trọng, danh dự. Tinh thần kỷ luật cao đồng thời chính là cội nguồn tạo thành sức mạnh bách chiến, bách thắng của "Bộ đội Cụ Hồ", của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
"Bộ đội Cụ Hồ" còn là những người lính có tinh thần quốc tế cao cả. Từ truyền thống nhân ái của dân tộc "tắt lửa, tối đèn có nhau", "thương người như thể thương thân", mấy mươi năm qua, với tinh thần "giúp bạn là tự giúp mình" đầy nhân bản, nhân ái, nhiều chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trở thành người chiến sĩ quốc tế, những "tình nguyện quân", vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, giúp cách mạng và nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (1949), chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ của nhân dân Lào, Cam-pu-chia trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, các cuộc chiến đấu chống lại các thế lực tay sai, phản động. Tinh thần quốc tế cao cả, vô tư của "Bộ đội Cụ Hồ" là một nét rất mới trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam.
Sự xuất hiện của "Bộ đội Cụ Hồ" trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc đã trải qua hành trình 70 năm. Chỉ bằng thời gian đó, hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ" đã đi vào lịch sử, đi vào đời sống đất nước, đời sống cộng đồng một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới.
Giá trị cốt lõi và cao quý nhất trong nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ" bao giờ cũng là lòng trung thành vô hạn với mục tiêu và lý tưởng chiến đấu của Đảng và nhân dân, là ở sự sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng đó. Giá trị đó nhất thiết phải được bảo vệ và phát triển. Nhưng con đường để tạo nên nó trong phẩm chất, nhân cách người chiến sĩ hôm nay lại hoàn toàn khác trước. Phải đặt họ trong một tình thế lựa chọn mang tính hiện thựcvà rất gay gắt giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa sống và chết, giữa được và mất, giữa giá trị tinh thần và nhu cầu vật chất, giữa các xu hướng vận động đang diễn ra phức tạp hiện nay để giúp họ lựa chọn đúng nhất, tự tin nhấtvới sự mách bảo của tình cảm, của danh dự người chiến sĩ và cả sự sáng suốt của lý trí. Nối tiếp truyền thống quý báu, luôn luôn lấy tình cảm cách mạng làm cội nguồn sức mạnh của người lính, đồng thời cần nâng cao không ngừng tri thức, trí tuệ cách mạng.
Hình ảnh cao đẹp với những giá trị văn hóa quân sự sâu sắc của nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ" đã được yêu thương và quý trọng trong 70 năm qua cần giữ gìn, được tiếp tục phát triển trong thời gian tới trên cơ sở của một quá trình nuôi dưỡng và xây dựng công phu, khoa học.
                                                                                                            GS. TS. Đinh Xuân Dũng

Nhận xét