MỘT SỐ KHÍA CẠNH BẢN CHẤT CỦA QUỐC PHÒNG VIỆT NAM TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

TH

Một trong những điểm mới, hệ trọng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là về vấn đề quốc phòng, an ninh. Đây là nội dung rộng lớn, mang tầm chỉ đạo chiến lược, bao quát nhiều vấn đề. Trong khuân khổ của bài viết xin được đi vào những nét khái quát tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bản chất của quốc phòng Việt Nam trên những khía cạnh cơ bản, chủ yếu và nổi bật.

Một là, quốc phòng Việt Nam mang tính chính nghĩa, tự vệ. Bản chất của quốc phòng Việt Nam là chính nghĩa, tự vệ. Đây là vấn đề có tính xuyên suốt trong lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của cha ông ta và được tiếp tục phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt trong công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, mở cửa, hội nhập hiện nay. Quan điểm này thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta. Tinh thần đó cũng được thể hiện nhất quán trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Trước tiên trong mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc chứa đựng tính chính nghĩa, tự vệ sâu sắc. Văn kiện Đại hội XIII Đảng ta đã xác định rõ, đó là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc mang tính toàn diện, thống nhất giữa mục tiêu bảo vệ về mặt tự nhiên - lịch sử với việc bảo vệ Tổ quốc về mặt chính trị - xã hội vì hòa bình, ổn định để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không phải với mục đích can dự bất cứ quốc gia, dân tộc nào.

Điểm mới trong Văn kiện lần này là, Đảng ta bổ sung mục tiêu “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sự bổ sung đó là cần thiết nhằm đáp ứng sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực, của đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Đây là vấn đề mới, quan trọng trong mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Khẳng định mục tiêu đó thể hiện rõ nét tính chính nghĩa, tự vệ của mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, thể hiện quan điểm nhất quán, cốt lõi của chính sách quốc phòng Việt Nam đồng thời cũng chính là khát vọng và ý chí vô cùng mạnh mẽ của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nội dung đó cũng cho thấy, nhiệm vụ quốc phòng đã có sự phát triển, không chỉ dừng lại ở chống chiến tranh, ngăn ngừa những nguy cơ, tình huống quốc phòng từ “bên ngoài” mà còn chủ động trong nhận diện, ngăn ngừa các nguy cơ từ “bên trong” nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Tính chính nghĩa, tự vệ của quốc phòng Việt Nam thể hiện trong quan hệ đối ngoại. Hiện nay, chính sách Quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hoà bình và tự vệ. Đảng, Nhà nước ta luôn đứng vững trên cơ sở lẽ phải của luật pháp quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng quốc tế; “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hoà bình để phát triển”[2]. Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm lấy lẽ phải và chính nghĩa để đấu tranh với cái phi nghĩa, bạo ngược của đối phương; kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam chủ trương “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”[3]; tránh những va chạm, đối đầu, không để bị các đối tượng nước ngoài khiêu khích, kích động, thỏa hiệp nhằm xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc; lên án hành động gây hấn, can thiệp, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm can thiệp vào công việc nội bộ mỗi nước cũng như giải quyết các tranh chấp, bất đồng lợi ích. Đồng thời, chú ta chỉ sử dụng bạo lực khi buộc phải dùng đến, khi kẻ thù có hành động bạo lực phản cách mạng để xâm lược, chống lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong bối cảnh hiện nay, Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang luôn tỉnh táo để dự báo, đánh giá chính xác tình hình; chủ động xây dựng đất nước vững mạnh về mọi mặt; kiên trì đấu tranh trên các lĩnh vực để hạn chế các tranh chấp, bất đồng và ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; song không coi nhẹ sức mạnh bạo lực nhằm tăng cường sức mạnh tự bảo vệ trước các mối đe dọa cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ; sẵn sàng sử dụng bạo lực cách mạng khi cần thiết; chủ động chuẩn bị mọi mặt, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là, nền quốc phòng toàn dân

Đây là bản chất nổi bật của quốc phòng Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định xây dựng nền quốc phòng dựa trên phát huy sức mạnh toàn dân, tạo dựng nền tảng kinh tế - chính trị - xã hội vững chắc nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo đảm có đủ sức mạnh cần thiết để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột vũ trang, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi tình huống quốc phòng có thể xảy ra.

