PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU PHỦ NHẬN NỀN TƯ PHÁP VÀ KÊU GỌI THỰC HIỆN “TAM QUYỀN PHÂN LẬP” Ở VIỆT NAM

 Hồng Hạc

Ngày 27/4/2023, trên trang blog Đối Thoại, đối tượng Trân Văn tán phát bài “Pháp chế xã hội chủ nghĩa xem thường dân là con, không phải người”; ngày 03/5/2023, trên trang blog Tiếng Dân, đối tượng Đào Tăng Dực tán phát bài “Tương quan giữa hiến pháp và luật pháp trong một chế độ pháp trị nghiêm trị”, nội dung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trên lĩnh vực tư pháp; phủ nhận những thành quả đạt được trong công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; yêu cầu “xóa bỏ” Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013; đồng thời, kêu gọi Việt Nam cần thực hiện “tam quyền phân lập”. Đọc các bài viết này cho thấy các đối tượng như Trân Văn, Đào Tăng Dực không hiểu gì về nền tư pháp Việt Nam. Xin có vài lời trao đổi như sau:

Thứ nhất, Đại hội Đảng XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”; coi đây là nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII đã có sự phát triển mới so với Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), nhấn mạnh yếu tố chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm chính. Đây là các giá trị cốt lõi mà nền tư pháp Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần đạt được, đồng thời là sự cụ thể hóa yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp đã đặt ra. 

Hoạt động tư pháp có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để đạt được mục tiêu nêu trên, việc xây dựng nền tư pháp Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố hợp thành, gồm: thể chế tư pháp; thiết chế (tổ chức bộ máy) tư pháp và bổ trợ tư pháp; đội ngũ cán bộ tư pháp; nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ… bảo đảm cho hoạt động tư pháp; ý thức pháp luật về tư pháp. Trong thời gian qua, nền tư pháp Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng:

Một là, thể chế tư pháp được quan tâm xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, dân chủ, nghiêm minh trong hoạt động tư pháp

Các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật lớn, quan trọng trong lĩnh vực tư pháp, phù hợp với tiến trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Từ năm 2005 đến năm 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 53 luật, 19 pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực tư pháp; Chính phủ, các cơ quan tư pháp Trung ương đã ban hành nhiều văn bản áp dụng pháp luật, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Hai là, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp được đổi mới, kiện toàn, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân được xây dựng và hoàn thiện theo mô hình 4 cấp; tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho tòa án nhân dân cấp huyện, mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới việc tổ chức phiên tòa, coi trọng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, từng bước thực hiện công khai các bản án (tính đến nay, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao đã đăng tải 1.019.067 bản án, quyết định của tòa án các cấp). Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều án lệ và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Ngoài việc đổi mới tổ chức, chức năng, nhiệm vụ thì thủ tục tố tụng tư pháp tại tòa án cũng được hoàn thiện và cải cách mạnh mẽ theo hướng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý, như hình thành chế định gửi, nhận đơn, khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử…

Thứ hai, “Tam quyền phân lập” không phải là sự lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước của Việt Nam

Điều 2, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” nên “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Do đó, mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền ở Việt Nam không phải và không thể “tam quyền phân lập”.

Điều đó không phải do ý chí chủ quan của bất kỳ một chủ thể nào mà do những quy định tất yếu khách quan chi phối, bắt nguồn từ bản chất của chế độ chính trị, chế độ kinh tế của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn và kinh nghiệm 30 năm đổi mới đã qua cũng như việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các nước trong tiến trình hội nhập quốc tế đã cho thấy, tính đúng đắn và sáng tạo của Đảng trong hoạch định đường lối đổi mới, lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không tam quyền phân lập mà thống nhất quyền lực của nhân dân, bởi nhân dân, vì nhân dân.

Với những lý do như vậy, có thể thấy các bài viết này cho thấy các đối tượng như Trân Văn, Đào Tăng Dực là hoàn toàn sai sự thật, cố tình bẻ lái nhằm đạt được ý đồ đen tối, chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh với những luận điệu sai trái của chúng./.

Nhận xét