Mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 (LLCT) - Mới đây, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Cuốn sách thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bài viết phân tích mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: tapchicongsan.org.vn

“Xây” và “chống” là hai mặt trong quá trình vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng. “Xây” là quá trình củng cố, tăng cường, nâng cao tính ổn định, sự vững chắc, thúc đẩy sự phát triển.  “Chống” là quá trình lọc bỏ những yếu tố lỗi thời, không tích cực, phá hoại sự ổn định, cản trở sự phát triển. Đây là quá trình diễn ra liên tục, không có giai đoạn nào “xây” và “chống” tách rời nhau. Bởi lẽ, trong sự vận động của các sự vật, hiện tượng, bên cạnh những yếu tố mới, tiến bộ xuất hiện thì luôn tồn tại những yếu tố cũ, lỗi thời, lạc hậu, cản trở sự phát triển cần được loại bỏ.

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, do vậy, trong thời kỳ này, quá trình xây dựng hệ thống chính trị, yếu tố “xây” và “chống” cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Theo C.Mác: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(1). “Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”(2).

V.I.Lênin cũng chỉ rõ: “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có”(3). “Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm hoặc đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy. Thời kỳ quá độ ấy không thể nào lại không phải là một thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đang giãy chết và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh, hay nói một cách khác, giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn, và chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh nhưng vẫn còn rất non yếu”(4)

Do vậy, “xây” và “chống” cũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để bảo đảm tính ổn định, vững chắc của nền chuyên chính cách mạng trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đồng thời, đấu tranh chống lại những yếu tố cũ, lỗi thời, cản trở, phá vỡ tính thống nhất, ổn định, tính định hướng của hệ thống chính trị ấy.

Trên tinh thần đó, trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng chế độ XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam coi việc “xây” và “chống” sẽ góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường tính vững chắc, ổn định của hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ XHCN. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ta xác định trong giai đoạn hiện nay chính là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ph.Ăngghen đã sớm chỉ ra nguồn gốc, bản chất và tác hại do tham nhũng gây ra. Đó là xuất phát từ tính ích kỷ, từ lòng tham của con người. Trong tác phẩm Nguồn gốc gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước, Ph.Ăngghen đã viết: “Chính những lợi ích thấp hèn nhất - tính tham lam tầm thường, lòng khao khát hưởng lạc thô bạo, tính bủn xỉn bẩn thỉu, nguyện vọng ích kỷ muốn ăn cắp của công... đã làm suy yếu xã hội thị tộc không có giai cấp và đưa xã hội đó đến chỗ diệt vong”(5).

V.I.Lênin cho rằng, nguyên nhân của tham nhũng là do chủ nghĩa quan liêu gây ra, do tư tưởng lạm dụng quyền lực của những người có chức có quyền và do bệnh đặc quyền, đặc lợi mà có. V.I.Lênin xem quan liêu, tham nhũng là kẻ thù trực tiếp của chủ nghĩa cộng sản. Do vậy, nếu các đảng cộng sản và Nhà nước chuyên chính vô sản không đấu tranh một cách kiên quyết để loại bỏ tệ quan liêu, tham nhũng, thì sớm muộn, tệ quan liêu, tham nhũng sẽ làm tiêu vong sự nghiệp xây dựng xã hội mới của những người cộng sản.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô là gì? - Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư/ Đục khoét của nhân dân/ Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. - Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”(6). Hồ Chí Minh cũng cho rằng: “Nạn lãng phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước gây ra”(7). “Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân”(8). “Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”(9).

Tham nhũng là “căn bệnh” của mọi nhà nước, mọi chế độ có giai cấp. Do vậy, từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945), nguy cơ tham nhũng đã xuất hiện. Hiện nay, tham nhũng trở thành một hiện tượng rất phức tạp trong đời sống chính trị - xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng việc xử lý các hành vi tham ô, kiên quyết trừng trị bọn tham ô cho dù những kẻ đó ở vị trí nào trong xã  hội. Ngay sau khi giành được chính quyền hơn 80 ngày, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64 về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và và Tòa án đặc biệt; ngày 18-01-1949, ban hành Sắc lệnh số 138/SL về tổ chức Thanh tra Chính phủ nhằm xử lý những cán bộ sai phạm, trong đó có tham ô, tham nhũng.

Thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong từng nhiệm kỳ Đại hội thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có quan điểm, chủ trương và giải pháp cơ bản, cấp bách, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng, được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật.

Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994), Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: tham nhũng, tụt hậu xa hơn về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, “diễn biến hòa bình” là bốn nguy cơ, thách thức đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX, X, XI, XII và nhiều Hội nghị Trung ương các khóa, Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, “Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”(10).

Đại hội XIII thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn khi xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”(11). Đồng thời khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(12). “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...”(13) là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, “đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”(14) là một trong những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. 

Từ năm 2012 đến nay, “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận”(15). “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, có bước đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt; tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”(16), “góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”(17).

“Trong 10 năm qua (2012 - 2022), đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 36 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán, kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”(18).

“Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 03 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Đặc biệt thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%”(19).

Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(20). Đảng ta đã nhận định: “Tệ quan liêu, tham nhũng và suy thoái về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho bộ máy đảng và nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn, các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước bị thi hành sai lệch dẫn tới chệch hướng”(21).

Tiếp tục thực hiện đấu tranh chống tham nhũng, Đại hội XIII chỉ rõ, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, “ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử Lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”(22).

Trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của quần chúng; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng; củng cố và xây dựng tổ chức đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân”(23). “Một vấn đề hết sức quan trọng là phải khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đọa, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”(24).

Trong bài viết Cái làm nên uy tín của đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết: “Đảng ta đã xác định chế độ chính trị của nước ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh vô địch của Đảng là ở mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân. Đảng chủ trương phát huy mạnh dân chủ, coi dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Mỗi đảng viên, trước hết đảng viên là cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân, chăm lo đời sống hằng ngày của quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến quần chúng, ủng hộ, học tập những kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng, giúp đỡ quần chúng khi gặp khó khăn, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền đặc lợi, trù dập, ức hiếp quần chúng và mọi hành vi vi phạm quyền dân chủ của nhân dân. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, một yêu cầu rất cần thiết đối với người đảng viên trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Nó quyết định sự tín nhiệm của nhân dân đối với đảng viên, cũng có nghĩa quyết định uy tín của Đảng trong quần chúng”(25).

Trong Cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những bài học có giá trị để củng cố thêm bản lĩnh và niềm tin là:

Trước hết, “phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất đúng, hành động quyết liệt và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng (...) Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(26).

Hai là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm(27)

Ba là, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Do đó, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 

Bốn là, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá. Phải quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung(28).

Năm là, phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế. Mặt khác, phải xây dựng cho được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ(29).

Sáu là, “chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (...) Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn ai hết, phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”(30)

Bảy là, phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(31)

Tám là, các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước; thường xuyên tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, bổ sung những vấn đề mới, cách làm hay, sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác; không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(32).

Như vậy, bên cạnh việc xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mở rộng việc tập hợp, đoàn kết nhân dân, thì việc chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả là cơ sở để xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Đây là điều có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 541 (tháng 3-2023)

Ngày nhận bài: 05-3-2023; Ngày bình duyệt: 06-3-2023; Ngày duyệt đăng: 22-3-2023.

 

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.47, 33.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.362.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Sđd, tr.309-310.

(5) C. Mác, Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.21, Sđd, tr.150.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.355-356.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.503,

(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.358.

(10), (11), (12), (13), (14), (17), (20), (22) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.76, 200, 193, 118, 284, 78, 93, 193-194.

(15), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr.54, 220.

(18), (23), (24), (25), (26), (27), (28), (29), (30), (31), (32)  Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.26-27, 228, 234, 520, 36, 37, 38-39, 39, 39-40, 40, 41.

(19) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nhieu-ket-qua-noi-bat-sau-10-nam-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-614088.html

(21) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.79.

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH

Việt Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nhận xét