Để tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời gian tới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra nhiệm vụ trọng yếu  là: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại”[4]. “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”[5]Theo đó, để xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, Đảng ta chỉ rõ, cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; khai thác, phát huy lợi thế của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, khoa học, công nghệ, đồng thời “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[6] . Đặc biệt, Đảng ta nhấn mạnh phải “kết hợp có hiệu quả quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”[7]; thực hiện quan điểm mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là một bước tăng cường quốc phòng, an ninh. Tiếp tục khai thác, phát huy những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng nhằm phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự và nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng. Tăng cường mở rộng hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường vị thế, uy tín quốc tế của nước ta, từ đó củng cố nền hòa bình và sức mạnh quốc phòng toàn diện.

Trên cơ sở tăng cường tiềm lực quốc phòng, vấn đề xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đặc biệt là xây dựng khu vực phòng thủ, gắn kết các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội… với quốc phòng - an ninh một cách cachas chặt chẽ, đồng thời, trong đó phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Đảng ta xác định bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước; luôn nhất quán khẳng định vai trò của quân đội là lực lượng nòng cốt trong nền quốc phòng toàn dân. Trên cơ sở xây dựng quân đội chủ lực, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến “xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp… Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”[8]. Đây là điểm mới, bước phát triển quan trọng trong tư duy của Đảng về xây dựng lực lượng quốc phòng đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại trong xây dựng, củng cố Quốc phòng

Tại Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế …”[9].  Đảng ta nhấn mạnh đến yếu tố sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Đó là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và nguồn lực vật chất, tinh thần của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chứ không phải là sự cộng lại cơ học của các yếu tố cấu thành sức mạnh dân tộc. Đồng thời, sức mạnh của cả hệ thống chính trị được huy động vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân với tính cách là chủ thể tham gia trực tiếp, đồng thời là nhân tố bảo đảm sự gắn kết, khơi dậy, phát huy vai trò các nhân tố khác thành sức mạnh tổng hợp. Do đó, trong Văn kiện Đại hội XIII đã thể hiện tư duy, nhận thức ngày càng đầy đủ, chiều sâu về bản chất sức mạnh nội lực bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Do đó, quan điểm về phát huy sức mạnh tổng hợp cảu toàn dân tộc và của “cả hệ thống chính trị” thể hiện nhận thức mới của Đảng ta so với nội dung trong các văn kiện, nghị quyết trước.

Đảng ta nhấn mạnh, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân được xây dựng với sức mạnh quốc phòng không ngừng được tăng cường gắn với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa ;“Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”[10].

Bên cạnh đó, phải “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc”[11]; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng, từ đó, phát huy sức mạnh nội tại, tranh thủ tối đa ngoại lực để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong quan hệ đối ngoại, Đảng ta nhất quán quan điểm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hạn chế thấp nhất đối đầu, xung đột, đồng thời tỉnh táo, tránh bị lệ thuộc, cô lập trong quan hệ quốc tế.

Trong trật tự thế giới đa cực, đan cài lợi ích, các mối quan hệ quốc tế chuyển biến phức tạp hơn bao giờ hết; ranh giới giữa đối tượng và đối tác luôn luôn tồn tại và đan xen, vì thế, mỗi quốc gia, dân tộc chỉ có thể dựa trên sức mạnh nội tại mới có thể đứng vững trong quan hệ quốc tế. Thực tiễn cũng chứng minh, việc tham gia vào liên minh này để chống iên minh kia,dựa vào nước này để chống nước kia không phải là thượng sách để giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, đân tộc, mà chỉ có thể dựa trên chính sức mạnh nội tại của mỗi dân tộc. Do vậy, trong mối quan hệ giữa nội lực (bên trong) và ngoại lực thì “sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định[12] để xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Đây chính là tinh thần cốt lõi được thể hiện trong quan điểm về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta trong văn kiện Đại hội XIII.

