TRÁCH NHIỆM CÔNG VỤ DƯỚI GÓC NHÌN ĐẠO ĐỨC

TH

          Cơ sở khoa học tiếp cận trách nhiệm công vụ dưới góc nhìn đạo đức       Trong mọi nền chính trị, bên cạnh sử dụng công cụ pháp luật, không thể không dùng đến đạo đức. Chẳng hạn như ở phương Đông cổ đại, các học thuyết chính trị - xã hội đặc biệt coi trọng đạo đức. Các nhà chính trị, nhà triết học, các nhà tư tưởng luôn mong muốn khôi phục lại thời đại vua Nghiêu, vua Thuấn, thời kỳ xã hội đại đồng, … Học thuyết Nho giáo của Khổng Tử chủ trương dùng đạo đức để quản lý xã hội đã ảnh hưởng sâu rộng đối với các xã hội phong kiến phương Đông. 

Khổng Tử đã chỉ rõ sự khác nhau căn bản ở chiều sâu của hành vi đạo đức và mệnh lệnh pháp luật trong đời sống xã hội. Ông nói: “Dùng mệnh lệnh pháp luật để hướng dẫn chỉ đạo đồng bào, dùng hình phạt để quản lí đồng bào. Làm như vậy tuy có thể giảm được phạm pháp, nhưng người phạm pháp không biết xấu hổ, sỉ nhục; dùng đạo đức để hướng dẫn chỉ đạo đồng bào, dùng lễ nghĩa để giáo hoá đồng bào, làm như vậy chẳng những đồng bào hiểu được như thế nào là nhục nhã khi phạm tội, mà còn cam tâm tình nguyện sửa chữa sai lầm của mình tận gốc từ mặt tư tưởng”[1].

Vận dụng nhuần nhuyễn sự kết hợp đức trị với pháp trị, đề cao đạo đức cách mạng gắn liền với không ngừng xây dựng, hoàn thiện nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển những tinh hoa giá trị từ tư tưởng đạo đức trong lịch sử chính trị nhân loại và dân tộc trong quản lý xã hội, mở rộng và nâng tầm ý nghĩa của quan điểm đức trị phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[2] và yêu cầu: “Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”[3].

          Trong tổ chức xây dựng chế độ chính trị mới, Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta đặc biệt đề cao đạo đức mới. Đạo đức mới đã góp phần quan trọng vào quản lý xã hội, nâng cao ý thức giác ngộ, tinh thần yêu nước, quả cảm của các giai cấp cách mạng. dần đạt đến sự thống nhất cao với pháp luật; tương thích với pháp luật và đồng hướng tác động đến quản lý xã hội, gióp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Điều đó có nghĩa là, quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa không thể thiếu một trong hai yếu tố đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội. Những cơ sở khách quan cho phát huy vai trò của đạo đức nói chung, trách nhiệm công vụ nói riêng, trong quản lý xã hội. Người đặc biệt quan tâm bồi dưỡng trách nhiệm đạo đức công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức - những “công bộc” của nhân dân theo quan điểm, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; cán bộ, công chức phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải thân dân, gần dân, hết lòng, hết sức vì dân phục vụ, .v.v.. 

Hồ Chí Minh coi đạo đức cách mạng vừa là mục tiêu tối thượng, vừa là phương thức vừa là động lực của quản lý, phát triển xã hội. Đó là lý do giải thích tại sao Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước về đạo đức, xem đó là yếu tố cốt tử để hệ thống chính trị thực sự thể hiện tính ưu việt, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Trong đó, vấn đề đạo đức công vụ được Người đặc biệt quan tâm. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh là kim chỉ nam quý báu để Đảng ta vận dụng trong thực tiễn lãnh đạo, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền hành chính - công vụ của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

          Về phương diện quản lý nhà nước, các quy định về trách nhiệm công vụ được quy định cụ thể trong các bộ luật, tiêu biểu như trong Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cán bộ, công chức,... Gần đây, trong Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ, đã xác định các tiêu chuẩn về nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện văn hóa công vụ… Những nội dung đó đã cho thấy vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa công vụ nói chung, đạo đức công vụ nói riêng đối với xây dựng bộ máy hành chính nhà nước.

          Như vậy hiện nay, đạo đức công vụ nói chung đã được thể chế hóa thành các quy định có tính chất pháp lý. Các nội dung về trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý đã bao hàm trong đó trách nhiệm công vụ trên phương diện đạo đức, thể hiện bổn phận, trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của cán bộ, công chức đối với công việc mình làm, đối với đối tượng mà mình phụng sự. Xét trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn cho chúng ta căn cứ xác đáng để đặt ra và cần thiết phải xây dựng trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trên phương diện đạo đức.

          2. Biểu hiện trách nhiệm công vụ dưới góc nhìn đạo đức

          Trách nhiệm công vụ thể hiện yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức về tính chủ động, sáng tạo trong thực thi công vụ. Đó là nghĩa vụ tự thân của cán bộ, công chức về sự cần thiết và trách nhiệm, bổn phận của cá nhân trong thực hiện quyền và nhiệm vụ được phân công.  

