TIẾP CẬN MỘT SỐ KHÍA CẠNH MẶT TRÁI CỦA MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY

                                                                                                                         Cương Trực

Ngoài tác dụng tích cực, mạng xã hội cũng có nhiều mặt trái. Là những người dùng thông minh và trách nhiệm, hơn ai hết, chúng ta cần nhận thức một cách triệt để.

Trước hết, cần thấy rõ, mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ phổ biến để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá hoại nền tảng tư tưởng của ta. Trong những năm qua, chúng lập ra và sử dụng hàng ngàn trang mạng xã hội vào các hoạt động tuyên truyền. Chúng tập trung xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, nhiều trang mạng xã hội của bọn phản động như “Dân làm báo”, “Quan làm báo”… thường xuyên đăng tải những bài viết với lời lẽ chống Đảng, chống chế độ rất quyết liệt. Chúng tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp, các vụ án phức tạp,… để kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, sẵn sàng đẩy lên thành bạo loạn.

Bên cạnh đó, mạng xã hội làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. Trong đại đa số người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội, có không ít người là cán bộ, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên mạng xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước. Lợi dụng các vụ lộ lọt bí mật nhà nước trên internet, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên mạng xã hội, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền.

Hơn nữa, mạng xã hội còn có tác động tiêu cực đối với sự phát triển văn hóa. Khi mạng xã hội phát triển thì dòng chảy của những cuộc xâm lăng văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn về cường độ, mở rộng về quy mô, tác động đến hầu hết các cá nhân, nhất là số người trẻ. Xuất hiện các trào lưu tuyên truyền, cổ vũ lối sống phương Tây, như tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực… đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội đang ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Hoạt động tung tin đồn, giật gân câu “like” trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, gây hoang mang trong dư luận.

Ngoài ra, mạng xã hội đang trở thành công cụ, môi trường “màu mỡ” để tội phạm lợi dụng hoạt động. Với đặc tính ảo, mạng xã hội thường xuyên được các đối tượng phạm tội về hình sự, kinh tế, ma túy lợi dụng để hoạt động với các thủ đoạn như tạo tài khoản ảo để kết bạn, làm quen sau đó lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản; tiến hành đánh cắp mật khẩu, chiếm giữ quyền kiểm soát tài khoản trái phép để thu thập các thông tin cá nhân, nhất là những thông tin bí mật về tài chính, từ đó tìm cách đánh cắp, trục lợi. Một số đối tượng còn sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc trong quá trình mua bán, vận chuyển các loại hàng cấm, ma túy, vũ khí, vật liệu nổ và các hoạt động phạm tội khác...

Từ những khía cạnh nêu trên, vấn đề cốt yếu đặt ra là đi đôi với việc phát triển mạng xã hội cần phải có sự quản lý, định hướng của các cơ quan chức năng để mạng xã hội thực sự có ích và mang lại hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, chúng ta cần chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ, tác động xấu từ mạng xã hội đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Có như vậy mới xây dựng được một môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn và tích cực cho cư dân mạng.

 

 

 

 

Nhận xét