Bốn là, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là quan điểm đặc sắc, nét nổi bật trong lịch sử, truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta - giá trị, đặc trưng bản chất, phản ánh đặc điểm riêng có, gắn với thực tiễn lịch sử dân tộc ta luôn phải đương đầu với kẻ thù hùng mạnh về mọi phương diện. Tính chủ động, lo giữ nước từ khi nước chưa nguy, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa do đó là phương cách để đảm bảo cho củng cố, tăng cường sức mạnh tự bảo vệ; đủ sức đương đầu với kẻ thù xâm lược.

Tư duy về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa được Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”[13]. Quán triệt tư duy về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Đảng ta luôn nỗ lực cao nhất để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực hiện phương châm kết hợp chặt chẽ và linh hoạt hợp tác với đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; “chủ động” thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát hiện sớm, triệt tiêu các mầm mống có thể dẫn đến “đột biến” cả “bên trong” lẫn “bên ngoài” lãnh thổ dẫn đến nguy cơ chiến tranh, xung đột. Đảng ta luôn kiên định phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, vận dụng sách lược mềm dẻo, linh hoạt, giữ trong ấm, ngoài êm nhằm chủ động dựng nước đi đôi với giữ nước từ sớm, từ xa.Tư duy đó của Đảng có ý nghĩa như một thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Đảng ta khẳng định nhất quán quan điểm: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ khi chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc bị xâm phạm”[14]. Thực tế công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa qua, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi chiến tranh từ bên ngoài biên giới, lãnh thổ; xử lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề bên trong. Chủ động phát hiện sớm, triệt tiêu các mầm mống, các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tranh chấp trên Biển Đông dẫn đến xung đột, chiến tranh, gây rối, biểu tình, bạo loạn, ly khai. Chủ động nắm, đánh giá, dự báo tình hình, có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh, nhất là các tình huống xảy ra trên biên giới, biển, đảo. Coi trọng đấu tranh trên thực địa kết hợp với đấu tranh trên mặt trận ngoại giao; kiên trì phương châm giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình.

Trong lĩnh vực quốc phòng, quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa thể hiện ở việc chú trọng thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác, kết hợp với đấu tranh quốc phòng. Không coi nhẹ sức mạnh bạo lực nhằm tăng cường sức mạnh tự bảo vệ trước các mối đe dọa cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ… Sẵn sàng sử dụng bạo lực cách mạng khi cần thiết, nhằm đảm bảo sự ổn định bên trong cũng như ứng phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, trong mọi tình huống; nắm chắc và đánh giá đúng tình hình mọi mặt, chủ động dự báo, nhất là dự báo chiến lược, từ đó, chuẩn bị mọi mặt, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Năm là, xây dựng quân đội làm nòng cốt trong củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”[15]. Do đó, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng. bảo vệ Tổ quốc, đó là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định phương hướng xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại” [16]. Đây là quan điểm thể hiện nhận thức đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta về vai trò của các nhân tố cơ bản cấu thành sức mạnh chiến đấu của quân đội, không chủ quan, duy ý chí nhấn mạnh, tuyệt đối hóa, tách rời bất cứ nhân tố nào, trong đó, việc hiện đại hóa quân đội là tất yếu để Quân đội ta đủ sức mạnh là công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Tuy nhiên, điểm khác biệt về chất của Quân đội ta so với các quân đội đánh thuê thể hiện ở bản chất của quân đội ta là đội quân cách mạng, được tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của một chính đảng cách mạng, chân chính, thực hiện chức năng, nhiệm vụ là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa… Do đó, đưa Quân đội ta từng bước tiến lên hiện đại, trong đó có một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại không tách rời, xem nhẹ mà luôn gắn liền với xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở.