          Cán bộ, công chức nhận thức được bổn phận, trách nhiệm công vụ của mình. Ở đó, chủ thể thực hiện hành vi công vụ không bị sức ép nào từ bên ngoài mà hoàn toàn hành động theo tiếng gọi của lương tâm, khát vọng được cống hiến, phục vụ cho xã hội. Chỉ khi nào ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với việc mình cần làm phát triển thành tình cảm nghĩa vụ, niềm tin vững chắc, động cơ thôi thúc từ bên trong, thành bản tính thường trực của chủ thể thì khi đó mới có điều kiện để hình thành những giá trị đạo đức chân chính, lành mạnh. Ngoài ra, khi thực hiện trách nhiệm công vụ, các chủ thể hiểu được mục đích và hậu quả của hành động mình làm đối với cá nhân và cộng đồng xã hội đã được quy định cụ thể trong các điều luật, trong các quy định mỗi cơ quan, đơn vị. Đó là cơ sở để sự tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ không với nghĩa là hành vi bắt buộc mà với hàm nghĩa là một nhu cầu tự thân, trở thành tình cảm, lương tâm, trách nhiệm về phương diện đạo đức.

          Cán bộ, công chức tự giác, tự nguyện tuân thủ các quy định của pháp luật về trách nhiệm công vụ. Các quy định của pháp luật được xem là “đạo đức tối thiểu” đối với các các công dân. Thực hiện theo pháp luật theo đó chính là hành vi mang tính đạo đức. Cán bộ, công chức là người thực thi, đồng thời cũng nắm trong tay pháp luật càng đòi hỏi họ phải chấp hành tốt hơn. Hơn nữa, đây lại là hoạt động chuyên môn có tính chất “phụng sự” càng đòi hỏi cao về sự chấp hành đó. Mặt khác, mục tiêu tối thượng của trách nhiệm công vụ là bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích của nhân dân, của cơ quan, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật. Nó thể hiện yêu cầu bắt buộc của chủ thể quyền lực là Nhân dân đối với cơ quan, cá nhân được ủy quyền. Đây đồng thời là giá trị đạo đức công vụ cơ bản, hàng đầu đối với cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền. Cho nên, đồng thời với thực hiện trách nhiệm công vụ chính là thực hiện nghĩa vụ đạo đức công vụ. Quan hệ giữa “công bộc” với “người làm chủ” trong bản chất của chế độ nhà nước ta sẽ không thể được thực hiện nếu như trách nhiệm công vụ chưa được chuyển hóa thành nghĩa vụ đạo đức đối với mỗi cán bộ, công chức.

Cán bộ, công chức tiêu biểu về tinh thần, thái độ làm việc, cả trong văn hóa ứng xử, trong chuẩn mực đạo đức, lối sống, trong cách mang mặc trang phục. cán bộ, công chức thể hiện sự gương mẫu trong thực hiện nghiêm và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tác phong làm việc gần gũi nhân dân; thái độ lịch thiệp, nghiêm túc, khiêm tốn, chuẩn mực, chuyên nghiệp, hiện đại; không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu nhân dân khi thực thi công vụ. Mọi biểu hiện trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, bè phái, mất đoàn kết; lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn để vụ lợi; các hành vi tham nhũng, sách nhiễu, vòi vĩnh gây phiền hà, bức xúc đối với nhân dân đều xa lạ với mỗi cán bộ, công chức.

Cán bộ công chức tích cực tự tu dưỡng, rèn luyện các phẩm chất đạo đức chuyên biệt của người cán bộ, công chức về tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến, gần dân, hiểu dân, hết lòng giúp đỡ nhân dân; nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác; gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, đề cao văn hóa ứng xử, văn hóa làm việc trong thực thi công vụ, để hoạt động công vụ mang tính chuyên nghiệp, thực sự vì nhân dân phục vụ.

Một số vấn đề đặt ra nhằm nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức dưới góc nhìn đạo đức

          Thống nhất nhận thức về trách nhiệm công vụ từ phương diện đạo đức. Theo đó, phải xác định rõ vấn đề cốt lõi của cải cách hành chính là nâng cao trách nhiệm đạo đức của cán bộ, công chức chứ không đơn thuần là áp dụng thuần túy các mệnh lệnh hành chính. Sự kết hợp giữa “đức trị” với “pháp trị” trong thực thi công vụ là một giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực để nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Từ đó, các cơ quan, đơn vị trong nền hành chính công vụ cần tập trung đổi mới và tăng cường công tác giáo dục đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp nhằm hình thành các chuẩn mực đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức nói chung, trách nhiệm công vụ nói riêng. Kết hợp giáo dục đạo đức công vụ với tăng cường quản lý cán bộ, công chức; đề cao kỷ cương, kỷ luật hành chính. Đồng thời các cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa thành các quy tắc đạo đức công vụ phù hợp với mỗi cơ quan, đơn vị, trong đó xác định rõ giá trị cốt lõi của nền công vụ và quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của người công chức phù hợp mỗi vị trí việc làm, mỗi cơ quan, đơn vị.