Gắn xây dựng quân đội về chính trị trong mối quan hệ với từng bước hiện đại hóa quân đội, ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng là chủ trương đúng đắn của Đảng, phản ánh tính cấp thiết của tình hình hiện tại. Đó là tất yếu để gia tăng sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và đủ sức mạnh để tự bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Lịch sử dân tộc ta, đặc biệt trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tới ngày nay đã khẳng định chân lý về tính tất yếu của bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Đảng ta, Nhà nước ta không một phút lơ là, mất cảnh giác trong củng cố sức mạnh toàn diện quân đội, trong đó có việc mua sắm, cải biến, sáng chế, chế tạo vũ khí, khí tài, trang bị quân sự. Đồng thời với đó là giáo dục nâng cao chất lượng chính trị - tinh thần của quân đội; không mơ hồ, ảo tưởng về một nền hòa bình, độc lập không dựa trên sức mạnh tự bảo vệ. Mặt khác, Đảng ta không rơi vào tư duy vũ khí luận, quá đề cao, tuyệt đối hóa vũ khí, trang bị mà coi nhẹ yếu tố con người. Trong mối quan hệ ấy, nhân tố chính trị - tinh thần là cơ sở, nhân tố cốt lõi  để xây dựng và phát huy các nhân tố khác làm nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Do vậy, quá trình từng bước hiện đại hóa quân đội luôn gắn liền với không ngừng giữ vững, tăng cường vai trò nhân tố chính trị - tinh thần trong sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đồng thời với hiện đại hóa quân đội phù hợp với chiến tranh hiện đại thì nâng cao chất lượng nhân tố chính trị - tinh thần luôn được đặt lên hàng đầu trong xây dựng quân đội ta hiện nay, là nhân tố nền tảng để quân đội giữ vững bản chất cách mạng,củng cố, nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã làm nổi bật những khía cạnh bản chất của quốc phòng Việt Nam, đấy là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược; là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Quan điểm, chủ trương đó của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phản ánh khao khát, nguyện vọng chính đáng của Dân tộc Việt Nam về một nền hòa bình, độc lập chính nghĩa; về phát huy vai trò, sức mạnh toàn dân, toàn diện, tổng hợp của toàn dân tộc, không mơ hồ, ảo tưởng về một nền hòa bình không dựa trên sức mạnh tự bảo vệ. Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những quan điểm đó của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân góp phần không ngừng củng cố và tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003.

2. Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2019.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Tống Văn Bình, Phát huy tính nhân văn của văn hoá quân sự Việt Nam trong tình hình mới, Website Tạp chí Quốc phòng toàn dân , 19/12/2011

5. Nguyễn Tân Cương, Tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng trong thời kỳ mới theo định hướng Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Cộng sản điện tử, 13.7.2021,https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tang-cuong-tiem-luc-va-the-tran-quoc-phong-trong-thoi-ky-moi-theo-dinh-huong-dai-hoi-xiii-cua-dang

6. Phan Văn Giang, Triển khai hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, TTXVN, 28/03/2021

7. Hiền hòa, Phạm cường, Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam, Báo điện tử ĐCSVn, 28/3/2021,https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nhung-nhan-thuc-moi-va-tu-duy-moi-ve-quoc-phong-viet-nam-577419.html

8.  Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam, Luật Quốc phòng, Hà Nội, 2018.

9.  Lê Xuân Thủy, Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Tạp chí tuyên giáo điện tử, 22/4/2021http://www.tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/ket-hop-suc-manh-dan-toc-voi-suc-manh-thoi-dai-trong-bao-ve-to-quoc-viet-nam-xa-hoi-chu-nghia-133009

 

 

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 2021, t. I, tr. 155 - 156

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.156-157

 

[3] Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2019, tr.25.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 155

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.157

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.34.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 68

[8] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd,  tập 1, tr. 158.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr. 156

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.164

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.163

[12] Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, tr. 47.

[13]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.69

[14] Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2019, tr.31.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.156

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tập 1, tr.38-39

Nhận xét