          Phát huy vai trò nêu gương trong thực hiện trách nhiệm công vụ. Nêu gương là một trong những nét đặc trưng trong phương thức phát huy vai trò của đạo đức đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, trong xây dựng nền hành chính - công vụ nói riêng. Cán bộ, công chức trong bộ máy chính trị các cấp là những người ưu tú về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đóng vai trò duy trì sự vận hành của bộ máy chính trị, thực thi pháp luật và hành xử mẫu mực về đạo đức. Sức ảnh hưởng, tính nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên được đánh giá hàng đầu, đặc biệt là những người càng giữ cương vị cao càng phải gương mẫu. Các tầng lớp nhân dân nhìn nhận vào con người của bộ máy chính trị để đánh giá sự ưu việt của bộ máy chính trị, để củng cố niềm tin chính trị và tin vào những chân giá trị đạo đức xã hội. Trước nguy cơ suy thoái đạo đức xã hội nói chung và những biểu hiện trong nền công vụ nói riêng hiện nay, việc chú trọng phát huy vai trò nêu gương là cơ sở để gắn kết xây dựng đạo đức với xây dựng bộ máy chính trị trong đó có nhà nước. Không thể có một bộ máy nhà nước kiến tạo, phát triển nếu tham ô, tham nhũng tràn lan, nếu đạo đức của người thực thi công vụ suy đồi. Đặc biệt cần phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị, “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”[4]. Việc nêu gương về đạo đức và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ phải thể hiện toàn diện trên cơ sở quán triệt sâu sắc những nội dung trong Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được ban hành tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và các quy định trong hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến trách nhiệm công vụ.

Tiếp tục củng cố pháp luật để nâng cao trách nhiệm công vụ. Nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục pháp luật trong cán bộ, công chức và nhân dân; thực hiện nghiêm các cơ chế giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh tuyệt đối trong việc chấp hành pháp luật, đảm bảo mọi cán bộ, công chức đều bình đẳng trước pháp luật, xây dựng lối sống, lao động, học tập và hành xử theo pháp luật, làm cho chấp hành pháp luật trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, công chức. Bởi pháp luật càng nghiêm, tính răn đe càng cao, càng công bằng thì theo đó đạo đức công vụ nói chung, trách nhiệm công vụ nói riêng càng đi lên. Nếu pháp luật không nghiêm, lòng dân không thuận thì đạo đức đi xuống, dẫn tới coi thường, trà đạp lên các giá trị đạo đức công vụ. Tiếp thu các giá trị đạo đức tiến bộ vào trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức đảm bảo dân chủ, phù hợp với các giá trị chân, thiện, mỹ, bảo đảm, bảo vệ các giá trị quyền con người, làm cho các giá trị đạo đức thấm sâu vào pháp luật về cán bộ, công chức, làm cho lương tâm, tình cảm con người trở thành động lực thúc đẩy thực thi pháp luật.

Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; giải quyết kịp thời, hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân, “hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”[5]; v.v..  nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

          Tóm lại, xem xét trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức không chỉ dừng lại ở góc độ tiếp cận chính trị - pháp lý mà phải đồng thời với đó là tiếp cận dưới góc độ đạo đức để có các chủ trương, giải pháp toàn diện, hiệu quả nhằm bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm công vụ. Tuy nhiên, cần đặt trách nhiệm công vụ dưới góc nhìn đạo đức trong tính chỉnh thể, không siêu hình, chủ quan, tuyệt đối hóa đạo đức mà xem nhẹ các thiết chế, phương thức điều chỉnh khác, đặc biệt là thiết chế pháp luật. Làm được như vậy mới thực sự khơi dậy và phát huy vai trò trách nhiệm đạo đức trong thực thi trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, cần tránh nhận thức tuyệt đối hóa vai trò của đạo đức đối với xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung, nền công vụ nói riêng; tránh tuyên truyền, giáo dục hô hào chung chung về lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ đạo đức mà không gắn với giáo dục và thực thi pháp luật, hoặc chỉ dùng sức mạnh cưỡng chế lạnh lùng của luật pháp thì sẽ không thể điều chỉnh, kiểm soát được mọi hành vi của con người. Tiếp cận đạo đức về trách nhiệm công vụ theo đó là một phương diện tiếp cận, phải được đặt trong tính chỉnh thể, trong đó, pháp luật phải là tối thượng, là tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu để đánh giá dưới góc độ đạo đức về trách nhiệm công vụ nhằm góp phần xây dựng nền công vụ Việt Nam trách nhiệm, năng động và hiệu quả.         

 

 

 

 

 

 

 



[1] Trần Trọng Sâm (biên dịch), Luận ngữ - viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa phương Đông, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 45- 46.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN, 2011,  tập 11, tr.601.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN, 2011, tập 9, tr.354.

[4] Nguyễn Phú Trọng, Toàn văn Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Báo điện tử VOV, https://vov.vn/chinh-tri/dang/toan-van-quy-dinh-ve-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-830409.vov, 25/10/2018.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.47.

 

Nhận xét